ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ bảy, 15h46 05/10/2024

Tìm hướng đi phù hợp cho việc áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp

(KDPT) - Công nghệ sinh học là công cụ khoa học góp phần thay đổi diện mạo của ngành nông nghiệp thế giới. Việc sớm có các quy định phù hợp cho lĩnh vực này là phù hợp, cần thiết.

Công nghệ sinh học: Bước tiến mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp

Sáng 5/10, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn: "Thành tựu và định hướng ứng dụng ccông nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.

Quang cảnh diễn đàn.
Quang cảnh diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Ông Cao Đức Phát - Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế - IRRI cho biết: Công nghệ sinh học là một công cụ khoa học mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây, làm thay đổi diện mạo của ngành nông nghiệp thế giới. Chế phẩm sinh học được sử dụng rộng rãi trong cả trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản như một giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững.

Những kết quả của công nghệ sinh học đã giúp ngành nông nghiệp có nhiều thành tựu đột phá trong 30 năm qua. Trong đó, những công nghệ nổi bật có nuôi cấy mô giúp lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là các sản phẩm như ngô, đỗ tương, bông… có năng suất vượt trội, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, cải thiện chất lượng đất, môi trường.

Ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế - IRRI tại diễn đàn
Ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế - IRRI tại diễn đàn

Công nghệ sinh học không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu sử dụng hóa chất trong canh tác. Trong tương lai, công nghệ sinh học sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc giúp ngành nông nghiệp Việt Nam đối phó với những thách thức từ biến đổi khí hậu và đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế. Ông Phát nhận định.

Nuôi cấy mô đã trở thành ngành công nghiệp ở nhiều nước để nhân giống cây trồng sạch bệnh và chất lượng ổn định. Công nghệ gen được áp dụng rộng rãi trong chọn tạo giống. Đã có đến gần 200 triệu ha trồng cây biến đổi gen, chiếm 78% diện tích gieo trồng đậu tương, 64% bông, 26% ngô, 24% cải dầu toàn cầu. Công nghệ sinh học đã đem lại nhiều lợi ích, trong đó góp phần tăng mạnh năng suất nhiều loại cây trồng, nổi bật là ngô, đỗ tương và bông, đồng thời cho phép giảm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...

Ứng dụng công nghệ mang đến hiệu quả tối ưu

Theo TS. Nguyễn Duy Phương, Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử, Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết đã cùng các cộng sự phát triển dòng lúa đột biến chủ lực TBR225. Dòng lúa được phát triển sau này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc kim loại Cadmium khi lúa được canh tác trên vùng đất có hàm lượng Cadmium cao, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 

Cùng với đó, nhờ công nghệ chỉnh sửa gen, giống TBR225 cũng được cải tiến tính kháng bệnh bạc lá. Tính kháng đã được đánh giá qua 3 thế hệ liên tục để chứng minh sự di truyền ổn định. Điều đặc biệt là các đặc tính nông - sinh học, cũng như chất lượng của các dòng lúa TBR225 đột biến, được duy trì tương tự so với giống gốc ban đầu.

Còn theo ông Ngô Văn Tùng (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), từ năm 2015, ông đã tiến hành trồng giống ngô kháng sâu, có khả năng chịu lạnh vào mùa đông. Giống ngô đổi mới cho ra năng suất cao và hàm lượng dinh dưỡng đảm bảo. Nhờ đó, ông chủ động được thức ăn cho đàn bò 100 con trong suốt cả năm. Mỗi con bò sữa cần khoảng 50kg thức ăn mỗi ngày, trong đó 90% là thức ăn thô xanh được ủ chua, băm nhuyễn.

Nhiều nông dân trên địa bàn trồng cây ngô chuyển gen để lấy sinh khối làm thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, nông dân nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã trồng ngô chuyển gene để nâng cao năng suất chất lượng chăn nuôi. Đặc điểm ưu việt đó là giống ngô biến đổi gene đang canh tác đều mang tính trạng kháng sâu hại, đặc trị sâu đục thân ngô và phòng ngừa sâu keo mùa thu. Theo đó, các giống chỉnh gene có năng suất cao hơn các giống truyền thống có cùng kiểu gene bởi giống giữ được tiềm năng năng suất của giống gốc và kiểm soát sâu hại hiệu quả.

Tháo gỡ các rào cản pháp lý trong tiến trình phát triển công nghệ sinh học

Tại Diễn đàn, ông Cao Đức Phát cho rằng năng lực phát triển công nghệ sinh học được nâng cao, cả về nhân lực, trang thiết bị và thể chế. Lợi ích của việc sử dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp là không thể phủ nhận. Trong khi, không có bằng chứng về tác hại như một số người lo ngại. Tuy nhiên, điều đáng tiếc lại là việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp nước ta quá chậm, khoảng cách với thế giới có xu hướng doãng ra, không đạt các mục tiêu Đảng và Chính phủ đề ra. Cản trở chính là nhận thức.

Hiện nay, ứng dụng công nghệ sinh học như kết hợp công nghệ vi sinh và nano trong chế tạo các chế phẩm sinh học đạt hiệu quả cao. Công nghệ tế bào được sử dụng để sản xuất thương mại thịt, cá... Công nghệ chỉnh sửa gen được sử dụng ngày càng rộng rãi thay cho chuyển gen. Sự kết hợp giữa công nghệ sinh học và công nghệ số, AI cho phép nâng cao hiệu quả nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học. Để không tụt hậu, nước ta cần nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt và ứng dụng các xu hướng mới này.

Ông Cao Đức Phát nhấn mạnh: "Những năm gần đây, Việt Nam đã có được đội ngũ khá đông đảo các nhà khoa học, kỹ thuật viên được đào tạo khá bài bản, nhiều phòng thí nghiệm được trang bị khá hiện đại. Vấn đề chính là phải quán triệt và nghiêm túc thực hiện các chủ trương do Đảng, Chính phủ đề ra, xóa bỏ mặc cảm, đầu tư thỏa đáng, tháo gỡ các rào cản pháp lý để công nghệ sinh học Việt Nam cất cánh cùng thế giới".

Chia sẻ về những vấn đề xung quanh công nghệ chỉnh sửa gen, bà Sonny Tababa, Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife châu Á cho rằng công nghệ chỉnh sửa gen đã khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam. Bà nêu ý kiến rằng Việt Nam nên có đánh giá tổng thể về hành lang pháp lý, cũng như các giống mới xuất hiện (cả về nông sản lẫn dịch hại) để có một cách tiếp cận mới, phù hợp với yêu cầu hiện tại.

Bà Sonny Tababa, Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife Châu Á chia sẻ tại diễn đàn.
Bà Sonny Tababa, Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife Châu Á chia sẻ tại diễn đàn.

Vị chuyên gia này nhận định cơ quan quản lý nên là đầu mối tiên phong cho công nghệ sinh học, giúp người nông dân có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với công nghệ mới. Bà Sonny Tabada đề nghị Việt Nam tham khảo công nghệ, chính sách của các quốc gia Châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Philippines…

Tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia có cùng quan điểm rằng hiện nay Việt Nam chưa có quy định hướng dẫn rõ ràng đối với cây trồng chỉnh sửa gen khiến cho lộ trình ứng dụng và thương mại hoá các sản phẩm này tại Việt Nam đang đi sau so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Sự chậm trễ trong việc đưa ra hướng dẫn pháp lý đối với cây trồng chỉnh sửa gen sẽ gây ra nhiều bất lợi cho Việt Nam về nghiên cứu khoa học, thương mại cũng như hạn chế khả năng cơ hội tiếp cận các nguồn giống cải tiến của nông dân trong nước.

Do đó, sớm hoàn thiện khung hướng dẫn pháp lý cụ thể cho cây trồng chỉnh sửa gen và các sản phẩm cây trồng là vô cùng cần thiết.

Diễn đàn lần này được tổ chức cũng nhằm đánh giá các thành tựu nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời thảo luận về những định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đối mặt với các thách thức như biến đổi khí hậu./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024