ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ năm, 11h03 19/10/2023

Công nghệ sinh học nông nghiệp: Cơ hội và thách thức

(KDPT) - Phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới; là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân. Hiện nay, nền nông nghiệp nước ta đang đối diện với nhiều cơ hội cũng như thách thức trong việc phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học.

Vai trò quan trọng của công nghệ sinh học

Chia sẻ tại diễn đàn "Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững" diễn ra vừa qua, GS. TS. Phạm Văn Toản - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: "Công nghệ sinh học đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm thực phẩm phục vụ con người suốt nhiều thế kỷ qua. Từ đầu những năm 90, công nghệ sinh học được xem là 1 trong 4 hướng công nghệ cần ưu tiên phát triển, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Công nghệ sinh học đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Ảnh minh họa

Công nghệ sinh học (CNSH) được ứng dụng trong nông nghiệp như một công cụ để tạo giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với các các áp lực của môi trường trong tình hình biến đổi khí hậu trên toàn cầu, tạo số lượng giống lớn góp phần vào việc phát triển nông nghiệp bền vững và đảm bảo an ninh lương thực cho con người".

Tại Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ sinh học đến với sản xuất nông nghiệp. Như nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Với quan điểm phát triển và ứng dụng CNSH phải khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương; lợi thế của quốc gia đi sau. Tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực trọng điểm, cơ bản, nhất là tận dụng ưu thế về đa dạng sinh học nước ta.

Phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng là giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội; lấy doanh nghiệp là chủ thể, có cơ chế, chính sách vượt trội tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp sinh học.

Nghị quyết cũng đưa ra mục tiêu tổng quát là tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền CNSH phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về CNSH, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước.

Đối diện với những khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 36-NQ/TW đánh giá, CNSH phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực CNSH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ. Một số lĩnh vực quan trọng của CNSH lạc hậu so với khu vực và thế giới; công nghiệp sinh học chưa trở thành một ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng.

Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do nhận thức của không ít cấp ủy, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của CNSH chưa đầy đủ. Cơ chế, chính sách chưa phù hợp, thiếu hấp dẫn để thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển và ứng dụng CNSH. Mối liên kết giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong phát triển và ứng dụng CNSH chưa hiệu quả, còn lỏng lẻo.

TS Nguyễn Trung Nam, Phó viện trưởng Viện CNSH, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, hiện nay, ngành CNSH vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa có chính sách đặc thù riêng, thiếu các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Nguồn lực đầu tư cho các phòng thí nghiệm trọng điểm về CNSH còn khá ít và kinh phí cho đề tài nghiên cứu còn hạn chế, đặc biệt thiếu tính liên tục và dài hơi.

Nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Hiện nay, để phát triển CNSH, nhiều nghiên cứu khoa học, công nghệ đang được áp dụng và đẩy mạnh. Một số công nghệ tiêu biểu như Công nghệ gen: Phân lập gen, thiết kế vector chuyển gen, tạo giống cây trồng biến đổi gen: Ngô, đậu tương, xoan ta, thông, bông, cà chua, khoai lang, sâm. Công nghệ vi nhân giống: Qui trình vi nhân giống bạch đàn uro, keo lai, cây hoa, rong biển. Công nghệ chỉ thị phân tử, công nghệ tế bào xác định được các nguồn di truyền mang gen hữu hiệu phục vụ công tác lai, tạo giống cây trồng, vật nuôi, động vật thủy sản kháng bệnh, chống chịu yếu tố môi trường bất lợi, cải tiến chất lượng.

Nhiều công nghệ đang được ứng dụng cho sản xuất nông nghiệp.

Hay như công nghệ Kit ELISA dùng để chẩn đoán virus gây bệnh lúa lùn xoăn lá, virus lúa cỏ, vi rus gây bệnh lùn sọc đen trên lúa, Kit phát hiện ký sinh trùng, phát hiện vi khuẩn gây bệnh trên cá, tôm, Kít phát hiện vius gây bệnh tai xanh, tiêu chảy trên lợn…

Sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp bằng kỹ thuật invitro: bạch đàn, keo, hoa. Sản xuất chế phẩm vi sinh vật qui mô công nghiệp: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, phế thải chăn nuôi, probiotic, thức ăn chăn nuôi. Đào tạo kỹ thuật viên nhân nhanh giống cây trồng, nông nghiệp, lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, để ngành CNSH phát triển nhanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, cần khuyến khích và tạo lập môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp để người đam mê khoa học được làm việc và cống hiến, đóng góp cho nền CNSH nước nhà. Trong đó, nhà khoa học có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để bảo đảm kết quả nghiên cứu của mình một cách tốt nhất, đồng thời nâng cao giá trị lao động, tạo tiền đề thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, hỗ trợ phát triển kinh tế. Nhà nước cũng cần đơn giản hóa các thủ tục về chuyển giao công nghệ để đẩy nhanh hơn việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học từ viện, trường cho doanh nghiệp.

Quan tâm xây dựng đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu có uy tín đạt trình độ quốc tế trong lĩnh vực CNSH. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNSH; có chính sách mua, chuyển giao, trao đổi CNSH, trong đó quan tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ có giá trị cao của thế giới vào Việt Nam.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024