Tín dụng xanh là “mạch máu” nuôi dưỡng các mầm xanh của nền kinh tế
Tín dụng xanh là trụ cột quan trọng
Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đã, đang triển khai và cụ thể hóa tăng trưởng xanh thông qua các chính sách lớn như Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050…
Để thực hiện các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, NHNN Việt Nam đã có các chỉ đạo thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; gần nhất là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN về hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài…
Theo ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN tại "Tọa đàm Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh" diễn ra mới đây đã khẳng định, tín dụng xanh là “mạch máu” nuôi dưỡng các mầm xanh của nền kinh tế. Với những định hướng, chỉ đạo từ Chính phủ và NHNN, các TCTD nỗ lực đầu tư cho vay tín dụng xanh. Tính đến hết tháng 3/2024, có 47 ngân hàng cho vay, dư nợ khoảng 637.000 tỷ đồng, tăng trưởng 2,6% so với 2023, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế. Dư nợ tập trung cho các dự án năng lượng tái tạo và năng lượng sạch - chiếm khoảng 45% tổng dư nợ. Tuy nhiên, tỷ lệ dư nợ này mới phản ánh được một phần kết quả tích cực trong việc triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy tín dụng xanh của các ngân hàng.
Ông Võ Văn Quang - Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Đầu tư Bac A Bank cho biết, trong những năm qua, các dự án ngân hàng lựa chọn tư vấn, cấp vốn tín dụng đều là các dự án doanh nghiệp áp dụng thành tựu khoa học quản trị, khoa học công nghệ hiện đại của thế giới và sản xuất theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức thân thiện với môi trường, trên nền tảng phát triển bền vững.
Theo đó, ngân hàng này ưu tiên, xét cấp tín dụng cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; các dự án trồng rừng, du lịch sinh thái nằm trong hệ sinh thái kinh tế xanh. Hiện nay, dư nợ tín dụng xanh của Bac A Bank chiếm hơn 21% trong tổng dư nợ toàn ngân hàng. Ngoài Bac A Bank, hiện có nhiều NHTM có tỷ trọng tín dụng xanh cao như Agribank, BIDV, HDBank...
Dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, tuy có sự tăng trưởng đều hàng năm, nhưng dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế, con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với các nước xung quanh, đặc biệt là so với các nước phát triển.
Bà Trần Tường Vân, Giám đốc tư vấn, CTCP Tư vấn EY Việt Nam đánh giá các ngân hàng đang sẵn sàng cho vay xanh và rất muốn tìm kiếm khách hàng phù hợp. Nhưng để mở rộng cho vay thì các ngân hàng cũng đang rất trăn trở về tiêu chí phân loại xanh và nguồn vốn để cho vay xanh.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tín dụng xanh là những dự án dài hạn 5 năm, 10 năm, thậm chí là 20 năm với mức lãi suất thấp, trong khi vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn chiếm khoảng 80% tổng huy động của hệ thống. Do vậy các ngân hàng không có dư dả vốn trung và dài hạn để cho vay các dự án xanh. “Hiện tại tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống rất thấp, các ngân hàng đang bị “bó tay” bởi tỷ lệ đó. Ngân hàng lại phải tài trợ cho các dự án tín dụng xanh dài hạn, lãi suất thấp và đặc biệt rủi ro lớn, nếu không có bảo trợ, bảo lãnh của Chính phủ, khả năng dự án này vỡ nợ là có”, TS. Hiếu phân tích và khẳng định, thời điểm này không thể kỳ vọng quá nhiều vốn ngân hàng tài trợ, đầu tư lĩnh vực xanh. Mà nên tìm đến nguồn tài trợ từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức tài chính lớn như WB, IFC… tài trợ dự án tín dụng xanh ở Việt Nam.
Từ thực tế cho vay dự án xanh tại Bac A Bank, ông Võ Văn Quang thừa nhận, phần lớn nguồn vốn cho vay dự án xanh của các ngân hàng đến từ huy động vốn. Còn nguồn vốn tài trợ của Chính phủ có nhưng chưa nhiều. Vì thế, để triển khai chính sách tín dụng xanh, Bac A Bank cũng như nhiều ngân hàng khác phải tính toán căn cơ, cân đối hài hòa.
Để tiếp cận nguồn vốn xanh, cần chủ động tìm ra cách thức kinh doanh để tăng hiệu quả và tìm các nguồn vốn cũng như nâng cao điểm thực hành phát triển bền vững. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tích cực chủ động tìm kiếm các gói tín dụng phù hợp của các ngân hàng. “Doanh nghiệp cần xem xét các chứng chỉ phù hợp với lĩnh vực ngành hàng./.
- BAC A BANK miễn phí thường niên trọn đời cho chủ thẻ tín dụng
- Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đang đạt tốc độ cao