ISSN-2815-5823

Tín dụng tăng đột biến - Tín hiệu sáng cho doanh nghiệp

(KDPT) - Cuối tháng 6, tín dụng tăng mạnh, các ngân hàng cho biết dòng tiền đi vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhờ kinh tế vĩ mô hồi phục, mở ra tín hiệu tươi sáng đối với doanh nghiệp.

Tăng trưởng tín dụng tăng vọt

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố, đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng đạt 6% so với cuối 2023.

Như vậy, tăng trưởng tín dụng đã được chỉ tiêu cao theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là đến đến hết quý II/2024, phải đạt 5-6%.

Trước đó, theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 5/2024 mới chỉ đạt 2,4%. Như vậy, riêng trong tháng 6, tín dụng tăng 3,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cộng lại. Đặc biệt, chỉ trong tuần cuối tháng 6, tín dụng tăng tới hơn 1,5%.

Trước đó, báo cáo Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, tín dụng 5 tháng đầu năm chỉ tăng 1-2%, song dự báo hết tháng 6 sẽ tăng 5-6%, nguyên nhân là các hợp đồng đã ký kết sẽ dồn dập giải ngân trong tháng 6.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, hệ thống ngân hàng đã bơm hơn 800.000 tỷ đồng ra nền kinh tế. Riêng trong tháng 6/2024, hệ thống ngân hàng đã bơm 480.000 tỷ đồng ra nền kinh tế.

Riêng trong tháng 6/2024, hệ thống ngân hàng đã bơm 480.000 tỷ đồng ra nền kinh tế.
Riêng trong tháng 6/2024, hệ thống ngân hàng đã bơm 480.000 tỷ đồng ra nền kinh tế.

Dự báo tín dụng sẽ hồi phục trong nửa cuối năm 2024

Theo dự báo, đà phục hồi của tín dụng nửa cuối năm 2024 sẽ mạnh hơn khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn. Mặt khác, các ngân hàng cũng phải đẩy mạnh giải ngân để làm cơ sở xét “room” tín dụng năm sau.

Theo báo cáo của FiinRatings, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản của các ngân hàng thương mại, có triển vọng hồi phục khi các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ. Các bộ luật mới cũng được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi hơn.

Mặt tích cực hiện nay là mặt bằng lãi suất cho vay được duy trì ở mức ổn định, dù lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,5%/năm trong vài tháng gần đây. Các ngân hàng thương mại khẳng định sẽ duy trì mặt bằng lãi suất thấp để kích cầu tín dụng. 

Các chuyên gia cho rằng, với đà tăng tốc huy động vốn của doanh nghiệp trong nửa cuối năm, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% cả năm của Ngân hàng Nhà nước có thể hoàn thành.

Dù room tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp cho các ngân hàng từ đầu năm, song cơ quan này cho biết, sẽ rà soát lại khả năng tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng và điều hòa trong toàn hệ thống để chuyển từ ngân hàng không có nhu cầu sang các ngân hàng có khả năng tăng trưởng.

Phó thống đốc Đào Minh Tú nhắc nhở các ngân hàng về tín dụng tăng vọt bất ngờ và yêu cầu các ngân hàng không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, mà phải chú trọng chất lượng.  

TS. Nguyễn Đức Độ, chuyên gia kinh tế cho rằng, tín dụng tăng với mức độ hiện nay là không hề thấp.

Theo vị chuyên gia này, không nên cứ tăng đều đặn ở mức độ 15%/năm, mà cần giảm dần. Hiện Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất thế giới. Nếu tình trạng này kéo dài - tăng trưởng GDP mỗi năm khoảng 5-6%/năm (cộng với lạm phát khoảng 4%/năm), trong khi tín dụng tăng 15% - thì tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP ngày càng lớn, trở thành “quả bom nổ chậm”, dễ tạo “bong bóng” đầu cơ tài sản. Do đó, cần phải dần dần kéo giảm con số này, thay vào đó là phát triển các kênh huy động vốn khác, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Được biết, trong nửa đầu năm nay (tính đến ngày công bố thông tin 30/06/2024), phát hành trái phiếu đã phục hồi trở lại song chủ yếu là nhóm ngân hàng thương mại. Trong tháng 6/2024, đã có 30 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 40.147 tỷ đồng và 3 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.000 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 102 đợt phát hành riêng lẻ trị giá104.109 tỷ đồng và 10 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.378 tỷ đồng.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine