Tổ hợp Gốm Đất Việt: Tự hào, bay cao trên đôi cánh khoa học công nghệ
Để có được những thành quả này Gốm Đất Việt đã trải qua không ít những thăng trầm, bĩ cực để vươn lên với bản lĩnh kiên cường và sự kết nối ứng dụng sáng tạo KHCN trong sản xuất. đây là điều kiện tiên quyết là động lực, là đòn bẩy cho vóc dáng, vị thế của Đất Việt hôm nay.
Trong những thành quả đó phải kể đến vai trò trách nhiệm của người “đứng mũi chịu sào” để chèo lái con thuyền Gốm Đất Việt vượt qua những sóng gió để đến bờ phát triển bền vững như hôm nay đó là AHLĐ Nguyễn Quang Mâu người cổ đông sáng lập đầu tiên của Gốm Đất Việt hôm qua và đang vững vàng bước tiếp - ông cũng chính là doanh nhân Việt Nam đầu tiên được vinh dự đón nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN.
Gốm Đất Việt là thương hiệu gạch ngói đất sét nung uy tín tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Để có những thành công như hôm nay, dưới bàn tay chèo chống của AHLĐ Nguyễn Quang Mâu, ngay từ khi thành lập, Gốm Đất Việt đã luôn coi khoa học kỹ thuật và công nghệ là then chốt, là tiền đề nghiên cứu và sáng tạo, tạo bước đột phá trong hoạt động sản xuất, mang lại những kết quả quan trọng.
Từ tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”
Chia sẻ về những ngày đầu bắt tay vào xây dựng Gốm Đất Việt, Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu - Chủ tịch HĐQT Gốm Đất Việt, cổ đông sáng lập Công ty cho biết: Tổ hợp “Gốm Đất Việt” là doanh nghiệp tư nhân gồm 3 công ty: Công ty CP Gốm Đất Việt thành lập năm 2010 tại phường Tràng An, TX. Đông Triều. Gốm Đất Việt có công nghệ nghiền khô, đùn dẻo, sấy nung nhanh, sản xuất gạch Cotto công suất thiết kế 4 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm; hệ thống máy móc thiết bị nhập từ các nước phương Tây, lò sấy, lò nung thanh lăn nhập từ Trung Quốc;
Công ty CP Gạch ngói Đất Việt thành lập năm 2011, có công nghệ lò nung tuynel, công suất 80 triệu viên gạch xây tiêu chuẩn/năm, máy tạo hình sản phẩm nhập từ các nước châu Âu, lò nung Bungari tự cải tiến. Công ty CP Kinh doanh xuất nhập khẩu Gốm Đất Việt thành lập đầu năm 2018 làm nhiệm vụ tiêu thụ sản phẩm cho hai công ty sản xuất.
Thời điểm thành lập các công ty, là giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, Công ty CP Gạch ngói Đất Việt động thổ buổi sáng thì buổi tối ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất vay và sau đó có lúc lãi vay cao ngất ngưởng cũng không vay được. Những năm 2012-2013, sản phẩm tồn kho ngập tràn bãi xếp. Công ty CP Gốm Đất Việt lao đao, Công ty CP Gạch ngói Đất Việt “ngàn cân treo sợi tóc”. Lãnh đạo hai công ty nhiều lần họp để bàn xem là nên bán khoán, cho thuê, thậm chí là phá sản…
Trước những khó khăn chồng chất, chúng tôi nhớ khi đất nước thống nhất, Đảng ta, Nhà nước ta phát động 3 cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa lấy cách mạng khoa học kỹ thuật làm then chốt. Vậy là Gốm Đất Việt cho ra đời Trung tâm Nghiên cứu và phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Gọi là trung tâm có vẻ to tát chứ thực ra chỉ có mấy người, công cụ thô sơ trong một căn phòng nhỏ. Nhưng từ đây chúng tôi đã tìm ra nguyên lý nghiền khô sản xuất ngói rồi nghiền khô siêu mịn. Đặc biệt, nghiền khô siêu mịn đã khó, sấy nung được hỗn hợp này để sản phẩm không bị phá vỡ trong quá trình sấy nung tốc độ cao là bước thành công ngoạn mục. Trung tâm nghiên cứu chế tạo ra nhiều rô bốt, nhiều đề tài sáng chế giảm hàng trăm lao động và hàng trăm lao động khác đã thoát ly sự nặng nhọc.
Nói đến nghiên cứu, phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ cần có vốn, song gõ cửa ngân hàng thậm chí có ngân hàng, chúng tôi gõ cửa từ năm này sang năm khác cũng không vay được. Đồng chí Phạm Minh Chính, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đã tích cực ủng hộ doanh nghiệp, tác động ngân hàng cho giãn nợ, khoanh nợ. Thế là một lần nữa chúng tôi vượt cạn. Nhà đất của tôi và cán bộ chủ chốt ai có gì đáng giá đem ra thế chấp để có vốn đầu tư, cải tạo, đổi mới. Vốn ít nên sáng chế gì cũng phải cân lên, đặt xuống rất nhiều lần chắc chắn mới làm.
Đến Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ
Những năm qua, Gốm Đất Việt luôn có sự giúp đỡ quý báu của chính quyền, đặc biệt của Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cùng động lực thúc đẩy sáng tạo của Quỹ VIFOTEC. Do đó, Công ty CP Gốm Đất Việt trở thành “Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ sản xuất gạch cotto cao cấp nay có dây chuyền công nghệ hiện đại nhất Việt Nam”, đẩy công suất đạt 2.1 lần thiết kế.
Công ty CP Gạch ngói Đất Việt từ sản xuất gạch xây chuyển hẳn sang sản xuất ngói lợp cao cấp với công nghệ lò nung tuynel hiện đại nhất Việt Nam, đạt năng suất, chất lượng, kỷ lục thế giới và là “Doanh nghiệp Khoa học công nghệ đầu tiên trong ngành đất sét nung Việt Nam”.
Hơn 10 năm qua, Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt đã đi đúng hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước, luôn coi trọng, lấy “Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ làm then chốt”, làm tiền đề nghiên cứu và sáng tạo, tạo bước đột phá trong hoạt động sản xuất, lập nên những kỳ tích và thành tựu vượt bậc như: “Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ đầu tiên trong ngành gạch ngói đất sét nung Việt Nam”; giành 2 giải nhất, 1 giải nhì Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam; Huy chương vàng của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới; 3 lần nhận giải thưởng Sao Vàng Đất Việt; 2 giải bạc, 1 giải vàng Chất lượng Quốc gia, nhận 27 Kỷ lục Việt Nam, 2 Kỷ lục thế giới, 5 bằng sáng chế độc quyền giải pháp hữu ích và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Được biết, đặc biệt, công trình khoa học Nghiên cứu công nghệ nghiền khô siêu mịn, nâng cao mức độ tự động hóa và hiệu quả sử dụng nhiệt trong sản xuất ngói cao cấp do AHLĐ Nguyễn Quang Mâu làm chủ nhiệm cùng các đồng tác giả Nguyễn Quang Toàn, Ðồng Ðức Cương, Lương Quang Phú, Nguyễn Duy Tấn, Ðỗ Ngọc Hà, Nguyễn Văn Yên, Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Ðại Binh, Vũ Lương Hưng và Nguyễn Văn Thành là một trong 12 công trình tiêu biểu được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 6.
Đây là công trình được nhóm tác giả nghiên cứu trong suốt 10 năm để tạo ra những sản phẩm cao cấp nhất trên thị trường gạch ngói đất sét nung Việt Nam, ghi dấu văn hóa Việt Nam truyền thống, tôn lên niềm tự hào đất sét nung Việt Nam, mang lại giá trị cốt lõi bền chặt, bảo vệ môi trường trong bối cảnh Việt Nam hướng đến giảm phát thải theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Công trình gồm 4 phần:
Phần 1 “Nghiên cứu đa dạng hóa tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, phế liệu thông qua nghiên cứu sử dụng công nghệ nghiền khô siêu mịn bằng máy nghiền đứng, áp suất âm, không phát sinh bụi ra môi trường, phân tách cỡ hạt bằng khí” được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2019.
Phần 2 “Nghiên cứu chế tạo hệ thống thiết bị vận chuyển phôi, sắp xếp, phân chia phôi, nạp phôi và tạo hình ngói tự động” nhằm tăng năng suất lên gấp 2-3 lần, tăng chất lượng, giảm độ cong vênh... đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế năm 2020.
Phần 3 “Nghiên cứu sử dụng nhiệt khí thải trong hệ thống sấy ngói mộc, nung ngói tăng hiệu quả” giúp tiết kiệm năng lượng, tận dụng tối đa nhiệt khí thải, giải phát thải CO2 ra môi trường... được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2017.
Phần 4 “Nghiên cứu chế tạo các hệ men màu dùng để tráng phủ lên bề mặt của ngói - Nung 1 lần trong lò nung tuynel” làm cho sản phẩm ngói đa dạng về màu sách, không bị thấm nước được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2018. Theo đánh giá Hội đồng khoa học, công trình “Nghiên cứu công nghệ nghiền khô siêu mịn, nâng cao mức độ tự động hóa và hiệu quả sử dụng nhiệt trong sản xuất ngói cao cấp” của Gốm Đất Việt đã đem lại nhiều hiệu quả kinh tế, xã hội cao và lợi nhuận lớn trong sản xuất hàng hóa ở quy mô công nghiệp.
Đặc biệt, công trình có hiệu quả tích cực trong bảo vệ môi trường, giảm đến mức tối đa nước thải, bụi thải, khí thải, hướng tới vòng tuần hoàn trong sản xuất khi tái sử dụng chất thải rắn phát sinh từ sản xuất và phế thải trong sản xuất của các ngành công nghiệp khác.
Chia sẻ về thành công này, Anh hùng lao động Nguyễn Quang Mâu cho biết: Theo công nghệ cũ, toàn bộ lớp đất tầng phủ (lớp đất mặt nhiều sỏi, đá, cát, thành phần cát nhiều) và toàn bộ lớp đất cứng (dưới lớp đất dẻo là lớp đất cứng) đều bị thải loại trong quá trình khai thác đất sét. Lượng đất bỏ đi rất lớn, không có chỗ chứa phải đem đổ thải gây nguy hại tới môi trường. Thực tế lớp đất dẻo được dùng sản xuất sản phẩm gạch ngói cao cấp (theo công nghệ cũ) có lượng ít chỉ chiếm 1/3 chiều sâu khai thác của các mỏ được quy hoạch. Vì vậy, công trình nghiên cứu đã sử dụng thêm được đến 30% nguyên liệu đất cứng, đất tầng phủ (ngoài đất dẻo) vào bài phối liệu mới làm cho chất lượng sản phẩm đạt chất lượng cao, đảm bảo các yêu cầu về màu sắc, các tính chất kỹ thuật của sản phẩm.
Đặc biệt, ngoài việc sử dụng nguồn nguyên liệu đất cứng, đất tầng phủ trong mỏ, công trình còn thực hiện nghiên cứu sử dụng đất cứng, đất tầng phủ trong quá trình khai thác than đá, một nguồn đất rất lớn chưa được tận dụng trong khai thác than.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt đã nghiên cứu áp dụng thành công sản xuất các sản phẩm ngói cao cấp bằng nguyên liệu đất cứng, đất tầng phủ (loại nguyên liệu trước đây không sử dụng được trong sản xuất).
Công trình nghiên cứu được thực hiện cho chính nhu cầu phát triển sản xuất của Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt, mang lại giá trị làm lợi trong quá trình sản xuất tính theo 1m3 nguyên liệu đất khai thác mua vận chuyển về đến công ty (đối với nguyên liệu tốt, nguyên liệu sét dẻo - trước đây khi làm công nghệ nghiền ướt cũ) giá 80.000 đồng/m3. Với khối lượng sản xuất hiện tại 8.000 m3/tháng, với mức 30% tương đương với 2.400 m3/tháng đất rắn, đất tầng phủ, Công ty đã làm lợi gần 200 triệu đồng từ việc tận thu đất cứng, đất tầng phủ. Ngoài ra, còn giảm chi phí vận chuyển chất đổ thải, phí môi trường, mặt bằng để xả chất thải...
Công trình nghiên cứu đã làm thay đổi cảnh quan môi trường khu dân cư nơi công ty đặt trụ sở, nộp ngân sách Nhà nước trên 124 tỉ đồng trong 10 năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Công trình “Nghiên cứu công nghệ nghiền khô siêu mịn, nâng cao mức độ tự động hóa và hiệu quả sử dụng nhiệt trong sản xuất ngói cao cấp” của Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu và các cộng sự đã thiết lập được một hướng đi mới và hiện đại hơn trong công nghệ sản xuất ngói cao cấp đạt trình độ quốc tế, ngang tầm thế giới. Đặc biệt, công trình nghiên cứu đã xác lập nhiều kỷ lục thế giới, góp phần làm thay đổi cách thức sản xuất gạch ngói đất sét nung Việt Nam đương đại.
Kết quả nghiên cứu của công trình là thành tựu khoa học và công nghệ có tính sáng tạo và đổi mới đặc biệt quan trọng khi thay đổi công nghệ sản xuất từ nghiền ướt truyền thống sang công nghệ sản xuất nghiền khô hiện đại.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, công trình nghiên cứu không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm so với công nghệ truyền thống, mà còn mang lại nhiều lợi ích có nghĩa xã hội lớn như: Tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên không tái sinh cho đất nước, tận dụng có giá trị cao các nguồn đất thải, chất thải rắn, phế phẩm thành phẩm mất rất nhiều mặt bằng, chi phí xử lý, đổ thải, chi phí cho các biện pháp giảm thiểu sự tác động không lành mạnh vào môi trường.
Công trình nghiên cứu đã chỉ ra việc tối ưu hóa và giảm thiểu chi phí năng lượng, gián tiếp giảm lượng phát thải CO2, góp phần vào chương trình cắt giảm CO2 của quốc gia nói riêng và toàn cầu nói chung, hướng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo mục tiêu phát thải ròng của Việt Nam bằng “0” vào năm 2050. Để giảm tối đa các tác động có hại đến môi trường, nhóm nghiên cứu đã chú trọng đến vấn đề “tuần hoàn” trong sản xuất, hướng đến sản xuất sạch hơn để bảo vệ môi trường. Công trình đã tạo sự lan tỏa không chỉ trên toàn quốc, mà còn vang danh các nước trong khu vực. Đặc biệt, nghiên cứu của công trình có tính ứng dụng cao, có thể đại trà cho toàn ngành với hàng nghìn nhà máy sản xuất gạch ngói đất sét nung.
Khát vọng vươn xa
Cùng với phát triển sản xuất kinh doanh, Gốm Đất Việt luôn quan tâm đến người lao động với phương châm: Vì người lao động, lấy người lao động làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu của sự phát triển. Không chỉ quan tâm đến thu nhập mà Gốm Đất Việt còn chăm lo cho người lao động mọi mặt: môi trường lao động, sức khỏe, bảo hiểm...; thực hiện ở miễn phí, ăn ca tự chọn, tắm xông hơi, có nhà mẫu giáo đạt chuẩn để nuôi dạy con cán bộ, công nhân... Vì thế, đội ngũ cán bộ, công nhân, nhân viên lao động Công ty luôn say mê với công việc, hết lòng vì công ty “Dám nói, dám nghĩ, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức”. Đặc biệt, Gốm Đất Việt đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu về công tác bảo vệ môi trường sản xuất và sinh hoạt, tạo ra cơ ngơi “Sáng, xanh, sạch, đẹp”; đồng thời, quan tâm xây dựng “văn hóa doanh nghiệp” để mỗi sản phẩm đều đạt đến tầm cao văn hóa “Chân - Thiện - Mỹ”.
Có thể nói, sự bền chắc của Gốm Đất Việt trong cơ chế thị trường như một đảm bảo cho sự bền vững của dòng sản phẩm này khi nó đứng ở thời điểm bình yên hay ở giữa tâm cơn bão dữ, vì nó đã được tôi luyện kỹ lưỡng và khẳng định được vị thế sản phẩm của mình. Và chắc chắn công lớn phải kể về người thuyền trưởng ở tuổi ngoài bảy mươi nhưng vẫn tràn đầy năng lượng sáng tạo khoa học kỹ thuật và lao động miệt mài, tìm tòi và đổi mới không chịu cũ khi cái cũ chưa kịp cũ - Anh hùng lao động Nguyễn Quang Mâu.
Ngay từ khi mới thành lập, lãnh đạo Gốm Đất Việt đã chọn cho mình một hướng đi mới, một con đường riêng, với khát vọng cháy bỏng là: Đưa ngành gạch ngói, đất sét nung Việt Nam lên tầm cao mới và vươn xa ra thế giới. Và đến nay, hệ thống nhà phân phối cấp 1 các tỉnh thành cả nước và hơn 2.000 nhà phân phối cấp 2, sản phẩm của Công ty đã có mặt ở mọi miền đất nước, xuất khẩu 51 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sản phẩm Gốm Đất Việt với nhiều chủng loại đa dạng, phong phú, được sử dụng cho nhiều công trình xây dựng từ truyền thống đến hiện đại. Có thể nói rằng, nhắc đến Gốm Đất Việt là nhắc tới một trong số những đơn vị sản xuất gạch ngói đất sét nung cao cấp số 1 Việt Nam, một đơn vị khoa học và công nghệ đầu tiên trong ngành đất sét nung Việt Nam./.
- Gốm Đất Việt – đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
- Gốm Đất Việt (Quảng Ninh) và câu chuyện đầu tư cho khoa học – công nghệ: “Vượt cạn” bằng nội lực
- Chủ tịch nước biểu dương tinh thần sáng tạo khoa học công nghệ của Gốm Đất Việt