ISSN-2815-5823

Triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trước khi nâng hạng

(KDPT) - Thời gian tới, khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sẽ là cú hích tâm lý cho các nhà đầu tư, giúp thị trường vốn thể hiện rõ nét hơn vai trò là kênh dẫn vốn chủ lực cho nền kinh tế.

Nhà đầu tư sẽ tích cực giải ngân trước khi TTCK nâng hạng

Đã hơn một thập kỷ qua, câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán vẫn luôn được nhắc tới, nhưng ở giai đoạn này, giới đầu tư mới kỳ vọng “cơ hội đang đến gần”. Khi Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 được tổ chức mới đây, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc triển khai các giải pháp để nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025.

Theo đại diện Dragon Capital (công ty quản lý quỹ hàng đầu tại Việt Nam), nhà đầu tư trong và ngoài nước đã dành sự quan tâm đặc biệt tới thị trường Việt Nam. Họ theo dõi sát sao từ vị thế, vai trò của Việt Nam trong bức tranh kinh tế toàn cầu, cũng như sự tăng trưởng và ổn định vĩ mô từ vài năm nay.

Nâng hạng TTCK Việt Nam có thể là một trong những sự kiện quan trọng mà các quỹ đang tích cực theo dõi sát sao. (Ảnh minh họa)

Đại diện Dragon Capital cho rằng, nhà đầu tư cần một tín hiệu rõ ràng để mạnh tay giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt. Theo đó, nâng hạng có thể là một trong những sự kiện quan trọng mà các quỹ đang tích cực theo dõi sát sao. Trường hợp thấy được triển vọng và tiến độ rõ ràng, họ sẵn sàng giải ngân trước (pre-position). Do đó, nếu thị trường thực sự quyết tâm nâng hạng trong năm 2025, thì triển vọng thu hút vốn ngoại trong 2 năm tới nhiều khả năng “sáng”.

“Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE Russell dự kiến là bước đầu để Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI trong tương lai”, theo đại diện Dragon Capital.

Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC - đơn vị Top đầu về thị phần khách hàng tổ chức, định kỳ tổ chức Hội nghị đầu tư Emerging Việt Nam với sự tham dự của hàng trăm quỹ đầu tư) cho biết đã nhận được nhiều sự quan tâm từ giới đầu tư về mức độ khả thi và tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam. Đây là sự kiện chắc chắn tác động tích cực và trực tiếp tới dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Giám đốc Điều hành Khối Khách hàng tổ chức của HSC - ông Trần Tấn Đạt nhìn nhận: “Nhiều quỹ đầu tư lớn có manadate đầu tư cho thị trường mới nổi hiện đang rất quan tâm tới Việt Nam nhưng chưa thể đầu tư được. Nhưng ngay khi thị trường khoán Việt Nam chính thức được nâng hạng, chỉ một phần nhỏ (1-2%) các quỹ phân phối vào thị trường Việt Nam cũng là một con số ấn tượng”.

Theo nhận định của Dragon Capital, lộ trình và mục tiêu mà Chính phủ đặt ra về việc nâng hạng cho thị trường chứng khoán vào năm 2025 là hoàn toàn có thể đạt được. TTCK Việt Nam dự kiến sẽ được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi thứ cấp theo phân loại của FTSE.

Dragon Capital tính toán, hiện có khoảng 700-800 tỷ USD đầu tư vào nhóm thị trường này, dự kiến tỷ trọng của Việt Nam có thể dao động từ 0,2-0,24%, tương đương với 1,5-1,9 tỷ USD tiền đầu tư. Số vốn đầu tư này sẽ được dàn trải trong 6 tháng sau khi quyết định nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức có hiệu lực.

Còn theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI (đơn vị liên tục duy trì vị thế hàng đầu về thị phần môi giới khách hàng tổ chức), thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi từ năm 2018, hiện tại vướng mắc lớn nhất chỉ còn là xử lý vấn đề ký quỹ trước giao dịch của nhà đầu tư tổ chức. Như vậy, ảnh hưởng lớn nhất tới việc nâng hạng TTCK Việt Nam là khi nào Việt Nam sẽ đưa ra được giải pháp cho vấn đề này.

Hiện tại vướng mắc lớn nhất của việc nâng hạng chỉ còn là xử lý vấn đề ký quỹ trước giao dịch của nhà đầu tư tổ chức. (Ảnh minh họa)

Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức - Phát triển khách hàng tổ chức của SSI - ông Nguyễn Anh Đức nhận định, về vấn đề thời gian, cần có thêm thời gian để Việt Nam đưa vào áp dụng những giải pháp loại bỏ giao dịch ký quỹ, nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ đánh giá về sự hiệu quả của các giải pháp này sau khi đưa vào triển khai. Vì vậy, nhiều khả năng FTSE Russell có thể xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025.

SSI tin rằng, trong năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tích cực rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam hơn các năm trước, nhờ một số yếu tố hỗ trợ chính, như: Triển vọng về doanh thu của các công ty niêm yết có khả năng phục hồi rõ ràng hơn so với năm 2023, giúp củng cố niềm tin của khối ngoại; Kỳ vọng nâng hạng TTCK Việt Nam lên mới nổi; Dòng tiền dịch chuyển sang những thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Ngoài việc sở hữu môi trường kinh tế vĩ mô khá ổn định, thì những câu chuyện khác về đầu tư nước ngoài hay Chính phủ tích cực đẩy mạnh đầu tư công mạnh mẽ chính là các điểm sáng giúp thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam trong năm nay.

Thị trường rung lắc, nhà đầu tư tránh mua đuổi

Trở lại diễn biến của thị trường chứng khoán hiện tại, chuyên viên phân tích Chứng khoán KB Việt Nam - ông Nguyễn Đình Thuận đánh giá, thị trường đang có tuần giao dịch ở trạng khá tích cực với dòng tiền được tỏa ra nhiều nhóm ngành khác nhau. Từ nhóm ngân hàng tới các nhóm ngành thủy sản, thép, dầu khí, chứng khoán…

Về kịch bản cơ sở cho tuần tới, theo ông Thuận, chỉ số VN-Index có thể duy trì đà phục hồi với thanh khoản tương đương tuần vừa qua, nhưng sẽ xuất hiện nhiều hơn những pha rung lắc trên thị trường đi lên. Đáng chú ý là những rủi ro chỉ số chính có nhịp điều chỉnh ngắn hạn cũng tăng dân lên khi thị trường tiếp cận gần với ngưỡng kháng cự tại vùng cao và sẽ có áp lực chốt lời.

Vị chuyên gia cho rằng, dòng tiền sẽ chảy vào các nhóm ngành có yếu tố tích cực từ triển vọng kết quả kinh doanh trong năm nay, giá cổ phiếu cũng ở vùng nền tích lũy hoặc chỉ mới có tín hiệu tăng.

Với kỳ vọng tích cực trong năm 2024, một số nhóm ngành có thể lưu ý như nhóm bán lẻ với kỳ vọng phục hồi tăng trưởng kết quả kinh doanh từ nền thấp; nhóm bất động sản khu công nghiệp với kỳ vọng dòng vốn FDI tăng mạnh; nhóm xuất khẩu với nhu cầu phục hồi… Ngoài ra, ở vài phiên tới, một số nhóm ngành trễ nhịp hơn so với thị trường có thể nhận nhiều sự chú ý.

Một số nhóm ngành có thể lưu ý như nhóm bán lẻ, nhóm bất động sản khu công nghiệp, nhóm xuất khẩu... (Ảnh minh họa)

Với diễn biến thị trường hiện nay, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ cổ phiếu với mức tỷ trọng vừa phải. Với những kỳ vọng vào sự luân chuyển của dòng tiền giữa những nhóm ngành, danh mục cần ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024 và giá đang ở nền tích lũy hoặc vừa có tín hiệu tăng.

Đối với danh mục có tỷ trọng cổ phiếu cao, nên cân nhắc hạ dần tỷ trọng với các cổ phiếu đã tăng nóng trước đó và phát tín hiệu suy yếu, vi phạm xu hướng tăng.

Về thời điểm giải ngân mới, các nhà đầu tư nên tránh mua đuổi tại những nhịp tăng mạnh, cần kiên nhẫn chờ tỷ trọng gia tăng chỉ khi VN-Index có nhịp điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ đáng lưu ý và xu hướng dòng tiền vẫn duy trì tích cực.

Theo kỳ vọng của chuyên gia của KB Việt Nam, dòng vốn ngoại sẽ trở lại trong thời gian tới. Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được tổ chức thế giới nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025, thì nguồn vốn hàng tỷ USD đến từ các quỹ đầu tư lớn quốc tế sẽ được giải ngân vào thị trường.

Cùng với đó, Việt Nam là quốc gia có tiềm lực phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng nền chính trị ổn định. Mọi nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua trong việc cải thiện môi trường đầu tư càng giúp Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh vĩ mô ổn định cùng định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang khá hợp lý, thì dòng vốn nước ngoài vẫn có động lực để trở lại đầu tư vào thị trường này trong thời gian tới./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 25/11/2024