Nghị quyết kinh tế tư nhân và những vấn đề lớn tác động đến doanh nghiệp tư nhân
Đó là cuộc cách mạng trong kỷ nguyên mới - “Kỷ nguyên vươn mình”, quyết đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và trở thành một đất nước phát triển, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Đúng! Chúng ta phải gọi đây là cuộc cách mạng đổi mới trong tư duy, trong lãnh đạo chỉ đạo của Đảng. Ở đây, tôi chỉ ra 3 hệ chính sách lớn của Đảng đó là:
1. Cuộc cách mạng "Tinh - gọn - mạnh - hiệu lực - hiệu quả"
Như chúng ta đã biết, ngay từ cuối năm 2024 đến nay Đảng đã chỉ đạo quyết liệt tinh giảm bộ máy từ cấp cao nhất, từ cơ cấu tổ chức trung ương Đảng, đến Chính phủ, đến cơ cấu các bộ ngành. Đến nay, cũng đã có thời hạn về việc sáp nhập cấp tỉnh , cấp xã , bỏ cấp huyện…

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, đến năm 2023, cả nước đã giảm được 7 đầu mối cấp tỉnh, hơn 560 đơn vị cấp xã và gần 1.000 đơn vị sự nghiệp công lập. Riêng việc tinh giản biên chế đã cắt giảm hơn 80.000 biên chế so với năm 2015, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách nhà nước. Đây là những con số biết nói, thể hiện quyết tâm cao và sự chuyển biến thực chất trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính.
Do đó, việc tiếp tục làm cho bộ máy tinh gọn nhất, tối giản nhất và có hiệu quả nhất để điều hành đất nước, điều hành nền kinh tế, sẽ tối giản chi phí cho sản xuất, cho người dân. Cùng với đó là đồng bộ với giải pháp chỉnh sửa bổ sung hệ thống hiến pháp và pháp luật phù hợp với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Đây là những chính sách đồng bộ để hệ thống quản trị đất nước vận hành được ngay, không có vướng mắc, song hành với việc quản trị số trong điều hành đất nước.
2. Nghị quyết số 57 -NQ/TW ngày 22/12/2024 của bộ chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2024 cho thấy, tỷ trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 0,53% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2,4% của các nước OECD. Nhưng điều đáng mừng là tốc độ tăng đầu tư cho đổi mới sáng tạo đã có dấu hiệu bứt phá, với gần 3.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, tăng 25% so với năm trước. Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông đang chiếm khoảng 14,3% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong các ngành đổi mới sáng tạo.
Bằng việc Nghị quyết 57 ra đời và định hình tầm nhìn chiến lược phát triển khoa học công nghệ chuyển đổi số, phát huy tính sáng tạo, phát huy nội lực nội sinh của các tầng lớp nhân dân Việt Nam, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu sáng tạo, đã tạo một hành lang pháp lý cực kỳ quan trọng cho sự phát triển khoa học công nghệ trong nước, trong đó bao gồm cả việc sẽ dành một nguồn lực lớn cho hoạt động này.
Đó là bước đột phá trong tư duy của Đảng làm tiền đề để xây dựng pháp luật, xây dựng ý thức cho sự cống hiến và phụng sự của các tầng lớp nhân dân Việt Nam cho sự phát triển đất nước, từ đó đem lại một kết cấu cho xã hội công bằng, đồng thời thúc đẩy tính sáng tạo phát huy trí tuệ của người Việt Nam mà cũng là kim chỉ nam cho xây dựng quản trị xã hội số.
Phải nói, đây là một nghị quyết làm nức lòng các giai tầng trong xã hội quyết tâm cùng với Đảng để xây dựng đất nước giàu đẹp.
3. Nghị quyết về xây dựng kinh tế tư nhân "bao gồm việc xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dân tộc dẫn dắt có năng lực cạnh tranh toàn cầu và đội ngũ doanh nghiệp tiên phong"
Mới đây nhất, trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra lời tuyên bố chính trị mạnh mẽ “kinh tế tư nhân là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo”. Đồng thời đưa ra định hướng chiến lược là Việt Nam cần phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu, tạo ra những “người khổng lồ” kinh tế có khả năng dẫn dắt sự phát triển đất nước. Đồng thời, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện mục tiêu chiến lược đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Trước đây, có giai đoạn dài, Việt Nam lấy tăng trưởng và thu hút đầu tư nước ngoài làm đòn bẩy phát triển kinh tế và với hệ thống quản trị cồng kềnh chưa tinh gọn thì doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp trong nước đang bị xem nhẹ mà chưa có động lực để phát triển. Chính vì vậy, Đảng ta đã nhìn rõ điều đó quyết tâm phát huy nội lực, phát triển đội ngũ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam làm động lực phát triển chính.
Cho đến nay, theo báo cáo của tổng cục thống kê khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP của cả nước. Khu vực kinh tế tư nhân tạo ra hơn 40 triệu việc làm sử dụng hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp khoảng từ 60-65% GDP trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và hội nhập quốc tế.
Như vậy để phát triển kinh tế tư nhân Đảng tập trung xây dựng hẳn một nghị quyết riêng cho sự phát triển này thấy rõ tầm nhìn chiến lược xây dựng nội lực để Việt Nam vươn mình, lấy trí tuệ Việt Nam, lấy con người Việt Nam làm nền tảng để xây dựng và chấn hưng đất nước. Đây là những bước đột phá của nghị quyết của Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng.
Dựa trên nền tảng đó, hệ thống chính trị sẽ tập trung xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế, cơ chế chuẩn mực để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển theo đúng bản chất cần cù sáng tạo trong lao động của con người Việt Nam.

Là một doanh nhân sao đỏ của Việt Nam, phải nói rằng, chưa bao giờ kinh tế tư nhân lại có một “cơ hội vàng” rõ ràng và mạnh mẽ như hiện nay. Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển đất nước, kinh tế tư nhân không chỉ được thừa nhận mà còn được xác định là một trụ cột của nền kinh tế. Đây không chỉ là một sự thay đổi chính sách - mà là một thay đổi về nhận thức chiến lược của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, để biến “khát vọng” thành “hiện thực”, chúng ta - cộng đồng doanh nhân cần hành động quyết liệt và có trách nhiệm hơn bao giờ hết. Cần đổi mới mô hình quản trị, tăng tốc chuyển đổi số, đề cao văn hóa doanh nghiệp và cam kết phát triển bền vững. Quan trọng hơn, mỗi doanh nghiệp cần chủ động kết nối, liên kết để hình thành nên những chuỗi giá trị đủ mạnh, vươn ra khu vực và thế giới.
Tôi tin rằng, nếu biết tận dụng cơ hội, kinh tế tư nhân Việt Nam không chỉ là động lực tăng trưởng mà sẽ là biểu tượng của bản lĩnh và trí tuệ Việt trong kỷ nguyên mới.
Với 3 đột phá trong cuộc cách mạng trong “Kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc, Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu phát huy hết tinh thần sáng tạo dám nghĩ dám làm để làm giàu cho bản thân, làm giàu cho đất nước để đưa nước Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu./.
- Phát triển kinh tế tư nhân vì một tương lai tươi sáng của Việt Nam
- T&T Group: Top 10 tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành lớn nhất Việt Nam