Thương hiệu quốc gia là tài sản chiến lược trong tiến trình hội nhập
“Thương hiệu quốc gia là tài sản vô hình có giá trị chiến lược, phản ánh năng lực cạnh tranh tổng thể và vị thế của một quốc gia trong tiến trình hội nhập”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định rõ trong phát biểu khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Ghi nhận nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp
Từ năm 2003, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt. Với các giá trị cốt lõi: Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong, chương trình đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao uy tín hàng hóa và dịch vụ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, vai trò của các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia càng trở nên cấp thiết.
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời tạo ra sự khác biệt bền vững trong môi trường toàn cầu cạnh tranh gay gắt. Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, kinh tế số lan tỏa, xu hướng tiêu dùng xanh - sạch - thông minh lên ngôi, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích ứng và tiên phong sáng tạo.
Theo ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, sau hơn 20 năm, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được một số hiệu quả nhất định như nhận thức về ý nghĩa, vai trò và sự cần thiết của xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu của các cấp, các ngành, các địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đã được nâng cao rõ rệt.

Điều này thể hiện qua số lượng doanh nghiệp quan tâm đến Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, thông qua việc tham gia, tương tác với các hoạt động cụ thể của Chương trình tăng đều qua các năm. Năm 2024, kỳ xét chọn lần thứ 9 đã có 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, tăng hơn 6 lần so với năm 2008 - là năm đầu tiên tổ chức việc xét chọn doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được ý nghĩa, vai trò và sự cần thiết của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp. Kết quả là, trong Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2024, có sự góp mặt của 23 thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tăng 15% so với năm 2023. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, số lượng thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam chiếm tới 8 vị trí dẫn đầu, giá trị chiếm tới 88,8%.
Nhiều thương hiệu Việt mang tầm quốc tế
Giá trị, vị thế của Thương hiệu quốc gia Việt Nam gia tăng mạnh mẽ qua các năm. Theo Brand Finance - tổ chức định giá Thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia và là Thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 5 năm từ 2019-2023 là 102%.
Đến năm 2024, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục được Tổ chức Brand Finance định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng 1 bậc và 2% về giá trị so với năm 2023.

Về thương hiệu sản phẩm, Viettel là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt trong “Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2024” (Global 500 của Brand Finance) và đứng ở vị trí 241. Theo Brand Finace, Chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index - BSI) của Viettel đạt 89,4/100, xếp hạng AAA - mức cao nhất trong các năm và tăng 4,2 điểm so với năm 2023. Điều này giúp Viettel giữ vững ngôi vị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á, xếp hạng thứ 9 tại châu Á và thăng một hạng trên thế giới lên bậc 16.
Thương hiệu VinFast với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu đạt mức 142%, giành vị trí dẫn đầu thương hiệu quốc gia có giá trị thay đổi lớn nhất Việt Nam, đạt 181 triệu USD. Sự lớn mạnh của VinFast đánh đấu sự tham gia mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô, xe máy Việt Nam với các thương hiệu ô tô, xe máy lớn khác trên toàn cầu.
Là một doanh nghiệp công nghệ số, Công ty Cổ phần MISA nhận thức rõ đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Không đứng ngoài xu thế, MISA đang tập trung vào việc phát triển và làm chủ công nghệ AI như đã nhận nhiệm vụ với Chính Phủ. Misa cam kết sẽ chi 2.500 tỷ đồng trong 5 năm để xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) cho AI "Make in Viet Nam" với tối thiểu 100 tỷ tham số, chuyên sâu cho xử lý văn bản pháp luật nhà nước, kế toán, thuế và quản trị doanh nghiệp, chuyên sâu nông nghiệp hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi và trồng trọt.

Ông Lê Hồng Quang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA cho biết, đổi mới sáng tạo không chỉ là việc áp dụng công nghệ mới, mà còn là một cuộc cách mạng trong cách thức quản trị, vận hành và phát triển doanh nghiệp.
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, giảng viên cao cấp Trường Đại học Thương mại và là thành viên Ban Chuyên gia của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, qua khảo sát định kỳ hàng năm đối với các doanh nghiệp, tập trung vào mức độ nhận thức và nỗ lực triển khai các hoạt động xây dựng thương hiệu, từ khoảng năm 2022 đến nay đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về vai trò của thương hiệu đã tăng lên đáng kể - xấp xỉ 60%.
Phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đều xác định rõ rằng việc xây dựng thương hiệu không còn là khái niệm trừu tượng, mà là một yêu cầu thiết thực và cần được triển khai một cách bài bản. Trên cơ sở đó, rất nhiều chương trình và hành động cụ thể đã được triển khai. Nhiều doanh nghiệp đã biết cách khai thác hiệu quả các yếu tố môi trường sống, văn hóa doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ để khẳng định vị thế thương hiệu của mình trên thị trường./.
- Thương hiệu cửa số 1 Việt Nam khuyến mãi “khủng”: Kỳ nghỉ 5 sao và cơ hội trúng xe SH sành điệu
- Xây dựng chuỗi sản phẩm mang thương hiệu muối Tuyết Diêm
- LocknLock được vinh danh Top 10 Thương hiệu Tiêu biểu Châu Á - Thái Bình Dương 2025