Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội): Công bố thêm 5 chuyên ngành đào tạo thuộc ngành Kinh tế phát triển
Ngày 21/2, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo “Công bố các chuyên ngành trong chương trình đào tạo ngành Kinh tế phát triển tại Trường Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội theo chuẩn quốc tế”.
Tham dự hội thảo có mặt trên 30 lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, Đại sứ quán Hoa Kỳ, tổ chức quốc tế, giáo sư quốc tế đến từ Anh quốc và Nhật Bản, cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương, trường đại học trong nước và quốc tế, hiệp hội và tổ chức khởi nghiệp...
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Kinh tế đánh giá: “Trường Đại học Kinh tế (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) là đơn vị có đóng góp giá trị vào kết quả của ĐH Quốc gia Hà Nội khi là đại học công lập đầu tiên của Việt Nam được QS thế giới xếp hạng top 451-500 ở lĩnh vực Kinh tế và Kinh tế lượng (Economics & Econometrics) trong kỳ đánh giá 2024.

Trong năm 2025, Trường Đại học Kinh tế (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) tuyển sinh 5 chuyên ngành đào tạo cử nhân ngành Kinh tế phát triển theo mô hình quốc tế gồm: Phân tích dữ liệu kinh tế và chính sách, Kinh tế dịch vụ và du lịch, Kinh tế tài nguyên môi trường và bất động sản, Kinh tế đầu tư và phát triển, Hệ thống thông tin kinh tế và khoa học dữ liệu.
Đây là các lĩnh vực phù hợp với xu thế quốc tế và nhu cầu tuyển dụng hiện nay, hướng tới quốc tế hóa, đóng góp vào nhiệm vụ phát triển đất nước khi xu hướng kinh tế xanh, kinh tế môi trường, kinh tế tài nguyên đang ngày càng phát triển trong mục tiêu phát triển bền vững.
Theo PGS.TS Nguyễn An Thịnh - Trưởng Khoa Kinh tế phát triển, ngành Kinh tế phát triển (Development Economics) là ngành mà người học sẽ có cơ hội học hỏi rất nhiều kiến thức về kinh tế, khoa học xã hội… Ngành học tập trung vào nghiên cứu và khám phá, giải thích sự tăng trưởng và xu hướng phát triển kinh tế thế giới.
Qua quá trình tìm hiểu, phân tích, ngành nghề sẽ giúp sinh viên biết được cơ sở lý thuyết và thực tiễn về sự phát triển kinh tế quốc tế, điều mà các quốc gia đang trên đà phát triển có thể nhìn vào để cải thiện những gì mình còn thiếu sót. Từ đó tìm ra đúng lối đi riêng giúp kinh tế đất nước phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Để xây dựng chương trình đào tạo cử nhân ngành Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã lựa chọn 4 nhóm bên liên quan tham gia vào cuộc khảo sát, bao gồm: Nhà tuyển dụng trong lĩnh vực kinh tế; Giảng viên đang giảng dạy, nghiên cứu về kinh tế học, kinh tế phát triển tại các Trường Đại học thuộc khối ngành kinh tế; Sinh viên đang tham gia chương trình đào tạo cử nhân kinh tế phát triển; cựu sinh viên đã tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân kinh tế phát triển.
Những điểm nổi bật về ngành và các chuyên ngành của chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế phát triển: Thứ nhất, cấu trúc chương trình đào tạo và các học phần được tham khảo từ chương trình đào tạo Cử nhân chất lượng cao ngành Kinh tế và Phát triển Quốc tế của Trường Đại học Sussex (Vương quốc Anh) là cơ sở đào tạo đại học số 1 thế giới về Nghiên cứu phát triển; Thứ hai, 30% tín chỉ thuộc khối kiến thức khối ngành, nhóm ngành và ngành đào tạo bằng Tiếng Anh; Thứ ba, khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học. Không bắt buộc song khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học bằng nhiều hình thức khác nhau bao gồm cả tiếng Anh.../.
- Trường ĐH Phenikaa khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học, sáng tạo khởi nghiệp
- Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhận hàm giáo sư trường ĐH Đức
- 3 trường ĐH Việt Nam xuất sắc lọt vào chung kết cuộc thi lập trình quốc tế ICPC 2021