ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 13h46 27/06/2024

TS. Nguyễn Tú Anh: Thị trường tín chỉ Carbon là công cụ quan trọng cho mục tiêu Netzero

(KDPT) - Tín chỉ Carbon là công cụ quan trọng để giúp Việt Nam đạt mục tiêu với chi phí thấp nhất, đây là thị trường còn nhiều tiềm năng cho mục tiêu phát triển xanh.

Tại tọa đàm "Xu hướng bứt phá trong chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp Việt" do Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển tổ chức, TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương đã đề cập đến một số vấn đề Carbon, thị trường Carbon là công cụ rất quan trọng để giúp Việt Nam đạt mục tiêu với chi phí thấp nhất. Theo đó, thị trường Carbon hiện nay đang được dẫn dắt bởi các nước phát triển, được vận hành theo tài trợ hơn theo thị trường hoạt động, nếu những yêu cầu cắt giảm rác thải như Nghị định 22, yêu cầu kiểm kê rác thải nhà kính, kiểm kê bắt buộc ấn định...

Tọa đàm Xu hướng bứt phá trong chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp Việt

Cam kết của Việt Nam về chuyển đổi xanh

Chia sẻ về cam kết của Việt Nam trong vấn đề chuyển đổi xanh, T.S Nguyễn Tú Anh nói: "Việt Nam phê duyệt tham gia Thỏa thuận Paris vào năm 2016. Đệ trình đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) lên Công ước khung về BĐKH (UNFCC) năm 2020: Cam kết 2020 cắt giảm phát thải KNK đạt 9% bằng nguồn lực trong nước tương đương 83,9 triệu tấn CO2tđ, lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế, tương đương 250,8 triệu tấn CO2tđ so với kịch bản BAU trong giai đoạn 2021-2030".

TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương
TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương

Năm 2022: Giảm 15,8% bằng nguồn lực trong nước và 43,5% với sự hỗ trợ quốc tế, các lĩnh vực: Năng lượng, nông nghiệp, chất thải, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF), các quá trình công nghiệp (IP). Ông Tú Anh đưa ra dẫn chứng cụ thể.

Giải pháp ứng dụng công nghệ REDD trong giảm phát thải khí nhà kính

Công nghệ đã, đang và sẽ đồng hành trong các vấn đề chuyển đổi xanh. Dấu ấn của công nghệ đã ngày càng in sâu trong phương thức làm việc của chúng ta. Đưa ra giải pháp công nghệ, TS. Nguyễn Tú Anh đã đề cập đến công nghệ REDD giúp giảm phát thải bằng các công nghệ mới, chuyển đổi cách thức sản xuất, phân phối, tiêu dùng. Tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính phát thải ra: Chôn lấp Carbon, phong tỏa carbon không cho phát ra môi trường, và tăng hấp thụ carbon thông qua trồng cây xanh.

Nêu lên thông tin, ông Tú Anh đưa ra nghiên cứu của Harris và cộng sự (2021) được NASA trích dẫn: trong giai đoạn 2001-2019, trung bình mỗi năm các cánh rừng trên toàn cầu đã hấp thụ được khoảng 15,6 tỷ tấn carbon dioxide, nhưng đồng thời việc phá rừng cũng đã làm phát thải ra 8,1 tỷ tấn CO2. Như vậy, rừng hấp thụ ròng được khoảng 7,6 tỷ tấn CO2 gấp 1,5 lượng phát thải của nước Mỹ mỗi năm. Hạn chế phá rừng, và tăng diện tích rừng có thể làm giảm phát thải CO2 ròng.

Tiềm năng hấp thụ Carbon của rừng nhiệt đới

Nhận định về tiềm năng hấp thụ Carbon của rừng nhiệt đới, TS. Nguyễn Tú Anh đưa ra những con số: 1 ha rừng nhiệt đới có thể hấp thụ được 200 tấn carbon tương đương 100 ha đồng cỏ (The Carbon Potential of Rainforest (coolearth.org) Năm 2021 Việt Nam có 14.745.201ha rừng bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán; Rừng tự nhiên là 10.171.757 ha; rừng trồng là 4.573.444 ha. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỉ lệ che phủ toàn quốc là 13.923.108 ha, tỉ lệ che phủ là 42,02%.

Như vậy nếu ước tính của Coolearth được áp dụng cho Việt Nam thì diện tích rừng Việt Nam mỗi năm hấp thụ được khoảng 2,8 tỷ tấn Carbon. Nếu ước tính cho Việt Nam chỉ bằng 50% ước tính trên thì mỗi năm rừng Việt Nam hấp thụ 1,4 tỷ tấn CO2.

TS Nguyễn Tú Anh:
TS Nguyễn Tú Anh: "Nếu ước tính của Coolearth được áp dụng cho Việt Nam thì diện tích rừng Việt Nam mỗi năm hấp thụ được khoảng 2,8 tỷ tấn Carbon".

"Tuy nhiên mức hấp thụ này được cho là của tự nhiên và Việt Nam chưa đăng ký tham gia được các tiêu chuẩn TC carbon nên không được tính thành tín chỉ. Chỉ được tính tín chỉ đối với phần diện tích rừng tăng thêm". TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.

Cơ chế trao đổi tín chỉ Carbon

TS. Nguyễn Tú Anh cũng trích dẫn từ nghị định thư Kyoto 1997: Các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết.

Người có khả năng hấp thụ carbon (người trồng rừng) đề nghị cơ quan xác nhận khả năng hấp thụ Carbon của mình thông qua các tín chỉ.

Người phát thải cần giảm phát thải có thể lựa chọn mua tín chỉ của người hấp thụ Carbon để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải.

"Như vậy cần phải có khả năng đo lường mức phát thải và mức hấp thụ Carbon; bên thứ ba được thị trường công nhận xác nhận mức độ hấp thụ carbon và mức độ phát thải carbon; có người cần mua chứng nhận giảm phát thải; (iv) cơ chế mua bán định giá tín chỉ Carbon này; hệ thống ghi nhận việc chuyển quyền sở hữu tín chỉ Carbon" TS. Nguyễn Tú Anh nói.

Tín chỉ Carbon trên thị trường này hay còn gọi là CER phải được một tổ chức do hội đồng điều hành thuộc CDM (cơ chế phát triển sạch của LHQ) công nhận.

TS. Nguyễn Tú Anh cũng lưu ý, hiện nay CER chỉ được thực hiện theo từng dự án, chứ không công nhận đại trà. Chứng chỉ CER được ghi nhận để xác định mức giảm thải Carbon theo Nghị định thư Kyoto. Ngoài ra tín chỉ Carbon được xác nhận ban hành theo tiêu chuẩn vàng cũng được chương trình CDM công nhận. Đây là loại tín chỉ Carbon kèm theo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ như giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới, cung cấp nước sạch hợp vệ sinh, năng lượng sạch với giá phải chăng, bảo vệ sự đa dạng của hệ sinh thái...

Thị trường tín chỉ Carbon tự nguyện

Các doanh nghiệp hoặc quốc gia tự nguyện tham gia cắt giảm phát thải và chấp nhận mua tín chỉ Carbon giảm phát thải nếu họ phát thải quá mức tự nguyện cam kết. Để đáp ứng các tiêu chuẩn ESG, mục tiêu PR hoặc để đáp ứng yêu cầu gia nhập thị trường nào đó (ví dụ CBAM). Do vậy, theo TS. Nguyễn Tú Anh thì tín chỉ giảm phát thải REDD+ là phương án hữu hiệu hiện nay.

TS. Nguyễn Tú Anh:
TS. Nguyễn Tú Anh: "Tín chỉ giảm phát thải REDD+ là phương án hữu hiệu hiện nay".

TS. Tú Anh nhận định: Tuy nhiên, để có tín chỉ này cần đáp ứng yêu cầu đăng ký tham gia dự án REDD+ với UNFCCC. Theo đó, thực hiện đo đếm và giám sát lượng phát thải CO2 từ mất rừng và suy thoái rừng, mức hấp thụ CO2 từ phát triển rừng trong phạm vi biên giới nước mình. Sau một thời gian nhất định, từng nước sẽ tính toán lượng giảm phát thải, đề nghị các tổ chức được công nhận cấp chứng chỉ carbon REDD+ tương ứng.

Để được cấp tín chỉ thì các nước tham gia phải đạt một trong các tiêu chuẩn: tiêu chuẩn ART TREES (Architecture for REDD+ Transactions - The REDD+ Environmentsl Excellence Standard); Tiêu chuẩn carbon được xác nhận (VCS) của VERRA (Verra's Jurisdictional and Nested REDD+); Tiêu chuẩn vàng (Gold Standard - GS); Tiêu chuẩn PLAN VIV; Tiêu chuẩn khí hậu, cộng đồng và đa dạng sinh học (CCB). Tuỳ thuộc vào yêu cầu của từng thị trường, nhu cầu của bên mua tín chỉ giảm phát thải hay bên chi trả kết quả giảm phát thải từ REDD+, các bên sẽ lựa chọn tiêu chuẩn xác minh và cấp chứng nhận phù hợp. TS. Nguyễn Tú Anh nói về việc để cấp được tín chỉ.

Một số tiêu chuẩn tín chỉ Carbon

Cũng tại tọa đàm, TS. Nguyễn Tú Anh cũng đã nêu lên một số tiêu chuẩn tín chỉ Carbon hiện nay. Bao gồm:

Tiêu chuẩn ART TREES thường được dùng để xây dựng các dự án và xác nhận tín chỉ các-bon từ chống mất rừng, chống suy thoái rừng và trồng rừng trên đất không có rừng trước đó ít nhất 5 năm hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng trên đất trống (1a, 1b, 1c), rừng nghèo kiệt.

Tiêu chuẩn VCS của VERRA thường được dùng để xây dựng các dự án và xác nhận tín chỉ các-bon rừng được hình thành từ trồng rừng mới, trồng lại rừng gỗ lớn, trồng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, phục hồi rừng tự nhiên; giảm phát thải từ chống mất rừng và suy thoái rừng; phục hồi và bảo tồn đất ngập nước.

TS. Nguyễn Tú Anh: Thị trường tín chỉ Carbon là công cụ quan trọng cho mục tiêu Netzero - ảnh 5

Tiêu chuẩn PLAN VIVO được dùng để xây dựng các dự án và xác nhận tín chỉ carbon rừng hình thành từ giảm phát thải do chống mất rừng, suy thoái rừng; hấp thụ và lưu giữ carbon rừng từ phục hồi rừng và hệ sinh thái; hấp thụ carbon rừng từ quản lý rừng bền vững.

Tiêu chuẩn CCB để xác thực các tín chỉ Carbon được hình thành từ giảm phát thải do chống mất rừng, suy thoái rừng; hấp thụ và lưu giữ carbon rừng từ trồng rừng, phục hồi rừng, nông lâm kết hợp

Ngoài ra, còn có các Tiêu chuẩn REDD+ khác như California Tropical Forest Standard; Green Climate Fund; Joint Credit Mechanism; UNFCCC. TS. Nguyễn Tú Anh nói.

Thực tiễn hoạt động giao dịch, chuyển nhượng tín chỉ REDD+ tại Việt Nam

TS. Nguyễn Tú Anh cho biết: "Từ năm 2009, Việt Nam là một trong 9 quốc gia đầu tiên tham gia thí điểm Chương trình REDD+ của Liên Hợp Quốc. Năm 2011 Việt Nam tham gia Chương trình chi trả dựa vào kết quả thực hiện REDD+ theo cơ chế Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới".

Đến tháng 10 năm 2020, Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2024 đã được ký và đây cũng là thỏa thuận chỉ trả đầu tiên tại Việt Nam. Theo Thỏa thuận này, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 giảm từ REDD+ cho Ngân hàng Thế giới với đơn giá 5USD/ tấn CO2 với tổng giá trị là 51,5 triệu USD. Dự án này theo tiêu chuẩn FCPF cho thị trường carbon bắt buộc. 95% mức giảm thải này sẽ được FCPF chuyển lại cho Việt Nam để tính vào mức giảm thải tự định.

"Cần khai thác tiềm năng về tín chỉ Carbon"

Tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ Carbon tại Việt Nam là rất lớn. Đặc biệt là theo cơ chế REDD+. Tuy nhiên để khai thác tiềm năng này chúng ta hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào các đối tác nước ngoài về chứng thực tín chỉ, về thị trường, về người mua. Những người mua khác nhau đòi hỏi các tiêu chuẩn khác nhau, dẫn đến khó thống nhất tiêu chuẩn trên thị trường.

Vòng đời của tín chỉ phụ thuộc vào từng dự án, nên tính bất định khá cao. Xu hướng các nước đánh thuế Carbon đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trường có thuế carbon phải có tín chỉ carbon hoặc đầu tư công nghệ giảm thải

"Đòi hỏi cần phải từng bước hình thành thị trường tín chỉ carbon nội địa do các doanh nghiệp Việt Nam mua từ những người trồng rừng Việt Nam. Tín chỉ phải đáp ứng các tiêu chuẩn do các nước phát triển đặt ra và phải được công nhận toàn cầu". TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/10/2024