Trong cuốn sách nổi tiếng, đã được dịch và xuất bản năm 2012 dưới tên “Võ Nguyên Giáp”, nhà sử học Pháp Georges Boudarel đã đặt ra vô số câu hỏi: Vì sao một người chưa từng ngồi trên ghế các nhà trường quân sự đã đối đầu thắng lợi với 15 sĩ quan cao cấp, có nhiều kinh nghiệm nhất, được đào tạo bài bản tại các trường quân sự nổi tiếng nhất phương Tây như Saint Cyr, West Point? Do đâu một dân tộc nhỏ bé (về quy mô và tiềm lực) với những “người nhà quê” (về tính chất) lại đương đầu được với vũ khí hiện đại ?…

Câu trả lời chung của Georges Boudarel là: với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và các bạn chiến đấu của mình, cụm từ “chiến tranh nhân dân” không ngừng trở thành khẩu hiệu động viên toàn thể dân tộc, được thực hiện hằng ngày. Trước năm 1946, ít nhà quan sát người Pháp biết và trước những năm 1960 còn ít hơn nữa các nhà quan sát Mỹ hiểu được điều này.

Tướng De Castries và các chỉ huy bị bắt sống trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tư tưởng cốt lõi trong “Chiến tranh nhân dân” của tướng Giáp đó chính là quân đội ta thực sự là một quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì sự nghiệp của nhân dân mà chiến đấu. Từ những hạt giống bé nhỏ nảy mầm trong khói lửa đấu tranh cách mạng của toàn dân, quân đội ta đã lớn mạnh không ngừng, đã không ngừng chiến đấu và chiến thắng. Trong cuốn “Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” có viết: “Nhân dân ta vô cùng vĩ đại. Quân đội ta, con đẻ của Nhân dân, là một quân đội anh hùng. Từ nhân dân mà ra, được nhân dân đùm bọc, chăm sóc, thương yêu, quân đội ta đã làm tròn và quyết sẽ làm tròn mọi nhiệm vụ nặng nề, vẻ vang mà Nhân dân và Đảng giao phó”.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, dù đã có đủ 4 yếu tố: lực, thế, thời và cách đánh, nhưng nếu không có đủ lương thực, đạn dược, thuốc men và các nhu cầu vật chất khác để đảm bảo hơn 5 vạn quân chiến đấu dài ngày ở một mặt trận xa hậu phương từ 500 đến 700 kilômét thì cũng không thể nào giành được thắng lợi. Với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!” nhân dân ta ở hậu phương, kể cả ở một số vùng bị địch tạm chiếm, đã không ngại gian khổ khó khăn, hết lòng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến.

Từ lịch sử, chúng ta có thể học được nhiều điều. Và ngày nay, những thế hệ doanh nhân thời bình đã học được từ cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, từ nghệ thuật của Đại tướng để ngày càng làm giàu thêm, đẹp thêm cho Tổ quốc. Có một câu chuyện được nhiều người biết đến, đó là ngày cuốn sách “Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” được xuất bản, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên đã mua hơn 100 ấn phẩm này. Ông giao cho các cán bộ của doanh nghiệp đọc. Mục đích là nhằm hiểu được chiến lược của Đại tướng, từ đó áp dụng vào để lãnh đạo, phát triển Trung Nguyên. Bởi ông Vũ hiểu rõ rằng, thương trường cũng như chiến trường, không có ý chí, không có chiến đấu, không có tinh thần đoàn kết thì sẽ không bao giờ giành thắng lợi.

Điểm tương đồng rõ nét nhất giữa nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến lược phát triển của Đặng Lê Nguyên Vũ chính là việc tận dụng sức mạnh nội tại. Nếu như Đại tướng đã tận dụng địa hình hiểm trở của Điện Biên Phủ để xây dựng căn cứ chiến đấu thì ông Vũ tận dụng thứ nông sản dồi dào trên chính mảnh đất Buôn Ma Thuột là cà phê. Giá trị cốt lõi mà Đại tướng áp dụng là lòng yêu nước và tính chính nghĩa, còn giá trị cốt lõi mà Đặng Lê Nguyên Vũ áp dụng là nguồn lực sẵn có của quê hương, đưa Trung Nguyên trở thành thương hiệu toàn cầu và nỗ lực hết mình cho khát vọng một Việt Nam hùng mạnh và ảnh hưởng trên toàn cầu.

Trung Nguyên ra mắt thương hiệu G7 năm 2003.

Một điểm nữa mà ông “Vua cà phê” học được từ cách đánh của Đại tướng đó chính là phương pháp tác chiến đi trước đón đầu. Tại cứ điểm chiến đấu, địch kiểm soát khu vực dưới lòng chảo, ta buộc phải chọn vị trí bên trên những triền núi xung quanh. Khó khăn lớn nhất là làm thế nào để kéo pháo lên những vị trí ấy qua những dốc cao, vực sâu để đến được hầm trú ẩn, dựa vào những tán cây rừng, tránh con mắt của địch. Trước hết cần phải mở đường để kéo pháo, ta đã hoàn thành xong chỉ sau 20 giờ với độ dốc chênh vênh. Việc kéo pháo hoàn toàn sử dụng sức người, tất nhiên năng suất không cao. Ta đã không thể kéo hết pháo vào thời điểm đã định để bắt đầu cuộc tiến công. Bộ chỉ huy chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ định thay đổi phương châm chiến đấu, đưa pháo quay trở lại vị trí ban đầu, mở những tuyến đường mới cơ động hơn cho pháo. Công việc sẽ được thực hiện song song với những nhiệm vụ khác cho đến ngày dự kiến nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào đầu tháng 3/1954. Pháo sẽ là điều bất ngờ ta dành cho Pháp, tất nhiên chỉ là những đòn phủ đầu để mở cửa, bộ binh sẽ là lực lượng chính tiếp cận và đánh chiếm các cứ điểm. Bộ đội ta sẽ đào những đường hào bên ngoài, vòng quanh các cứ điểm, tạo thành thế bao vây. Ta sẽ bóc từng lớp vỏ của “con nhím”, cơ hội đến sẽ dốc toàn lực và đánh vào trung tâm.

Ngày 20/8/1998, ông Vũ lần đầu tiên mở quán cà phê Trung Nguyên ở 587 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay thời điểm này, ông Vũ đã tỏ ra là người biết cách làm quảng cáo khi quán cà phê phục vụ cà phê miễn phí trong 10 ngày. Quán cà phê nhanh chóng thu hút mọi người kéo đến thưởng thức đồ uống miễn phí. Đó chính là điều mà ít ông chủ nào dám làm khi đó. Từ một địa điểm ban đầu, thông qua hình thức nhượng quyền kinh doanh, Trung Nguyên nhanh chóng gia tăng số lượng cửa hàng tại các thành phố lớn. Năm 2011, Trung Nguyên đánh dấu nhượng quyền thành công tại Nhật Bản. Tới nay, Trung Nguyên có khoảng hơn 50 cửa hàng vị trí đẹp ở các thành phố lớn. Đỉnh cao nhất chính là cuộc “thử mù” (blind test – thử sản phẩm mà không tiết lộ trước sản phẩm nào của thương hiệu nào) tại Dinh Thống Nhất, trong đó một thương hiệu cà phê chưa tên tuổi là G7 đấu với thương hiệu mạnh nhất là Nescafe của Nestle. Cuộc “thử mù” thu hút 11.000 người tham gia mang lại thành quả rất ấn tượng cho G7. Bằng cách cạnh tranh với người đi đầu, G7 tạo ấn tượng chất lượng không thua kém gì, thêm nữa lại là sản phẩm của người Việt nên rất được yêu thích. Kết quả là mảng cà phê hòa tan của Trung Nguyên trở thành một thế lực lớn. Đó chính là cách ông Vũ đưa Trung Nguyên lên vị trí dẫn đầu, những nước đi rất sáng tạo và khác biệt.

Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ là một ví dụ điển hình trong cơ số những doanh nhân áp dụng thành công tinh thần, tư tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hướng về Chiến thắng Điện Biên Phủ, noi theo tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các doanh nhân muốn trở thành “doanh tướng”, đi đầu trong lĩnh vực kinh tế, đóng góp cho sự phú cường đất nước, ngoài lý tưởng chính nghĩa, cần có tri thức, có hiểu biết, có tinh thần dám chiến đấu và đương đầu, như Nhân cách và Trí Huệ của Người.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: “Để phát huy một cách hữu ích và hiệu quả nghệ thuật chiến tranh của Đại tướng, trong thời gian tới, các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế và các doanh nhân cần phải có những phân tích đánh giá để tổng kết và chuyển hóa tư tưởng, tinh thần của Đại tướng thành lý luận thực tiễn có thể áp dụng trong hoạt động kinh tế. Trên cơ sở đó các doanh nhân có thể vận dụng một cách có hệ thống, phát huy hơn nữa sức mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế”.

Phương Mai