ISSN-2815-5823
Minh Thành
Thứ năm, 09h13 04/07/2024

Tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội ở Hà Nội cao nhất cả nước

(KDPT) - Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, cho hay tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội ở Thủ đô chiếm tới 6,8%, cao nhất cả nước.
Tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội ở Hà Nội cao nhất cả nước - ảnh 1

Thông tin tại tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội ngày 3/7, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, cho hay tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội ở Thủ đô chiếm tới 6,8%, cao nhất cả nước.

Trong số này có hơn 15.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, mất tích, nợ không có khả năng thu hồi. Ngành bảo hiểm đã gửi nhiều văn bản kiến nghị đến cấp thẩm quyền để xem xét xử lý. Những lao động bị nợ đóng thì ngành ưu tiên tách ra khi xử lý chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, trợ cấp một lần, chốt sổ chuyển sang nơi làm việc khác.

Theo ông Mến, nguyên nhân của việc nợ bảo hiểm xã hội là do doanh nghiệp sau đại dịch không có đơn hàng, sản xuất khó khăn và một số có điều kiện nhưng lại chây ì không đóng. Với những doanh nghiệp này, liên ngành bảo hiểm xã hội, lao động, công an thành phố sẽ thanh kiểm tra xử phạt. Về chủ quan, do cán bộ bảo hiểm xã hội nhiều việc, áp lực cao nên chưa đôn đốc dẫn đến số nợ tăng cao.

Bảo hiểm xã hội Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến cuối tháng 12 giảm tỷ lệ nợ đọng xuống còn 2,2%, đảm bảo thu chặt chẽ để ổn định nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội. Ngành sẽ công khai danh sách doanh nghiệp chây ì, nợ đóng. "Đề nghị thành phố không cho phép các doanh nghiệp nợ đóng tham gia đấu thầu dự án, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý", ông nói.

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 1/2024 có hơn 90.600 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Ngoài 5.400 tỷ đồng nợ, tiền chậm đóng phải tính lãi là hơn 1.500 tỷ đồng.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 đã bổ sung nhiều quy định tăng cường chế tài xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, lần đầu tiên, Luật mới đã có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với việc trốn đóng bảo hiểm.

Theo đó, Luật quy định chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(i) Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đã đăng ký, kể từ sau ngày đóng bảo hiểm xã hội chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật này, hoặc kể từ sau ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

Theo khoản 4 Điều 34, thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất đối với người sử dụng lao động được quy định như sau:

Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng.

Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 3 tháng một lần, hoặc 6 tháng một lần.

(ii) Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.

Theo khoản 1 Điều 28, người sử dụng lao động có trách nhiệm kê khai và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động, cho cơ quan Bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

(iii) Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

(iv) Thuộc trường hợp không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây, để không đóng hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động:

(i) Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này, mà người sử dụng lao động không đăng ký, hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

(ii) Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

(iii) Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật này.

Theo khoản 1 Điều 31, người sử dụng lao động hằng tháng đóng 3% trên tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

(iv) Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

(v) Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 60 ngày, kể từ ngày đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật này, và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc.

(vi) Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp sau 60 ngày, kể từ ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc.

(vii) Các trường hợp khác bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Việc phân định rõ hành vi chậm đóng với hành vi trốn đóng để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của Luật, bảo đảm hài hoà với quy định của Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Luật mới đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội như:

Quy định cụ thể biện pháp xử lý đối với hành vi chậm đóng, và trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đó là, bắt buộc đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng, và số ngày chậm đóng, trốn đóng.

Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

Riêng đối với hành vi trốn đóng, còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/07/2024