Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023, hầu hết các nguồn thu ngoài lãi của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank; Mã CK: ABB) đều ghi nhận mức tăng trưởng khả quan.

Trong 3 tháng đầu năm, nguồn thu chính của ABBank ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 3 tháng đầu năm, nguồn thu chính của ABBank ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, lãi từ dịch vụ tăng 111% đạt mức gần 134 tỷ đồng; Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 25,4% lên mức 234,8 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt 90,8 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 10 tỷ đồng) và hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 2,2 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 57,6 tỷ đồng). Trong khi đó, nguồn thu chính của ABBank là thu nhập lãi thuần lại ghi nhận sụt giảm 4,5% so với với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 790,4 tỷ đồng.

Trong kỳ, ABBank đã mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên mức 116,8 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với cùng ký; Chi phí hoạt động tăng 23,2% lên gần 538,7 tỷ đồng.

Kết quả, ABBank ghi nhận lãi trước thuế gần 611,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,3% so với cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận sau thuế đạt 488,8 tỷ đồng, tăng 6,2%.

Một tình trạng đáng lo ngại tại ABBank là chỉ trong 3 tháng đầu năm, nợ xấu nội bảng của ngân hàng này tăng tới 35,2% khiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này vượt ngưỡng 4%. Điều này có nghĩa là cứ 100 đồng nhà băng này cho vay khách hàng, thì có hơn 4 đồng là nợ xấu. Trong khi phần lớn các ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 3% thì mức nợ xấu 4,03% của ABBank thực sự là con số đáng lo ngại.

Dù cho vay khách hàng sụt giảm nhưng nợ xấu tại ABBank tăng hơn 35%.
Dù cho vay khách hàng sụt giảm nhưng nợ xấu tại ABBank tăng hơn 35%.

Tính đến ngày 31/3/2023, cho vay khách hàng của ABBank đạt hơn 79.453,1 tỷ đồng, giảm 3,1% so với hồi đầu năm. Đồng thời, chất lượng tín dụng của nhà băng này đi xuống rõ rệt khi nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 tăng mạnh.

Cụ thể, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 62,8% đạt mức 685,2 tỷ đồng; Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm nhẹ 1,4% xuống còn 1.384,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng đột biến, gấp hơn 2 lần lên mức 1.128,8 tỷ đồng.

Do đó, tổng nợ xấu của ABBank đạt mức 3.198,1 tỷ đồng, tăng tăng 832,5 tỷ đồng (tương đương tăng 35,2%) so với hồi đầu năm và tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này tăng vọt từ 2,88% hồi đầu năm lên 4,03% vào hồi cuối tháng 3.

Dù mới kết thúc 3 tháng đầu năm nhưng tại ABBank đang ghi nhận sự chuyển dịch rõ rệt từ nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) sang các nhóm nợ khác.

Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản ABBank ở mức 134.282,7 tỷ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 47,4% xuống còn 1.422 tỷ đồng; Tiền gửi tại TCTD khác tăng 36,7% lên mức 28.025,8 tỷ đồng,..

Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng giảm 10,3% so với đầu năm xuống còn 75.429,6 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tương đương đầu năm 7.700 tỷ đồng. Tiền gửi của các TCTD khác tăng mạnh 63,3% lên mức 31.680,1 tỷ đồng. Tiền vay các TCTD khác giảm nhẹ 6,3% xuống còn 2.605,7 tỷ đồng so với đầu năm.