ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ ba, 11h39 04/06/2024

Ứng dụng công nghệ trong dự báo sớm cảnh báo rủi ro thiên tai

(KDPT) - Ứng dụng công nghệ, mô hình dự báo thiên tai là chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Ứng dụng công nghệ cảnh báo thiên tai

Trước diễn biến bất thường, trái quy luật của thiên tai và biến đổi khí hậu, các cấp chính quyền, ngành chức năng, đơn vị liên quan đã tăng cường ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Theo GS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam, các công nghệ, mô hình dự báo thiên tai đã cho thấy rõ vai trò của tiến bộ khoa học, song cần nghĩ tới việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để có thể dự báo sớm hơn. 

Tại hội thảo "Khoa học và công nghệ - chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững" diễn ra mới đây, GS Thục dẫn nhiều thông tin khẳng định khoa học công nghệ thể hiện rõ vai trò trong quan trắc, phân tích và dự báo khí tượng thủy văn. Ông cho hay hệ thống quan trắc và truyền số liệu khí tượng thủy văn được cải tiến nhiều nhờ khoa học công nghệ. Hiện nhiều trạm quan trắc tự động dần thay quan trắc thủ công, radar thời tiết, định vị sét, vệ tinh; việc truyền tin qua internet, vệ tinh theo thời gian gần thực, dạng số dễ phân tích. "Việc phân tích tính toán được thực hiện với siêu máy tính, công nghệ tính toán", GS Thục nói.

Hằng năm, thiên tai, lũ lụt thường gây ra nhiều thiệt hại về người và của. (Ảnh minh họa).
Hằng năm, thiên tai, lũ lụt thường gây ra nhiều thiệt hại về người và của. (Ảnh minh họa).

GS Thục cho hay các công nghệ dự báo, mô hình toán đã được áp dụng song cần quan tâm đến áp dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số trong dự báo. Ông đánh giá việc sử dụng hạ tầng chuyển đổi số hiện nay mới chỉ có dữ liệu đo đạc khí tượng thủy văn, chưa có cơ sở dữ liệu lớn về các hình thái thời tiết, điều kiện hình thành và tiến triển thiên tai trong quá khứ. Ông đề xuất các nhà khoa học trẻ phát triển đề tài nghiên cứu, xây dựng chuỗi đề tài từ dữ liệu lớn đến các công nghệ để ứng dụng khoa học trong mục tiêu giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.

Nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khoa học trong việc ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cũng chỉ ra những lo ngại khi biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Theo ông, những thảm họa thiên tai với tần suất và mức độ tàn phá gia tăng đặt ra những thách thức lớn đối với nỗ lực phát triển bền vững của các quốc gia. Trong bối cảnh đó khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong dự báo, phòng ngừa và giảm nhẹ các rủi ro thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đưa ra những phát biểu về phòng chống thiên tai.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đưa ra những phát biểu về phòng chống thiên tai.

Ông cho biết, nhiều chương trình, dự án nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững được triển khai. Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các nhà khoa học thảo luận các hướng đi mới, giải pháp sáng tạo, nhằm tìm ra chìa khóa tin cậy để giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cũng kỳ vọng các nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, hướng mũi nhọn thực hiện áp dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo trong khí tượng thủy văn để ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời hình thành nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực.

GS.TS Trần Đình Hòa, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam dẫn nhiều thông tin cho thấy công nghệ mới như điện toán đám mây, IoT, dữ liệu lớn (Big Data) hay trí tuệ nhân tạo đang được nhiều nước thế giới ưu tiên sử dụng trong các nghiên cứu về biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai. "Để xây dựng các kịch bản, dự báo để ứng phó biến đổi khí hậu cần thiết ứng dụng giải pháp công nghệ tiên tiến", ông nói.

Ông cho hay, các giải pháp khoa học công nghệ đang được ứng dụng và mang hiệu quả tại Việt Nam. Hiện Việt Nam đã làm chủ công nghệ tính toán dự báo ngập lụt tiên tiến, xây dựng hệ thống dự báo lũ lụt theo thời gian thực. Theo GS Hòa các công nghệ mới được ứng dụng xây dựng bản đồ rủi ro ngập lũ theo các kịch bản và giải pháp giảm thiểu rủi ro các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị miền núi Bắc Bộ.

Còn TS Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho hay việc áp dụng công nghệ 4.0 toàn diện vào các khâu, lĩnh vực ngành khí tượng giúp tạo giá trị mới và sản phẩm đột phá trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. TS Cường nêu ứng dụng công nghệ số trong quan trắc như quan trắc bề mặt, viễn thám và các dữ liệu chuyên dùng, hay như công nghệ dự báo cảnh báo bão lũ.

Nâng cao cảnh giác, đầu tư các trang thiết bị hiện đại

Với sự hỗ trợ đắc lực của KHCN, đặc biệt là công nghệ số, công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai ngày càng hiệu quả hơn.

Theo đó, cần đầu tư trang bị, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống quan trắc môi trường, khí tượng thủy văn như máy đo gió, máy đo khí áp, máy đo độ ẩm, thiết bị đo dòng chảy ADCP, trạm đo mưa tự động… nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu khí tượng thủy văn kịp thời, chính xác cho các sở, ngành liên quan và địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, giúp người dân hạn chế thấp nhất các rủi ro, thiệt hại. 

Việc ứng dụng khoa học, công nghệ là một trong những hướng đi đang được các địa phương quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại rủi ro do thiên tai. (Ảnh minh họa).
Việc ứng dụng khoa học, công nghệ là một trong những hướng đi đang được các địa phương quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại rủi ro do thiên tai. (Ảnh minh họa).

Đài Khí tượng thủy văn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể hóa bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão; từng bước cải tiến nội dung, hình thức các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, nhất là các bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ và các hiện tượng nguy hiểm như: dông, lốc, mưa lớn,...

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan truyền phát các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai đến mọi người dân, nhất là ngư dân trên biển và vùng có nguy cơ cao để chủ động phòng, tránh theo phương châm “đầy đủ, kịp thời và đủ độ tin cậy” về các loại bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Các tỉnh, thành phố bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ công tác dự tính, dự báo khí tượng thủy văn, tập trung đầu tư chiều sâu cơ sở vật chất, thiết bị, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ quản lý, điều hành hệ thống công trình đê điều, thủy lợi.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường ứng dụng KHCN cũng như đẩy mạnh hiện đại hóa, tự động hóa các thiết bị kỹ thuật quan trắc tài nguyên và môi trường để nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/07/2024