ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ tư, 11h14 08/05/2024

Ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm giúp đẩy lùi hàng giả, hàng nhái

(KDPT) - Truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một hoạt động quan trọng đối với tất cả các bên tham gia vào chuỗi cung ứng. Truy xuất nguồn gốc giúp bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, đồng thời là xu thế tất yếu giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi khi mua sắm.

Nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan

Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thời gian qua được các cơ quan chức năng liên tục đẩy mạnh. Bên cạnh việc đẩy mạnh chống hàng giả, hàng nhái… thì việc ứng dụng công nghệ trong việc truy xuất nguồn gốc cũng là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, nâng cao công tác chăm sóc khách hàng chống lại các hành vi gian lận.

Hiện nay nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc được bán tràn lan, do đó để bảo đảm sức khỏe cho gia đình, mình thường mua các sản phẩm có tem mác, truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Đó là cách bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của gia đình mình.

Đại diện Cục nghiệp vụ Quản lý Thị trường (Tổng cục Quản lý Thị trường) thông tin thời gian qua, tình hình hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ gia tăng, với phương thức ngày càng tinh vi, phức tạp. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng đã thay đổi cách thức hoạt động bằng sử dụng nền tảng thương mại điện tử để bán trên không gian mạng.

Năm 2023 và quý 1/2024, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 74.719 vụ và phát hiện 55.142 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 539 tỷ đồng. Riêng quý 1/2024, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý 31 vụ vi phạm về hàng giả; 1.702 vụ vi phạm về không rõ nguồn gốc xuất xứ; 1.058 vụ vi phạm về sở hữu công nghiệp, xử phạt trên 38 tỷ đồng.

Chức năng quét mã QRcode truy xuất nguồn gốc hàng hóa. (Ảnh minh họa)
Chức năng quét mã QRcode truy xuất nguồn gốc hàng hóa. (Ảnh minh họa)

Có thể thấy, dù là các thực phẩm như rau, củ, quả …để biết được thông tin về sản phẩm thì cần thiết phải kiểm soát được các bước trong quy trình sản xuất như giống, quy trình trồng và chăm sóc, thu hái, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Đó chính là thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, không chỉ đối với mặt hàng nông sản, tất cả các loại sản phẩm hàng hóa khi lưu thông trên thị trường cần thiết phải có gắn tem, mã truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ như nông sản, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm…

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tạo sự tin tưởng nơi khách hàng, mà còn là "hàng rào" bảo vệ sản phẩm và doanh nghiệp. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, đây là công cụ hữu ích phục vụ quản lý, kiểm soát thị trường, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Theo các chuyên gia, việc minh bạch nguồn gốc hàng hoá góp phần củng cố thương hiệu và gia tăng giá trị của sản phẩm, tạo dựng niềm tin với khách hàng, cũng như tăng tính cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế, đẩy mạnh liên kết giữa các vùng sản xuất trên cả nước với các nước trên thế giới, hình thành mạng lưới toàn cầu cho các sản phẩm của Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ hỗ trợ truy xuất nguồn gốc

Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương), trong thời đại số hóa hiện nay, việc mua sắm không chỉ đơn giản là lựa chọn sản phẩm mình cần, mà còn là sự tìm hiểu và xác thực để đảm bảo mua đúng sản phẩm chính hãng.

Với công nghệ ngày càng phát triển, quét mã QRCode trên sản phẩm là một trong những công cụ quan trọng giúp người mua hàng có đầy đủ thông tin về sản phẩm cũng như các quyền lợi mua sắm của mình. Vì hàng giả, hàng nhái là những rủi ro khách hàng thường gặp nhất khi mua sắm, đặc biệt là mua sắm trực tuyến.

Bằng cách kiểm tra mã QRCode, khách hàng có thể xác thực nguồn gốc và tính xác thực của sản phẩm, tránh được những sản phẩm kém chất lượng. Đồng thời, mã QRcode còn giúp cơ quan nhà nước dễ dàng hơn trong công tác chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang tràn lan trên thị trường.

Ông Đỗ Đình Tấn, Phụ trách Phòng Nghiệp vụ và Vận hành, Trung tâm tin học và Công nghệ Số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số) cho hay căn cứ Quyết định 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể Phát triển Thương mại Điện tử Quốc gia giai đoạn 2021-2025, Trung tâm Tin học và Công nghệ Số đã xây dựng và đi vào vận hành hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua QRCode trong Thương mại Điện tử, tại địa chỉ: truyxuat.gov.vn.

Với ứng dụng này sẽ giúp người tiêu dùng có đủ thông tin về nguồn gốc sản phẩm, doanh nghiệp minh bạch thông tin sản phẩm và ngăn chặn được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, tạo cơ hội lớn cho việc ứng dụng các công nghệ Số. Từ đó tạo ra sự tin cậy ở phía người dùng khi biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà mình mua.

"Việc xây dựng hệ thống phần mềm xác thực hàng chính hãng trên nền thiết bị di động với hệ thống phần mềm QRCode tĩnh và QRCode động góp phần giảm nỗi lo hàng giả, hàng nhái của doanh nghiệp với sự hỗ trợ từ công nghệ. Phần mềm này sẽ bảo vệ sản phẩm và cảnh báo hàng giả tức thời cho doanh nghiệp và khách hàng bằng cách giới hạn lượt quét của tem chính hãng phân quyền quản lý rõ ràng giữa nhà máy sản xuất, nhà phân phối," ông Đỗ Đình Tấn cho hay.

Ngoài ra, qua hệ thống truy xuất này, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể dễ dàng kết nối với nhau về các thông tin về quy trình bảo hành, các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp… Vừa có chức năng xác thực hàng chính hãng, vừa có chức năng chống giả, công nghệ QRCode động trên hệ thống “truyxuat.gov.vn” được quản lý chặt chẽ, đảm bảo các tiêu chí về bảo mật, giới hạn số lần truy xuất, chống đoán trước.

Doanh nghiệp hiện nay muốn chinh phục thị trường phải tạo niềm tin, đảm bảo sự tin cậy, an toàn đến cho khách hàng. Với việc đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ như QRCode hàng hóa sẽ xây dựng được một tấm "lá chắn" bảo vệ trước nạn hàng giả, hàng nhái đang hoành hành hiện nay. Bên cạnh đó, đối với các cơ quan quản lý, công nghệ cũng là những cánh tay phải hỗ trợ đắc lực cho việc quản lý tốt thị trường, qua đó giúp cho nền kinh tế đất nước phát triển lành mạnh, bền vững./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/12/2024