ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ năm, 06h00 14/12/2023

Ứng dụng công nghệ trong phòng, chống hàng giả trên môi trường số

(KDPT) - Những năm qua, thương mại điện tử đã phát triển bùng nổ, như một xu thế tất yếu mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, môi trường này cũng phát sinh vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Để chống hàng giả trên không gian mạng, lực lượng Quản lý Thị trường sẽ xây dựng Cơ sở Dữ liệu quản lý địa bàn tập trung, đưa các giải pháp công nghệ áp dụng vào quá trình giám sát, phòng ngừa.

Vấn nạn hàng giả gây nhức nhối cho người tiêu dùng

Việt Nam có gần ½ dân số mua sắm online, tương đương 49,3 triệu người, cao nhất Đông Nam Á. Doanh số bán lẻ trên internet tại Việt Nam từ mức 13 tỷ USD năm 2020 đã tăng vọt lên thành 35 tỷ USD năm 2022. Đây là con số khả quan cho bức tranh kinh tế số của đất nước đang ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, chính sự tiện lợi của phương thức này, nhiều gian thương đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa vi phạm pháp luật. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trên không gian mạng đang có nhiều diễn biến phức tạp. Trong khi đó, việc chủ động phát hiện vi phạm trên mạng gặp nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.

Tại hội thảo “Nâng cao năng lực phòng chống xử lý các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử” ngày 12/12, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, việc trà trộn các mặt hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường số cũng gia tăng; công tác phòng, chống hàng giả trên thương mại điện tử của các lực lượng chức năng hiện gặp không ít khó khăn, thách thức. “Hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng kiểm tra đã khó, hàng giả bán trên thương mại điện tử thì cái khó nhân lên gấp bội”, ông Linh nhấn mạnh.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh. (Ảnh: ĐHKTQD)

Đáng chú ý, đặc trưng riêng của thương mại điện tử có bên thứ ba, là các công ty chuyển phát, khác hẳn với thương mại truyền thống là “tiền trao cháo múc” nên theo quy định, xe chuyển phát đã kẹp chì không được mở niêm phong, do vậy, dù có xác định được phương tiện chở hàng cấm, hàng lậu, hàng giả cũng khó xử lý ngay.

Đối với người tiêu dùng mua sắm online hiện phải đối mặt tình trạng chất lượng hàng hóa kém hơn so với quảng cáo; lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ; dịch vụ chăm sóc khách hàng kém...

Vì vậy, việc đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ qua thương mại điện tử sẽ là một trong những nội dung trọng tâm, được cơ quan chức năng xác định trong thời gian tới.

Tăng cường áp dụng công nghệ để ngăn chặn

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có những chế tài phù hợp thì thị trường thương mại số sẽ trở thành nơi tàng trữ, phân phối, buôn bán hàng giả, từ đó, làm giảm niềm tin của người tiêu dùng cũng như cản trở sự phát triển của nền kinh tế.

Xác định chống hàng giả trên thương mại điện tử là vấn đề vô cùng quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, ông Trần Hữu Linh cho hay nhiệm vụ này sẽ được toàn lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh trong thời gian tới.

Để ngăn chặn tình trạng này, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, cần áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến trong định danh người bán, người mua, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong thương mại điện tử để phòng, chống hàng giả.

Cụ thể, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực để hoàn thiện hạ tầng, khung pháp lý và chính sách phát triển thương mại điện tử và kinh tế số.

Trong năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử giữa người dân và doanh nghiệp. Hệ sinh thái số sẽ tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống hàng giả trên môi trường mạng.

TS. Đinh Lê Hải Hà, Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần thiết phải luật hóa việc sử dụng thông tin chủ hàng và khách hàng tại các sàn thương mại điện tử và các nhà cung cấp ứng dụng. Ngoài ra, cũng cần bổ sung các chế tài nhằm tăng cường quản lý hóa đơn giao hàng; xác định trách nhiệm liên đới trong chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tăng cường các giải pháp kỹ thuật để đưa ra các mức độ cảnh báo, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại trên môi trường mạng.

Tăng cường chống hàng giả, hàng nhái trên thị trường thương mại. (Ảnh minh họa)

Một số các giải pháp của các công ty công nghệ như giải pháp V-Mark; tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa; giải pháp TrueSell trong định danh người bán và truy xuất nguồn gốc hàng hóa; Check.VN; ứng dụng truy xuất nguồn gốc và mã số mã vạch vào hoạt động sản xuất; công nghệ iSeal, giải pháp xác thực xuất xứ, giải pháp chống hàng giả dựa trên công nghệ RFID, ứng dụng Blockchain trong truy xuất hàng hóa... cũng đã được chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao năng lực phòng chống xử lý các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử".

Theo các chuyên gia, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không hiện đại hóa công nghệ chống hàng giả thì rất khó kiểm soát và ngăn chặn các thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kênh phân phối hàng giả.

Vì vậy, cần tăng cường quản lý hóa đơn giao hàng; xác định trách nhiệm liên đới trong chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tăng cường các giải pháp kỹ thuật để đưa ra các mức độ cảnh báo, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại trên môi trường mạng./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/07/2024