Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam 2022 diễn ra vừa qua tại Hà Nội
Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam 2022 diễn ra vừa qua tại Hà Nội

Thực hiện chuyển đổi số là yếu tố quan trọng trong phát triển đô thị

Tại Việt Nam phát triển đô thị thông minh bền vững nhằm khai thác và phát huy tiềm năng và lợi thế về tài nguyên và con người, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra sự phát triển bền vững và tăng cường hội nhập quốc tế. Cùng với quá trình phát triển hiện nay, các thành phố lớn cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, như gia tăng dân số nhanh làm quá tải hạ tầng đô thị, kéo theo các hệ lụy về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, chất lượng phục vụ người dân chưa tốt, kinh tế phát triển chưa bền vững. Trong gần 5 năm trở lại đây, xu hướng xây dựng đô thị thông minh đang tăng tốc rất nhanh trên toàn thế giới, đó là nhờ bởi sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các công nghệ ngày nay làm thay đổi mạnh mẽ tất cả các lĩnh vực đời sống và có khả năng hỗ trợ ngày càng đắc lực hơn cho công tác dự báo, điều hành đô thị thông minh.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết: “Về bản chất, phát triển đô thị thông minh cũng chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô đô thị và lấy người dân làm trung tâm. Đây là một quá trình liên tục, lâu dài và là vấn đề lớn cần tổ chức nguồn lực để triển khai. Đặc biệt là cần làm và có tư duy phát triển đô thị thông minh ngay từ khi lập quy hoạch”.

Tháng 8 – 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, trên cả nước có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh. Trong đó, 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị thông minh, 15 tỉnh , thành phố đã phê duyệt kiến trúc công nghệ thông tin và truyền thông phát triển đô thị thông minh. Hơn 10 tỉnh, thành phố triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị. Ngoài ra, còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực giáo dục thông minh, y tế,…

Theo các chuyên gia, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý điều hành đô thị mở ra những khả năng nâng cao tính “thông minh” của công tác quản lý. Ứng dụng Blockchain (công nghệ chuỗi khối) được xem là một trong những giải pháp quan trọng. Công nghệ này có phạm vi ứng dụng rất rộng, bao trùm lên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, có thể giải quyết được những bất cập trong triển khai xây dựng đô thị thông minh. Đối với ứng dụng Blockchain sẽ trang bị hạ tầng IoT (in tơ nét vạn vật) tác động rất mạnh cho một đô thị thông minh, mang lại khả năng tự động hóa một số dịch vụ công. Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của các khu đô thị và đô thị hóa, công nghệ Blockchain được chỉ ra như là một trong những cách để liên kết các loại công nghệ khác nhau và mở đường cho các loại hình thông minh khác như quản trị, an ninh, năng lượng, xây dựng và chăm sóc sức khỏe.

Vượt qua khó khăn để tiến tới phát triển đô thị thông minh

Để xây dựng được đô thị thông minh cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn thứ nhất được các đại biểu đề cập là vấn đề hạ tầng. Ví dụ như thành phố Hà Nội, với lối kiến trúc cổ thời Pháp thuộc đã không còn phù hợp với mạng lưới đô thị hiện đại ngày nay, và muốn xây dựng thành một đô thị mới là không hề dễ dàng một sớm một chiều với dân số ngày càng đông đúc nhưng hạ tầng thì ngày một xuống cấp. Qua đó, việc đầu tiên là buộc phải xây dựng tốt cơ sở hạ tầng rồi mới tính tới phát triển đô thị thông minh.

Các công nghệ chuyển đổi số cần được ứng dụng hợp lý về tài nguyên cũng như con người. Cần xây dựng một đội ngũ nhân lực tốt, có chuyên môn cao về công nghệ. Để thay đổi tư duy từ truyền thống sang hiện đại, cụ thể là việc sử dụng những công cụ trong đô thị thông minh không hề dễ dàng. Nhưng để đổi mới, bắt buộc công chức, viên chức phải đổi mới trước tiên. Nhân lực thay đổi thì vật lực mới thay đổi, đó là điều cần phải thúc đẩy trong công cuộc phát triển đô thị.

Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ với các lĩnh vực phát triển của đô thị. Chính quyền địa phương cần có những giải pháp để đầu tư về cơ sở vật chất và con người theo hướng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Cùng với đó, thu hút các nguồn lực đầu tư cho ĐTTM; từng bước xây dựng nguồn nhân lực có năng lực, chuyên môn, trình độ cao để đáp ứng các yêu cầu quản lý, phát triển.