ISSN-2815-5823

"Ván cờ" của Fecon

(KDPT) - Trái ngược với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đặt ra cho năm 2023, “màn trình diễn” lợi nhuận 9 tháng của Công ty Cổ phần Fecon (HoSE: FCN) lại khiến cổ đông thất vọng.
Dấu hỏi về mục tiêu lợi nhuận của Coteccons?

Kỳ vọng “quân bài tẩy”

Fecon vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với tình hình kinh doanh không mấy lạc quan. Cụ thể, quý này, doanh thu thuần giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, còn 548 tỷ đồng; lợi nhuận gộp giảm 22%, còn 80 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ 15,3% xuống 14,5%.

Fecon
9 tháng năm 2023, Fecon chỉ lãi sau thuế vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ.(Ảnh: FCN)

Trong quý, Fecon có thêm 12 tỷ đồng doanh thu tài chính (giảm 26%) và 1,7 tỷ đồng lợi nhuận khác. Đồng thời, công ty cũng đã nỗ lực tiết giảm các loại chi phí như: Chi phí tài chính 45 tỷ đồng, giảm 20%; chi phí bán hàng 3,5 tỷ đồng, giảm 49%; chi phí quản lý 45 tỷ đồng, giảm 12%.

Dù vậy, công ty vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 655 triệu đồng trong khi cùng kỳ có lợi nhuận thuần 5 tỷ đồng.

Kết quả, Fecon phải nhờ đến khoản lợi nhuận khác 1,7 tỷ đồng để có được 1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 79% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ thuế, công ty chỉ còn lợi nhuận 213 triệu đồng, giảm 71% so vói cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần của Fecon đạt 1.830 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn được cải thiện mạnh, lợi nhuận gộp tăng 11%, đạt 328 tỷ đồng.

Khấu trừ các loại chi phí, Fecon có lợi nhuận trước thuế 7 tỷ đồng, giảm 48%; lợi nhuận sau thuế 1,5 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, Ban lãnh đạo Fecon đã trình Đại hội kế hoạch kinh doanh với doanh thu là 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 25% và 140%. So với kế hoạch đầy tham vọng này thì màn trình diễn lợi nhuận 9 tháng của Fecon chỉ có thể gói gọn trong hai từ “thất vọng”.

Dĩ nhiên, Fecon vẫn còn dự trữ “quân bài tẩy” cho kế hoạch lợi nhuận năm nay là việc thoái vốn tại dự án Quốc Vinh Sóc Trăng. Tại Đại hội diễn ra hồi tháng 4, chủ tịch Fecon Phạm Việt Khoa đã hé lộ rằng, công ty đã tìm được người mua cho dự án này. “Nếu thuận lợi thì quý III, còn chậm nhất là quý IV/2023, Fecon sẽ đóng được thỏa thuận với người mua”, ông Khoa thông tin.

Thêm nữa, Chủ tịch Phạm Việt Khoa còn nhấn mạnh rằng, hầu như lợi nhuận có được hay không phụ thuộc vào việc tiết kiệm chi phí tài chính, mà dự kiến năm nay chi phí này tương đương hoặc có thể hơn năm ngoái (năm 2022, chi phí tài chính của Fecon khoảng 222 tỷ đồng). Bằng chứng là 9 tháng năm 2023, lợi nhuận của Fecon giảm mạnh có một phần quan trọng là do chi phí tài chính neo ở mức cao, đạt 186 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh “teo tóp” còn 12 tỷ đồng.

Giữa áp lực vô cùng lớn như thế, khả năng Quốc Vinh Sóc Trăng tiếp tục sẽ là cứu cánh cho kế hoạch lợi nhuận năm nay của Fecon.

dự án
Việc thoái vốn dự án Quốc Vinh Sóc Trăng khả năng sẽ cứu cánh cho lợi nhuận của Fecon. (Ảnh: FCN)

“Bệnh kinh niên” âm dòng tiền

Kết quả kinh doanh ảm đạm càng làm cho những nỗ lực cải thiện vấn đề tài chính của Fecon trở nên khó đẩy nhanh và mạnh.

Có thể thấy, về tài sản, dù quản lý dự án khá tốt (khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi không đáng kể, chỉ 3,8 tỷ đồng), song các khoản phải thu và hàng tồn kho vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng tài sản của công ty. Tại ngày kết thúc quý III/2023, giá trị các khoản phải thu và hàng tồn kho lần lượt đạt 3.116,5 tỷ đồng và 1.761 tỷ đồng, lần lượt chiếm 41% và 23% tổng tài sản. Như vậy, tổng giá trị hàng tồn kho và các khoản phải thu chiếm 64% tổng tài sản.

Dù tỷ trọng đã giảm so với giai đoạn trước đó (chẳng hạn giai đoạn 2020 - 2022, tỷ trọng các khoản phải thu và hàng tồn kho lần lượt chiếm 72%, 74% và 66% tổng tài sản), song việc các khoản phải thu và hàng tồn kho có giá trị lớn đã ảnh hưởng không nhỏ tới dòng tiền kinh doanh của Fecon - “bệnh kinh niên” của nhà thầu xây dựng này.

Suốt giai đoạn 2014 - 2022 (ngoại trừ năm 2020, dòng tiền kinh doanh dương 88 tỷ đồng) thì dòng tiền kinh doanh của Fecon luôn là số âm, lần lượt là: - 60 tỷ đồng, - 200 tỷ đồng, - 121 tỷ đồng, - 58 tỷ đồng, - 157 tỷ đồng, - 29 tỷ đồng, - 110 tỷ đồng và - 203 tỷ đồng. 9 tháng năm 2023, dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm 61,5 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh đại diện cho khả năng tạo tiền của hoạt động kinh doanh. Dòng tiền kinh doanh âm đồng nghĩa doanh nghiệp không thể thu về tiền mặt từ hoạt động kinh doanh. Tiền đó đã bị “chôn” trong các khoản phải thu và hàng tồn kho (như trên đã dẫn chứng).

Để bù đắp dòng tiền, Fecon chọn đi vay. Tại ngày 30/9/2023, tổng dư nợ vay đạt 2.875 tỷ đồng, tăng thêm 167 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 38% tổng nguồn vốn. Dòng tiền vay/trả cũng đạt 2.057 tỷ đồng/1.968 tỷ đồng, dù giảm 10% và 6% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn tương đối cao./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/11/2024