ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ năm, 11h50 14/09/2023

Việt Nam có tiềm năng phát triển trong lĩnh vực bán dẫn

(KDPT) - Ngành công nghiệp bán dẫn là trụ cột không thể thiếu của công nghệ hiện đại. Theo đó, Việt Nam hứa hẹn sẽ có tiềm năng to lớn tạo nên những đột phá mới trong lĩnh vực bán dẫn sau những thoả thuận giữa các tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam và Mỹ.
Động lực thúc đẩy đầu tư, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ Việt Nam

Cú hích lớn cho ngành công nghệ Việt Nam

Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo đó, Việt Nam và Mỹ quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Mỹ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, hai nhà lãnh đạo ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về đầu tư và đổi mới sáng tạo.

Việt Nam và Mỹ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai. Chính phủ hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác tập trung vào phát triển lực lượng lao động, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, phát triển hệ sinh thái liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn.

Nhắc đến lĩnh vực chất bán dẫn không thể không nhắc tới Intel (NASDAQ:INTC) - một trong 3 nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới, từ hơn 10 năm trước đã bắt đầu phát triển nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam, với quy mô 1 tỷ USD. Năm 2021, Intel đã tăng vốn đầu tư dự án này lên gần 1,5 tỷ USD và đang có kế hoạch rót thêm hàng tỷ USD để mở rộng nhà máy tại Việt Nam.

Ông Jimmy Goodrich, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ (SIA) cho biết Việt Nam lợi thế khi có sự hiện diện Intel, Samsung – những tập đoàn hàng đầu về công nghệ đã xây dựng nhà máy và tiến tới mở rộng sản xuất chip ở Việt Nam. Theo đó, đất nước hình chữ S đã được chứng minh là một môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh cho các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực linh kiện bán dẫn.

Cùng với đó, để xây dựng một nhà máy sản xuất chip bán dẫn có thể mất tới cả 10 năm, vì vậy điều các nhà đầu tư cần là thể chế chính trị ổn định. Đây là những yếu tố mà Việt Nam có, thoả mãn điều kiện quan trọng mà các nhà đầu tư mong muốn.

Cần thêm nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Để hiện thực hóa khát vọng và tiềm năng trong lĩnh vực bán dẫn thì trình độ nhân lực cao cũng là yếu tố quan trọng cũng như tiếp nhận được chuyển giao công nghệ. Hiện nay, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đang nắm trong tay công nghệ sản xuất chip tối tân thế giới, để làm được việc này họ mất hàng chục năm nhằm đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực công nghệ cao.

Ngành công nghiệp bán dẫn cần thu hút đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực.

Vì vậy, cách hiệu quả đó là tìm phương án thu hút kỹ sư chip có trình độ cao trên thế giới về Việt Nam làm trong vài năm, các kỹ sư này sẽ giúp chuyển giao công nghệ, đào tạo tay nghề cho kỹ sư Việt Nam. Để làm được điều này, Chính phủ cần chính sách đặc biệt thu hút nhân tài quốc tế đặc biệt trong ngành bán dẫn.

Dữ liệu được công bố trên Cổng thông tin KH&CN quốc gia cho thấy, hiện nay Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà từng nói sẽ không có một ngành công nghiệp điện tử mạnh nếu không xây dựng được một ngành công nghiệp về vi mạch, bán dẫn. Công cuộc phát triển còn nhiều gian nan, sẽ gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt.

Để phát triển công nghiệp vi mạch, bán dẫn, điều quan trọng nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chọn các giải pháp khoa học nhất, hiệu quả nhất. Tức là phải thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản, phải hiểu về công nghệ lõi. Để làm được điều này, Chính phủ sẽ có thay đổi, bổ sung luật về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo…Chính phủ cam kết đầu tư các nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ, đầu tư cho tương lai.

Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Việt Nam cũng cam kết hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam và cùng hợp tác tích cực để nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 11/09/2024