Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn của toàn cầu
Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tham dự buổi Hội thảo quốc tế "Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu" tại Hà Nội được tổ chức bởi Tập đoàn Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa phối hợp Tập đoàn Synopsys và Đại học Bang Arizona của Mỹ.
Các đại biểu dự hội thảo đã thảo luận những nội dung quan trọng xung quanh vấn đề về nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam như mức khả thi của việc đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch Việt Nam tính đến năm 2030…
PGS.TS Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa nhận định việc gây dựng mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ giữa các cơ quan nhà nước - các viện, trường đại học và các doanh nghiệp trong ngành là một nhu cầu cần thiết để đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn đảm bảo cho khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội cả về chất và lượng.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, người Việt Nam có gen về công nghệ, toán học, khoa học và kỹ thuật, nên rất phù hợp với ngành công nghiệp bán dẫn. Hơn nữa, lợi thế này cũng không hề thua kém so với lợi thế về địa chính trị và là lợi thế độc đáo không thể sao chép.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo rằng ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là một ngành công nghiệp nền tảng, hình thành sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế thế giới. Thị trường chip bán dẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng ổn định và nhanh trong suốt 20 năm qua được dự báo sẽ trở thành ngành công nghiệp với quy mô lên tới hàng ngàn tỷ USD vào năm 2030.
Trước xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất khu vực, Việt Nam có lợi thế về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, địa kinh tế với những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, nhân lực trẻ, khả năng tiếp cận công nghệ và nguồn nguyên vật liệu tốt… Ngoài ra, hiện nay Việt Nam còn có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với đa số các quốc gia phát triển về ngành công nghiệp bán dẫn. Do đó, Việt Nam đang đối mặt với thời cơ lớn để có thể trở thành một địa chỉ chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp này.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ hiện đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc sớm xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, có chuyên môn về vi mạch bán dẫn được xem là bài toán mấu chốt, là thách thức và cơ hội lớn để Việt Nam có thể phát huy tiềm năng tốt, gia nhập vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn này.
Theo khẳng định của Phó Thủ tướng, cần xây dựng tháp nhân lực để có thể đáp ứng nhu cầu của hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, và phát huy được sở trường, khả năng, đặc biệt là về khoa học, toán học vốn là thế mạnh của Việt Nam. Do đó, cần tạo lập cơ chế để đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực.
Trước hết, cần ưu tiên đào tạo, thu hút đội ngũ giáo viên, giảng viên chất lượng cao, có chuyên sâu về ngành nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Sau đó, mới có thể đào tạo được hàng chục ngàn lao động chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn.