Nâng chất dòng vốn FDI từ việc đẩy mạnh phát triển ngành bán dẫn
Thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao
Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn, tập trung ở các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, xanh, sạch… là chủ trương quan trọng của Việt Nam. Giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt là công nghệ chíp, bán dẫn.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng, việc nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới tìm đến Việt Nam để tìm hiểu đầu tư, đặc biệt các ngành chíp, bán dẫn có ý nghĩa quan trọng trong thay đổi cơ cấu thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
“Việt Nam đặt mục tiêu thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng cao hơn để nâng cao giá trị sản phẩm, cũng như đưa Việt Nam vào sâu hơn trong chuỗi giá trị. Việc hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn là thời cơ để Việt Nam có thể ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất lao động, thay đổi cấu trúc nền sản xuất ở nước ta”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, nhiều quốc gia thế giới đều mong muốn tham gia và có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển lĩnh vực này. Ngay cả các quốc gia phát triển cũng sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ USD (khoảng 30-50% tổng đầu tư) để hỗ trợ các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư các dự án bán dẫn tại nước họ.
Ví dụ, Singapore đã công bố “Bản đồ chuyển đổi ngành điện tử” để đầu tư hơn 19 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn trong 5 năm; Ấn Độ đã công bố sáng kiến “Nhiệm vụ Công nghiệp bán dẫn Ấn Độ” với 9,1 tỷ USD, hỗ trợ lên đến 50% chi phí. Đạo luật CHIPS của Mỹ cung cấp 52 tỷ USD hỗ trợ ngành bán dẫn. Trung Quốc thậm chí còn đầu tư 120-150 tỷ USD vào lĩnh vực này...
Vị chuyên gia cho rằng, trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, các tập đoàn bán dẫn đang chuyển hướng đến Châu Á để đặt nhà máy và Việt Nam có một số lợi thế để đáp ứng.
Cụ thể là quyết tâm chính trị cao từ trung ương đến địa phương, môi trường chính trị ổn định, lực lượng lao động với chi phí hợp lý… Ngoài ra, Việt nam cũng nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với rất nhiều nước có ngành bán dẫn phát triển và nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn đã và đang hoạt động tại Việt Nam.
Dù nhấn mạnh các nhà đầu tư quốc tế đã đánh giá rất cao vị trí của Việt Nam trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng, vấn đề nhân lực, chính sách, cơ sở hạ tầng… là những điều còn hạn chế tại Việt Nam, trong khi đây là những yếu tố các tập đoàn nước ngoài chú trọng.
“Nhân lực của Việt Nam không thể chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp đơn thuần, mà cần tiến lên vị trí cao hơn trong tổng giá trị của các sản phẩm công nghệ. Chúng ta cần đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp cũng như cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn với thủ tục thông thoáng hơn, đảm bảo nguồn điện ổn định hơn để đáp ứng cho các doanh nghiệp…”, ông Thịnh nói.
“Ông lớn” công nghệ quan tâm gì trước khi quyết định đầu tư?
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Thắng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), ngành bán dẫn là nền tảng của tất cả các loại hình kinh tế số (trực tiếp hoặc gián tiếp). Thị trường này có quy mô thị trường khoảng 600 tỷ USD (2023), dự kiến tăng lên 1.000 tỷ USD (2030).
Theo đó, Việt Nam cần chuẩn bị điều kiện (vốn, nhân lực, cơ chế khuyến khích) phù hợp với sự thay đổi của dòng đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng Cương, Trưởng ban công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel đánh giá, Việt Nam có lợi thế lớn về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, chương trình về đào tạo bán dẫn chưa chuẩn hóa. Thời gian tới việc đào tạo ngành này cần được chú trọng.
Ngoài ra, cần huy động sự tham gia từ các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài, kết nối các viện/trường/doanh nghiệp để hình thành hệ sinh thái trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.
Để công nghệ bán dẫn trở thành công nghệ lõi của kinh tế số, ông Cương cho rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, hình thành các trung tâm công nghệ cao và hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu phát triển; có chính sách ưu đãi thuế, các gói tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn.
Trước những ý kiến băn khoăn về việc các tập đoàn công nghệ đến Việt Nam tìm hiểu đầu tư nhưng sau đó lại đầu tư nơi khác, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung nhấn mạnh: Các tập đoàn công nghệ toàn cầu không chỉ đầu tư ở Việt Nam mà còn đầu tư ở nhiều quốc gia khác. Do đó, việc các doanh nghiệp này đầu tư ở Việt Nam hay nơi khác là điều bình thường.
Tuy vậy, theo ông Trung, ngoài chiến lược của từng tập đoàn, xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu thì các tập đoàn chú trọng một số yếu tố khi quyết định đầu tư. Ví dụ như tình hình địa chính trị - kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, mức độ phù hợp của địa bàn đầu tư đối với doanh nghiệp. Đặc biệt là sự sẵn sàng của Việt Nam trong thu hút đầu tư, nhất là cơ sở hạ tầng, nhân lực, thể chế…
Ông Trung cho biết, Việt Nam đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty công nghệ đầu tư. Có thể nói, bán dẫn là ngành được áp dụng các ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, theo ông Trung, Việt Nam cũng bảo đảm cơ sở hạ tầng bao gồm giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không, hạ tầng liên quan đến phục vụ sản xuất trong các ngành này như điện… tất cả đều được đầu tư đồng bộ. Gần đây nhất, Quy hoạch điện 8 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới phát triển năng lượng bền vững.
Về nguồn nhân lực, ông Trung cho hay Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó, có các cơ quan có năng lực đào tạo, nghiên cứu, các trường đại học uy tín… đang xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, bảo đảm cung cấp 50.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn đến năm 2030./.
- Trường đại học mở rộng đào tạo, chuẩn bị đầu ra cho nguồn nhân lực bán dẫn
- Việt Nam tăng tốc bồi dưỡng nhân tài cho lĩnh vực công nghiệp bán dẫn
- Đào tạo nhân lực bán dẫn là "đột phá của đột phá"