ISSN-2815-5823
Hồng Giang
Thứ năm, 09h20 07/11/2024

Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO: “Văn hóa là con đường ngắn nhất từ trái tim đến trái tim”

(KDPT) - Chương trình “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” là một sự kiện quan trọng trong việc triển khai Chiến lược Ngoại giao Văn hoá của Việt Nam nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử…

Chương trình “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2024” có 2 nội dung chính: Không gian văn hóa và chương trình biểu diễn nghệ thuật. Không gian văn hóa sẽ giới thiệu đến công chúng những trải nghiệm văn hóa tiêu biểu của Việt Nam, với 10 hoạt động giao lưu văn hóa.

Riêng tại Bra-xin sẽ có không gian thưởng thức cà phê, tìm hiểu, giao lưu văn hóa cà phê của hai nước, tái hiện không gian phố cổ Hà Nội tại Thủ đô Rio de Janeiro.

Chương trình nghệ thuật “Tinh hoa văn hóa ngàn năm” sẽ mang đến người dân và du khách tiết mục ca múa, nhạc, kịch, giới thiệu nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

Phát biểu tại Họp báo “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2024” ngày 6/11, bà Lê Thị Hồng Vân, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao chia sẻ lý do lựa chọn chủ đề “Hội tụ tinh hoa ngàn năm - Vươn mình trong kỷ nguyên mới” cho năm nay.

Bà Lê Thị Hồng Vân, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO chia sẻ lý do lựa chọn chủ đề “Hội tụ tinh hoa ngàn năm - Vươn mình trong kỷ nguyên mới” cho năm nay.
Bà Lê Thị Hồng Vân, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO chia sẻ lý do lựa chọn chủ đề “Hội tụ tinh hoa ngàn năm - Vươn mình trong kỷ nguyên mới” cho năm nay.

Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO cho biết, “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2024” mang tinh hoa tiêu biểu của Việt Nam với sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, lịch sử và tương lai đến với bạn bè quốc tế thông qua các bức tranh triển lãm, những di sản, nghệ thuật dân gian lâu đời: Múa rối nước, tranh sơn mài, tranh Đông Hồ, bức tường 54 dân tộc, tinh hoa ẩm thực đặc sắc, múa rồng, trống hội… 

Việc lựa chọn chủ đề “Hội tụ tinh hoa ngàn năm - Vươn mình trong kỷ nguyên mới” với mục đích tôn vinh và khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài hàng nghìn năm. Chủ đề này không chỉ nhấn mạnh những thành tựu văn hóa, nghệ thuật, và truyền thống quý báu mà còn thể hiện khát vọng phát triển và hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện đại. 

Thông qua chủ đề này, bà Lê Thị Hồng Vân nhấn mạnh, muốn khẳng định bản sắc văn hóa, gợi nhớ về di sản văn hóa phong phú, từ ngôn ngữ, phong tục tập quán đến nghệ thuật truyền thống. 

Đồng thời, còn thúc đẩy hội nhập quốc tế, khuyến khích người Việt ở nước ngoài gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên công nghệ và toàn cầu hóa. 

Hơn thế nữa, còn tạo được động lực phát triển, khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo và sự thích ứng với những thách thức của thế giới hiện đại. 

Có thể nói, chủ đề này không chỉ là một lời nhắc nhở về nguồn cội mà còn là một tầm nhìn hướng tới tương lai, thúc đẩy cộng đồng người Việt ở nước ngoài tiếp tục gìn giữ và phát triển văn hóa Việt Nam.

“Văn hóa là con đường ngắn nhất từ trái tim đến trái tim; chúng ta lan tỏa văn hóa, những kết tinh cội nguồn của hàng nghìn năm lịch sử dân tộc, chia sẻ với các bạn quốc tế về những tinh hoa đó với khát vọng vươn lên trong kỷ nguyên mới để khẳng định vai trò, vị thế xứng đáng của Việt Nam trong kinh tế - chính trị thế giới và văn minh nhân loại”, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO bày tỏ.

Bên cạnh đó, chia sẻ về việc làm thế nào để có thể mang hình ảnh của một Việt Nam hiện đại nhưng vẫn phải giữ được đặc trưng riêng thông qua văn hóa nghệ thuật trong sự kiện này, bà Nguyễn Thị Yến - Giám đốc Công ty Nghệ thuật biểu diễn Đông Đô cho biết, Bra-xin là 1 đất nước năng động, tươi trẻ với những điệu nhảy đường phố nổi tiếng.

Nếu làm giống họ thì không mang được bản sắc Việt Nam đi, do đó, bà khẳng định đơn vị này sẽ làm mới các tiết mục âm nhạc để kết hợp truyền thống nhưng vẫn hiện đại, hội nhập quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Yến - Giám đốc Công ty Nghệ thuật biểu diễn Đông Đô chia sẻ về văn hóa nghệ thuật trong sự kiện.
Bà Nguyễn Thị Yến - Giám đốc Công ty Nghệ thuật biểu diễn Đông Đô chia sẻ về văn hóa nghệ thuật trong sự kiện.

Cụ thể, band nhạc sẽ gồm 4 cây nhạc cụ dân tộc kết hợp với 1 cây đàn guitar điện để tạo ra những bản phối mới.

Ở bài hát “Việt nam tôi” được biểu diễn tại sự kiện sẽ là một bản phối mới, được phối lại trên nền nhạc EDM, qua đó, khán giả nước ngoài sẽ được thấy Việt Nam hội nhập và phát triển, không chỉ còn là những truyền thống lâu đời.

Bà Yến chia sẻ thêm một ví dụ nữa, với bản hit “Để Mị nói cho mà nghe” cũng được phối lại theo cách đặc biệt hơn, để cho khác giả Việt Nam tại nước ngoài hay cả những khán giả quốc tế tại đó khi xem sẽ hiểu được người miền núi ở Việt nam cũng rất phóng khoáng, tự do và rất sôi động theo một cách tự nhiên chứ không chỉ còn là một màu sắc cũ hàng nghìn năm về trước.

Ngoài ra, tại không gian văn hóa, để kết nối 3 miền đất nước Bắc - Trung - Nam, band nhạc cụ dân tộc cũng sẽ chơi những bài truyền thống như: Lý cây bông, Lý mười thương, Lý kéo chài. Điều này còn rất phù hợp với hình ảnh Cafe vỉa hè Hà Nội tại không gian văn hóa.

“Còn tại Ả-rập Xê-út, vẫn bằng những cây nhạc cụ dân tộc, chương trình biểu diễn sẽ có những phối mới hoàn toàn, không chơi lại những điệu cũ. Bên cạnh đó, vẫn có những tiết mục giữ nguyên giai điệu, nét đặc trưng của Việt Nam. Bởi Ả-rập Xê-út là một đất nước huyền bí hơn, ít sôi động hơn”, bà Yến nói.

Chương trình biểu diễn âm nhạc có sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế, mang lại hình ảnh Việt Nam giàu truyền thống nhưng vẫn rất năng động và đổi mới vươn lên. Điều này góp phần giới thiệu đến bạn bè quốc tế rằng Việt Nam hội nhập được tất cả, Giám đốc Công ty Nghệ thuật biểu diễn Đông Đô nhấn mạnh./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/12/2024