ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ hai, 08h32 23/12/2024

Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý toàn diện để thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

(KDPT) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo điều kiện cho bước phát triển mới của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thời gian tới.

Năm 2024, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia

Nhìn lại năm 2024, toàn cảnh bức tranh về nền khoa học công nghệ nước nhà hiện lên với những mảng màu tươi sáng về tương lai công nghệ sẽ tiếp tục phát triển vượt bậc.

Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, mô hình tăng trưởng trước đây dựa trên vốn, tài nguyên đã không còn dư địa. Để đạt mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, lựa chọn bắt buộc là phát triển kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Năm 2024, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 44/133 quốc gia và nền kinh tế cho thấy chủ trương đúng đắn của phát triển kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các chuyên gia nước ngoài đánh giá, nước ta luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả của việc chuyển các nguồn lực đầu vào (thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…) thành kết quả đầu ra trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý toàn diện để thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - ảnh 1

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được coi là động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội. Bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2024 nổi bật với khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 2 "kỳ lân" và 11 doanh nghiệp được định giá hơn 100 triệu USD.

Cũng trong năm 2024, lần đầu tiên hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink, Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào tốp 200, thành phố Đà Nẵng lọt tốp 1.000 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.

Năm 2024, lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ công bố Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương, được xây dựng theo tiêu chí của Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đồng thời công bố bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo của 63 tỉnh, thành phố năm 2023.

Ngay sau khi được xếp hạng, các địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo của địa phương mình trong những năm tới. Điều đó cho thấy, việc áp dụng bộ chỉ số đã cung cấp bức tranh tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương; cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, giải pháp phù hợp cho phát triển kinh tế - xã hội.

5 định hướng trọng tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, việc hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia trong kỷ nguyên mới. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để hoàn thiện các cơ chế, chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo những định hướng trọng tâm sau:

Một là, đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, tập trung, làm rõ và tăng cường trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương đối với công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Hoàn thiện quy định về quyền sở hữu, quyền sử dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phân chia lợi nhuận, chuyển giao, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu.

Hai là, hoàn thiện chính sách phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ; trong đó, tập trung, tăng thu nhập thường xuyên cho nhân lực nghiên cứu của tổ chức khoa học, công nghệ, tạo điều kiện cho nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, hạn chế phải làm nhiều thủ tục hành chính. Thúc đẩy phát triển nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cả khu vực các cơ quan quản lý nhà nước, các viện, trường và doanh nghiệp. Huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng, chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý và chia sẻ dữ liệu thông tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đề xuất các chế độ, chính sách thu hút nhà khoa học đầu ngành, các cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học, mở rộng phạm vi, đối tượng khen thưởng phù hợp với các thành phần tham gia hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ba là, tăng cường các chính sách thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, hoàn thiện quy định về quỹ phát triển khoa học, công nghệ, quy định về ưu đãi, hỗ trợ, tài trợ của doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện quy định về xây dựng kế hoạch, dự toán, quản lý ngân sách nhà nước, bố trí kinh phí dự phòng để kịp thời triển khai các nhiệm vụ đột xuất, khẩn cấp, cấp thiết theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.

Thứ tư là, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, hoàn thiện quy định về xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước có bên tham gia là doanh nghiệp. Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, thúc đẩy thành lập doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) từ sáng chế, công nghệ. Hoàn thiện các chính sách về tổ chức trung gian của thị trường khoa học, công nghệ, cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường các cơ chế chia sẻ tri thức khoa học, công nghệ, xây dựng chính sách khoa học mở, thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đặt trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ tại Việt Nam, tạo ra môi trường nghiên cứu sôi động, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Năm là, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần tăng cường nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, giải pháp mang tính đột phá, vượt trội để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách, trọng điểm của quốc gia như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, net zero, đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân và các lĩnh vực mũi nhọn như công nghiệp bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo.., bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/12/2024