Xu hướng các “CEO” lên livestream bán hàng ngày càng phổ biến
Trong bối cảnh bán hàng qua video và livestream (phát trực tiếp) đang rất thịnh hành, cùng sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ ngày càng khốc liệt. Để bán được hàng, mỗi doanh nghiệp vừa phải tham gia xu hướng chung, vừa tìm ra cách thức mới để bán hàng và tồn tại. Trong đó, việc các chủ doanh nghiệp, CEO trực tiếp lên livestream trở thành xu hướng trong thời gian gần đây.
Giám đốc cũng lên livestream bán hàng
Anh Trần Viết Quân (một start-up trong lĩnh vực công nghệ) - Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Công ty chuyển đổi số Tanca.io, cho biết anh thường xuyên chạy đến các công ty hay hẹn ra quán cà phê với khách hàng để giới thiệu và bán sản phẩm.
Những người lãnh đạo cần đi đầu trong việc giới thiệu, bán sản phẩm |
Start-up này cho rằng bất kỳ ai trong công ty đều phải có trách nhiệm bán hàng, kể cả chủ doanh nghiệp. “Chúng tôi đang cố gắng bán hàng bất kể ngày đêm. Khách hàng nước ngoài có thể sắp xếp bất kỳ thời gian nào, kể cả ban đêm, để họp trực tuyến" - Anh Quân nói.
Còn theo Hoàng Hường - CEO start-up Unikon (công ty cung cấp các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo), cô phải liên tục “chạy ở ngoài đường”, rất hiếm khi được ngồi trong văn phòng cả ngày. Hường chia sẻ: "CEO hay các giám đốc, ai cũng trực tiếp tham chiến. Mình chịu trách nhiệm cao nhất cho việc sắp xếp, linh hoạt điều chỉnh nguồn lực để vừa đảm bảo tiến độ dự án của khách hàng, vừa hoàn thành các mục tiêu phát triển dài hạn của công ty".
Vị CEO này cho rằng, trong bối cảnh thị trường đầy biến động như hiện nay, các chủ doanh nghiệp, nhà sáng lập, giám đốc kinh doanh… đang gánh trên mình rất nhiều nỗi lo. Những người lãnh đạo doanh nghiệp phải trực tiếp xông pha chiến đấu trên nhiều mặt trận để phát triển sản phẩm, bán được hàng và xây dựng, phát triển nguồn lực trong điều kiện nhân sự có hạn.
"Những điều này cần sự tập trung, nhiệt huyết, kiên định và rất nhiều sự hy sinh..." - Hoàng Hường khẳng định.
Anh Nguyễn Lê Khánh Hoàng - Chủ của hai thương hiệu EcomStudio và Dừa Sáp Ông Hoàng, cũng là người thường xuyên lên livestream bán hàng, xuất hiện trong nhiều video của kênh.
Anh Nguyễn Lê Khánh Hoàng thường xuyên lên livestream. |
Được biết, cột mốc giúp anh Hoàng tự tin hơn trước ống kính là vào 8 năm trước, khi anh đang bán dừa sáp sáp online thì nhận được những phản ánh phàn nàn về chất lượng sản phẩm.
Vì ít nhân sự, không thể gọi điện đến từng khách hàng nên anh quyết định livestream để giải thích và xin lỗi. Điều bất ngờ là buổi livestream này không những giúp anh giải quyết sự cố mà còn thu hút thêm khách hàng mới với 50.000 lượt xem và nhiều đơn hàng được chốt.
Chủ thương hiệu này cho biết, cũng có nhiều người muốn làm video nhưng ngại lên hình, không hoạt ngôn. Anh khuyên mọi người nên khắc phục bằng việc đọc thêm sách để cải thiện vốn từ. Đối với những ai chưa biết tương tác với ống kính khiến thiếu tự tin khi xuất hiện trên video thì nên chịu khó luyện tập thì sẽ khắc phục được.
Trong năm 2023, "Bathucfood" - kênh bán hàng của Công ty TNHH Ba Thức Food (TP.HCM) (công ty chuyên cung cấp sỉ, lẻ đặc sản vùng miền, nhất là sản phẩm bò khô) đã nổi lên như một nhà bán hàng thành công trên Tik Tok shop. Đồng sáng lập công ty - Anh Phan Minh Thức cho biết, anh và vợ mình (giám đốc công ty) bắt đầu làm diễn viên đóng các tiểu phẩm để đăng tải lên mạng xã hội từ cuối năm 2021.
"Trước đó, chúng tôi đã kinh doanh online nhưng liên tiếp gặp thất bại và nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội nên quyết định không đứng sau thương hiệu nữa mà xuất hiện song hành cùng thương hiệu" - Anh Thức kể.
Thời gian đầu, vợ chồng Ba Thức Food gặp phải những định kiến từ xã hội, gia đình, bạn bè vì cho rằng kinh doanh online là điều thấp kém hơn so với doanh nhân truyền thống hay làm những công việc được xã hội trọng vọng.
Các video tiêu phẩm của vợ chồng Ba Thức Food với hàng trăm nghìn lượt xem. |
Kết quả, hiện tại công ty Ba Thức Food đã phát triển mạnh mẽ, chủ doanh nghiệp có nhiều việc để làm nên thiếu thời gian tham gia vào các video tiểu phẩm. Để giải quyết vấn đề này, anh Thức đã đào tạo những nhân tố mới trong công ty để lên livestream, diễn xuất trong các video nhằm giảm tải công việc cho bản thân.
Anh Vũ Hùng Anh - Chủ sở hữu 2 kênh Tiktok "Tạp Hóa Hồng Kông 1968" và "Chìa khóa độc lạ Việt Nam" năm qua đã nổi lên với vai trò là nhà sáng tạo nội dung độc lạ khi có giọng nói giống các phim cổ trang và mang trang phục diễn viên.
Hùng Anh cho biết, thời gian đầu anh chỉ lồng tiếng cho video theo kiểu phim cổ trang Hồng Kông (Trung Quốc) chứ không ra mặt, nhưng cũng được người xem khen ngợi và động viên anh lộ diện. Nhờ đó, anh có động lực để làm thêm nhiều video và lên livestream.
"Không chỉ lượt xem cao mà đơn hàng đổ về nhiều đã tạo "mood" (cảm hứng) để mình sáng tạo thêm nhiều cách livestream và làm video hấp dẫn hơn" - Anh Hùng Anh nói.
Từ cuối năm ngoái, Hùng Anh chính thức trở thành nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp. Anh vừa bán hàng cho thương hiệu của mình, vừa hợp tác với các nhãn hàng khác. Điều này giúp thu nhập của anh tốt hơn nhiều so với công việc trước đây.
Khuyến cáo về rủi ro
Theo ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc marketing Haravan (công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử và bán lẻ), các chủ doanh nghiệp trực tiếp góp mặt trong video, chủ yếu là sở hữu doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp vì đơn giản là do chi phí rẻ. Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp sẽ là người hiểu rõ nhất về sản phẩm cũng như đối tượng hướng tới nên thích hợp để làm đại diện hình ảnh.
Ông Tấn khuyến cáo: “Trường hợp chủ doanh nghiệp không trực tiếp làm diễn viên chính thì nên để người có cổ phần lớn hoặc người nhà lên làm đại diện hình ảnh. Bởi, hợp tác với người ngoài thường dễ dẫn tới tình huống khi người đó "đủ lông đủ cánh" sẽ bỏ đi, gây thiệt hại lớn cho công ty.
Cần tránh việc tập trung xây dựng hình ảnh cá nhân cho một người, thay vào đó phải xây dựng đội ngũ 3-4 người để không bị động, khi một người rời khỏi sẽ có người thay thế”./.