ISSN-2815-5823

Xử phạt nhiều doanh nghiệp vi phạm đất đai ở hồ Đại Lải

(KDPT) – Cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc vừa quyết định xử phạt gần 1 tỷ đồng liên quan đến sai phạm trong đầu tư, xây dựng, sử dụng đất đai xảy ra tại hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc).

Hồ Đại Lải thuộc địa bàn xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc) được đầu tư xây dựng từ năm 1959, đến năm 1962 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hồ được thiết kế với nhiệm vụ cung cấp nước nước cho các xã trong địa bàn thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên và 2 xã của huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Hồ thuộc quản lý của Bộ NN&PTNT tới năm 2018 giao cho công ty TNHH MTV Thủy Lợi Phúc Yên quản lý.


Hồ Đại Lải – Vĩnh Phúc

Những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch tại khu vực hồ Đại Lải, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư khai thác du lịch tại đây với các dịch vụ như khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, sân golf… Việc phát triển du lịch của các doanh nghiệp đã dẫn đến hệ lụy lòng hồ bị thu hẹp và xảy ra tình trạng nhiều sai phạm về đất đai với các hành vi san, lấp, lấn chiếm lòng hồ của các doanh nghiệp.

Lấn chiếm đất

Ngày 19/7, Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đã có báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, thanh tra liên quan đến các sai phạm xảy ra tại hồ Đại Lải.

Theo đó, Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành 3 quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đầu tư đối với 3 doanh nghiệp gồm, Công ty CP M.Land, Công ty TNHH Đạt Tiến và Công ty CP Thanh Xuân. Mỗi doanh nghiệp bị xử phạt 25 triệu đồng.

Ngoài ra, đối với lĩnh vực đất đai, Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT sau quá trình thanh tra, kiểm tra đồng thời quyết định xử phạt nhiều doanh nghiệp khi sử dụng đất vượt quá ranh giới, diện tích đất được giao tại hồ Đại Lải.

Theo kết qủa kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, Công ty TNHH Đại Lải (Việt Nam) đang sử dụng vượt chỉ giới so với ranh giới, diện tích đất được giao trong dự án sân Golf và tổ hợp văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, nghỉ mát ở xã Ngọc Thanh. Từ những vi phạm trên, Sở TN&MT đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Đại Lải.


Nhiều dự án bức tử hồ Đại Lải

Căn cứ kết qủa kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 3130 về việc xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hành vi vi phạm đối với Công ty TNHH Đại Lải với tổng số tiền là 369 triệu đồng.

Đối với Công ty TNHH Đạt Tiến tại dự án Khu dịch vụ du lịch Đảo Ngọc sử dụng 1,56ha nằm ngoài diện tích đất được cho phép, bị xử phạt hành chính. Bên cạnh đó, Thanh tra sở TN&MT cũng ra Quyết định xử phạt hành chính số 21 đối với Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải với số tiền hơn 86 triệu đồng do vi phạm khi chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 5.000 m2 đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm và hơn 955 m2 đất trồng cây hang năm sang mục đích phi nông nghiệp khi chưa được sự cho phép của của cơ quan có thẩm quyền.

Xây biệt thự không phép

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Đạt Tiến đã sử dụng vượt giới hạn đất được giao ở cả khu A và B trong dự án Khu du lịch sinh thái Đại Lải, về việc này Sở TN&MT đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.

Đối với lĩnh vực xây dựng, căn cứ Văn bản số 2239 ngày 24/6 về báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt Công ty CP Thanh Xuân số tiền 40 triệu đồng do cố tình xây dựng 1 nhà biệt thự không có giấy phép xây dựng trong dự án khu biệt thự nhà nghỉ cuối tuần và du lịch sinh thái Thanh Xuân do công ty này làm chủ đầu tư.

Đối với dự án Khu du lịch sinh thái Đại Lải do công ty CP Hồng Hạc Đại Lải làm chủ đầu tư, do vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý đất đai, Sở Xây dựng đề xuất giao Sở TN&MT và UBND TP Phúc Yên xử lý theo thẩm quyền. Đối với dự án Sân Golf và tổ hợp văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ mát do Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam làm chủ đầu tư cũng được Thanh tra Sở xây dựng đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã có Văn bản số 1353 xác định số tiền chủ đầu tư phải nộp quỹ trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng đất rừng khi thực hiện dự án. Trong đó, dự án Khu du lịch sinh thái Đại Lải của Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải phải nộp hơn 387 triệu đồng và Công ty M.land với dự án Khu nghỉ dưỡng M.Land số tiền hơn 16 triệu đồng.

UBND TP Phúc Yên cũng đã ban hành Thông báo số 253/TB-UBND đối với 4 doanh nghiệp được giao đất nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi Hồ Đại Lải và yêu cầu tạm dừng thi công các công trình vi phạm thuộc phạm vi công trình thủy lợi.

Theo Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đã thực hiện việc nộp phạt hành chính với tổng số tiền hơn 479 triệu đồng; Công ty CP Thanh Xuân nộp 65 triệu đồng; Công ty CP M.Land nộp 25 triệu đồng. Đáng chú ý, đối với Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải nộp phạt hơn 86 triệu đồng cùng với việc hoàn thành nghĩa vụ trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền hơn 387 triệu đồng vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhiều khu biệt thự mọc lên ngày càng nhiều tại khu vực hồ Đại Lải

Trước đó, ngày 14/7/2020, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 5740 ngày 14/7 về vụ việc liên quan hồ Đại Lải. Tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra thông tin báo nêu, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”.

VIỆT AN

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 14/05/2024