ISSN-2815-5823
Đặng Nguyệt
Thứ ba, 16h36 14/05/2024

Thiệt hại từ lừa đảo trực tuyến lên tới 390.000 tỷ đồng

(KDPT) - Hiệp hội An ninh mạng quốc gia vừa qua đã tổ chức buổi Hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng tại Hà Nội, thu hút hàng trăm đại biểu tham dự.

Được tổ chức bởi Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng đã thu hút được hơn 500 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, cơ quan Chính phủ và các tổ chức, cá nhân.

57% tổng số tội phạm mạng là lừa đảo trực tuyến

Hội thảo này nhằm làm rõ tầm nhìn chiến lược, toàn diện tổng thể về pháp lý, trách nhiệm, giải pháp của từng cơ quan, doanh nghiệp liên quan, đồng thời tạo nền tảng tham mưu với Đảng và Nhà nước định hướng phối hợp hành động giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn, giảm rủi ro lừa đảo trên không gian mạng, đảm bảo cao nhất an ninh con người, cuộc sống yên bình, hạnh phúc của người dân, cũng như xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn lành mạnh, giúp đất nước phát triển phồn vinh và hạnh phúc.

Hội thảo này cũng là cơ hội để các cơ quan lý, tổ chức xã hội, cá nhân cùng nhau thảo luận, thống nhất quan điểm về giải pháp, nhận thức, xúc tiến cơ hội và giảm thiểu rủi ro từ không gian mạng với sự phát triển của từng đơn vị, cá nhân, giúp đóng góp tích cực cho sự phát triển vững mạnh của đất nước.

Hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.
Hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.

Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phát biểu khai mạc và chỉ đạo tại hội thảo rằng, thời gian qua, lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với cá nhân, tổ chức, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển, đòi hỏi đánh giá toàn diện và kỹ lưỡng, có biện pháp tổng thể để ngăn chặn và phòng ngừa một cách hữu hiệu.

Thượng tướng Lương Tam Quang cho biết với quy mô và tốc độ chưa từng thấy, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra những giá trị to lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội, nhưng cũng có những thách thức lớn với đảm bảo an ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, hoạt động lợi dụng không gian mạng tiến hành phạm tội, đáng chú ý là lừa đảo online với 57% tổng tội phạm mạng, tăng cả về thủ đoạn và phạm vi, lợi dụng triệt để công nghệ mới, đặt biệt là AI, gây tổn thất hàng nghìn tỷ USD/ năm. Theo thống kê riêng, thiệt hại năm 2023 là 1.026 tỷ USD, tương đương với 1,05 GDP toàn cầu.

Xét về phương diện quốc tế, Liên hợp quốc và một số tổ chức, cộng đồng quốc tế, khu vực đang tăng cường hợp tác quốc tế mạnh mẽ, xúc tiến phối hợp giữa các nước, thiết lập các quy tắc chung để giảm thiểu nguy cơ tối đa.

Xét về quốc gia, có 160 nước, bao gồm nhiều quốc gia lớn ban hành liên tiếp các chính sách mới để tăng cường bảo vệ dữ liệu, phòng, chống đánh cắp, mã hóa dữ liệu để đòi tiền chuộc qua hình thức lừa đảo.

Trong năm 2023 tại Việt Nam, các tội phạm mạng trong và ngoài nước đã thường xuyên thay đổi thủ đoạn, cách thức, lợi dụng công nghệ mới triệt để nhằm tấn công, xâm nhập, lừa đảo trên diện rộng, gây tổn thất lớn về kinh tế, tác động xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống yên bình và hạnh phúc của người dân.

Thống kê trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin cho thấy có gần 16.000 phản ánh về lừa đảo online, gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng, ứng với 3,6% GDP, bao gồm 91% liên quan tới lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022; có 73% tỷ lệ người dùng nhận cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo trực tuyến.

Cổng cảnh báo an toàn thông tin cho biết có gần 16.000 phản ánh lừa đảo online.
Cổng cảnh báo an toàn thông tin cho biết có gần 16.000 phản ánh lừa đảo online.

Theo ông Lương Tam Quang, Công ty an ninh mạng Singapore Group-IB đã công bố vụ tấn công lừa đảo dùng 240 tên miền liên kết để mạo danh 27 tổ chức tài chính, ngân hàng của Việt Nam nhằm thu thập thông tin tài khoản ngân hàng, cá nhân từ năm 2022 tới nay. Chợ đen giao dịch thông tin thẻ tín dụng Biden Cash đã công khai cơ sở dữ liệu miễn phí trực tuyến, gồm 2 triệu thẻ tín dụng và ghi nợ. Tình trạng giao dịch hàng cấm, hàng giả, kém chất lượng trên không gian mạng ảnh hưởng xấu đến thương hiệu và uy tín của quốc gia Việt Nam.

Khẩn trương ngăn chặn, giảm thiểu tổn thất do lừa đảo qua không gian mạng

Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ, đối tượng phạm tội hoạt động rất chuyên nghiệp, có tổ chức và vai trò phân công cụ thể. Cầm đầu thường là đối tượng người nước ngoài, trú chân ở nước láng giềng ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ, đưa người Việt Nam ra nước ngoài thực hiện phạm tội.

Theo ông Quang, cách thức và thủ đoạn rất tinh vi, dùng công nghệ giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng Deepfake để gọi điện và kêu gọi đầu tư qua các sàn tiền ảo, chứng khoán, ngoại hối…

Phần lớn đối tượng mà tội phạm lừa đảo nhắm tới là nhóm sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp, trẻ em (người dùng smartphone và có điều kiện tham gia môi trường mạng còn nhận diện kém về hành vi lừa đảo) và người cao tuổi.

Theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công an, việc ngăn chặn và giảm thiểu tổn thất do lừa đảo qua không gian mạng đang là vấn đề cấp bách hiện tại.

Chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, đòi hỏi khẩn trương thống nhất nhận thức và hành động trong mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan.

Công tác phòng, chống lừa đảo qua không gian mạng thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Theo đó, đã hình thành hành lang pháp lý, tạo cơ sở vững chắc do đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng nói chung và lừa đảo qua mạng nói riêng…

Công tác tuyên truyền cũng được thúc đẩy với nhiều hình thức phong phú, tiếp cận đến nhiều người dân, loại bỏ sim rác, ngăn chặn các dòng tiền và giao dịch có liên quan đến phạm tội; rà soát các giao dịch nghi ngờ liên quan đến lừa đảo. Ngoài ra, hiện cũng đang xây dựng hệ thống trao đổi thông tin cơ sở dữ liệu về tài khoản ngân hàng liên quan tới đối tượng lừa đảo, vi phạm pháp luật đang được xây dựng…

Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng trong năm 2023.
Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng trong năm 2023.

Thế nhưng, các chuyên gia nhìn nhận, công tác phòng chống lừa đảo qua mạng còn nhiều khó khăn. Đơn cử, hành lang pháp lý chưa có quy định cụ thể về nhận diện người dùng Internet, chưa điều chỉnh các vấn đề mới pháp sinh kịp thời gây ra khó khăn đối với quản lý các đối tượng trẻ em, trong khi 1/3 người dùng Internet tại Việt Nam là chưa thành niên, hầu hết không có kỹ năng dùng mạng an toàn.

Ngoài ra, có một số khó khăn khi xử lý các vụ việc lừa đảo, đặc biệt là phối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để truy vết dòng tiền lừa đảo mất nhiều thời gian, hiệu quả thu hồi kém. Việc liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ online cũng tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó, thông tin cung cấp chậm và chưa rõ địa chỉ IP của đối tượng nếu dùng mạng 4G, 3G.

Tuy vấn đề mua bán tài khoản ngân hàng, sim rác đã được tập trung xử lý, nhưng vẫn còn tràn lan gây khó khăn cho hoạt động điều tra tội phạm mạng.

Thông qua rà soát, các kênh bán sim không chính chủ qua các đại lý, mạng xã hội, trang thương mại điện tử, vẫn khá phổ biến, tiếp cận dễ dàng với số lượng lớn. Các kênh chợ đen, Telegram, Facebook… buôn bán hàng nghìn tài khoản ngân hàng với giá dễ tiếp cận chỉ từ 200.000 đồng.

Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết, công tác phòng chống lừa đảo qua mạng gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, đặt ra vấn đề cấp thiết thảo luận giữa các cơ quan, doanh nghiệp đánh giá tổng thể, làm rõ và xác định giải pháp thống nhất nhằm triệt để tháo gỡ trong thời gian tới./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024