3 trường hợp được bồi thường bằng nhà và đất ở khi TP.HCM thu hồi đất từ 25/9
UBND TP.HCM vừa ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố.
Theo quyết định trên, bắt đầu từ ngày 25/9, TP.HCM sẽ tiến hành bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại thu hồi trong một số trường hợp.
Cụ thể, thu hồi đất nông nghiệp và bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở hoặc đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở).
Thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở và bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở.
Thu hồi đất ở và bồi thường bằng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở hoặc nhà ở.
Cũng theo quyết định này, diện tích đất, nhà ở hoặc phi nông nghiệp hoán đổi sẽ được tính theo phần bị thu hồi với tỷ lệ nhất định. Tỷ lệ này bằng giá đất tại vị trí thu hồi/giá đất, nhà ở vị trí hoán đổi nhân với 100%.
Trường hợp người sử dụng đất có nhiều loại đất đủ điều kiện bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở thì diện tích đất ở, nhà ở hoặc đất phi nông nghiệp hoán đổi theo tiêu chuẩn là tổng diện tích đất ở, nhà ở hoặc đất phi nông nghiệp hoán đổi tương ứng với từng loại đất thu hồi.
Diện tích nhà ở cơi nới trái phép sẽ không được bồi thường
Theo quy định việc bồi thường chi phí tự cải tạo, sửa chữa nhà ở cho người đang sử dụng nhà ở thuộc tài sản công nằm trong phạm vi thu hồi đất phải phá dỡ (thực hiện Điều 16 Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ) sẽ được tiến hành như sau:
Người đang sử dụng nhà ở thuộc tài sản công (nhà thuê hoặc nhà do tổ chức tự quản) nằm trong phạm vi thu hồi đất phải phá dỡ thì không được bồi thường đối với diện tích nhà ở thuộc tài sản công và diện tích cơi nới trái phép, nhưng được bồi thường chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp bằng 100% chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.
Đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lập hoặc thuê đơn vị tư vấn có tư cách pháp nhân đủ năng lực để xác định chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đối với nhà ở thuộc tài sản công (nhà thuê hoặc nhà do tổ chức tự quản) và gửi Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Quy hoạch xây dựng thẩm định.
Sau khi có ý kiến thẩm định của Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Quy hoạch xây dựng thì đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình UBND TP. Thủ Đức, UBND các quận - huyện phê duyệt./.
- Ngày hội Truyền thông dự phòng bệnh không lây nhiễm hướng tới thanh thiếu niên
- Nghệ An tìm nhà thầu cho dự án cải tạo Quốc lộ 46 đoạn Vinh - Nam Đàn
- Kết nối phát triển du lịch, điện ảnh Việt Nam với TP. Los Angeles