An toàn thông tin mạng và ứng dụng AI trong phát triển TP. Hà Nội thông minh
Thông tin trên không gian mạng cần đảm bảo an toàn
Chiều 27/9, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với Hội Tin học viễn thông Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “An toàn thông tin mạng và ứng dụng AI trong phát triển TP. Hà Nội thông minh”. Đây là sự kiện nhằm chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập của Hội Tin học Viễn thông Hà Nội.
Ông Đinh Thiện Đức, Phó Chủ tịch Hội Tin học viễn thông Hà Nội cho biết, sự kiện là bước khởi đầu trong khuôn khổ kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp số giữa Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và Hội Tin học viễn thông Hà Nội.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, trong năm 2023, thế giới thiệt hại 8.000 tỷ USD, năm 2024 thiệt hại 9.500 tỷ USD. Có đến 353.027.892 người bị ảnh hưởng do vi phạm dữ liệu. 11 giây có 01 tổ chức bị tấn công mã độc tống tiền. Tấn công mạng quy mô lớn, chuyên nghiệp.
Theo chuyên gia an ninh mạng Bùi Quang Minh, CEO của SecurityBox,Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay. Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Chuyển đổi số là cơ hội bứt phá cho các địa phương. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, các nguy cơ về an toàn, an ninh mạng đang đặt ra vấn đề phải đối mặt.
Vấn đề an toàn thông tin đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và việc bảo đảm an toàn thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Để chuyển đổi số thành công và bền vững, việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng đóng vai trò then chốt, là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số.
Vì vậy theo ông Bùi Quang Minh, cần đảm bảo an toàn thông tin 4 lớp. Trong đó lớp 1 là lực lượng tại chỗ, gồm các nhân sự chuyên trách về an toàn thông tin. Mỗi ngành, địa phương trung bình cần có 2, 4 nhân sự chuyên trách về vấn đề này.
Tiếp theo là lớp 2 gồm lực lượng giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp. Đây là những người tự thực hiện giám sát, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, bảo vệ hệ thống thông tin thuộc quyền quản lý hoặc lựa chọn/thuê tổ chức, doanh nghiệp có đủ năng lực giám sát, ứng cứu sự cố.
Lớp 3 là lực lượng kiểm tra, đánh giá độc lập định kỳ theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 85/2016/NĐ-CP cho tối thiểu 80% hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý. 100% hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin định kỳ theo quy định.
Lực lượng quốc gia là lớp thứ 4 với việc sẽ kết nối, chia sẻ thông tin giám sát an toàn thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; cung cấp các dải địa chỉ IP Public của các hệ thống thông tin cơ quan, tổ chức nhà nước thuộc phạm vi quản lý. Ông Minh chia sẻ.
Thúc đẩy ứng dụng AI trong chuyển đổi số
Ở quy mô quốc gia, việc ứng dụng công nghệ AI tại các cơ quan nhà nước, mà phổ biến là “trợ lý ảo” (tích hợp vào nhiều thiết bị nền tảng) và “chatbot” (hoạt động trên một nền tảng trò chuyện cụ thể) để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngày càng được coi trọng.
Theo TS. Phạm Minh Hoàn, giảng viên Trường Công nghệ, ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Hơn lúc nào hết cần coi trọng nhiệm vụ an toàn, an ninh mạng, vì đó là trụ cột quan trọng giúp tạo lập niềm tin số và sự phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên số.
Theo chuyên gia này, dữ liệu là cốt lõi của việc dùng AI, do đó, điều quan trọng là Hà Nội thì phải tổ chức học tập cho cán bộ, viên chức, để họ hiểu về AI, về dữ liệu, nâng cao năng lực AI của bản thân, đồng thời thành phố cần đặt AI trong hệ sinh thái chuyển đổi số.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, quá trình xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn gặp phải không ít thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là khung pháp lý còn thiếu rõ ràng, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án hợp tác công tư. Điều này ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và triển khai các giải pháp công nghệ mới.
Để vượt qua những thách thức này, cần có một tầm nhìn dài hạn và chiến lược toàn diện. Việc hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và phát triển công nghệ là rất cần thiết. Đồng thời các địa phương cũng cần chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp công nghệ để phát triển các giải pháp thông minh, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Việc ứng dụng công nghệ số và khai thác dữ liệu cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mô hình đô thị thông minh. TS. Phạm Minh Hoàn nhận định.
Kết thúc hội thảo, Hội Tin học viễn thông Hà Nội cùng nhà tài trợ Asus trao tặng huyện Chương Mỹ và huyện Sóc Sơn - hai huyện chịu nhiều hậu quả của cơn bão Yagi món quà là số tiền 25 triệu/huyện + 5 bộ máy tính.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện nhà cung cấp đã đề cập đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xây dựng thành phố thông minh. Hiện, AI đang đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, thay thế nhiều công việc thủ công, tốn sức lao động.Trên thế giới, các cường quốc đều xây dựng chiến lược phát triển riêng cho AI, lấy công nghệ AI làm cốt lõi cho sự tăng tốc của nền kinh tế./.
- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin, công nghệ
- Đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng, xây dựng nền tảng số cảnh báo rủi ro