ISSN-2815-5823

Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê: Hài hòa giữa phát điện, chống lũ và chống hạn

Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê. – Ảnh: VGP

(KDPT) – Với các công trình thủy điện, cần hài hòa giữa phát điện, chống lũ và chống hạn, quy trình vận hành liên hồ chứa hay đơn hồ được nghiên cứu kỹ do các nhà quản lý, các nhà khoa học và các địa phương có liên quan góp ý xây dựng. Đó là khẳng định của Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê – nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng khi trao đổi với phóng viên quanh vấn đề thủy điện có gây ra hay làm trầm trọng thêm lũ lụt?

PV: Xin ông cho biết, chức năng phòng chống lũ của các thủy điện có giống nhau không? Có hay không hiện tượng gây ra lũ chồng lũ tại các nhà máy thủy điện?

Ông Thái Phụng Nê: Mỗi hồ chứa thủy điện có vai trò, mục tiêu khác nhau, không phải hồ nào cũng giống hồ nào. Như hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Sơn La trên sông Đà đặt nhiệm vụ chống lũ trên cả nhiệm vụ phát điện bởi giải quyết được chống lũ cho Đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn, trong đó có thủ đô Hà Nội, là vấn đề lớn và là mong muốn lâu đời của nhân dân ta. Cho nên 2 hồ chứa này có tổng dung tích chống lũ là 7 tỷ m3 nước – con số rất lớn. Chưa tính hệ thống sông Lô với thủy điện Thác Bà, Tuyên Quang khoảng 2 tỷ m3 nữa. Với dung tích này, về cơ bản có thể chống được lũ xảy ra với tần suất 500 năm/lần. Lũ lớn nhất lịch sử trên sông Đà tính toán được là năm 1996 với lưu lượng khoảng 22.600 m3/s chỉ là 150 năm/lần. Nếu không có hồ Hòa Bình chắc chắn gây ngập lụt cho đồng bằng sông Hồng.

Còn các hồ thủy điện khu vực miền Trung, trên là núi, dưới là biển, sông ngắn và có độ dốc lớn, không thể tạo được hồ có dung tích lớn, nên chỉ có thể góp phần chống lũ.

Đối với chuyện lũ chồng lũ, tôi hiểu ý dư luận là đã có lũ rồi lại tiếp tục xả nước xuống làm hạ du ngập lụt thêm. Tuy nhiên không có chuyện lũ chồng lũ bởi tất cả các hồ chứa thủy điện đều có quy trình nghiêm ngặt và các hồ chứa thủy điện không được xả với lưu lượng nước xuống hạ du lớn hơn lưu lượng lũ về hồ. Chồng lũ là phải so sánh khi hồ chứa xả lớn hơn so với lưu lượng nước về hồ. Nếu chủ hồ nào làm sai quy định sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và lâu nay tôi khẳng định không chủ hồ nào chỉ đạo xả lũ lớn hơn so với lũ về hồ cả.

PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, quy trình vận hành hồ chứa thủy điện hiện nay của một số lưu vực sông đã hạn chế và cần phải sửa đổi bổ sung? Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Thái Phụng Nê: Phải nói quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, được hiệu chỉnh cho phù hợp và đến nay các lưu vực đều có quy trình vận hành hồ chứa, trong đó có quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chỉ đạo thực hiện trong mùa lũ. Quy trình vận hành đơn hồ do Bộ Công Thương ban hành.

Tuy nhiên, bất cứ quy trình, quy định nào qua thời gian đều bộc lộ hạn chế do tác động khách nên cần nghiên cứu cho phù hợp hơn, trong đó cần nghiên cứu những cái đã và đang làm được, nhũng gì trái với tính toán để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Tôi lấy ví dụ, Quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng hiện nay không còn phù hợp, bởi Quy trình hiện nay được tính toán theo mức nước ở hạ lưu, cụ thể ở Sơn Tây (Hà Nội), mức nước này được tính toán và thực hiện cách đây trên 10 năm. Còn bây giờ do lòng sông bị xói sâu, cần nghiên cứu lại để làm sao mức nước trước lũ của các hồ chứa phù hợp hơn, từ đó các hồ chứa sẽ tích được nhiều nước hơn để đảm bảo dự trữ nước phục vụ tưới tiêu, cấp nước hạ du và phát điện.

Thứ 2, quy trình này phải xây dựng bằng số thực của lưu lượng nước vào hồ chứa, muốn được như vậy phải quan trắc mức nước, tức bất kỳ lúc nào cũng có thể biết được lưu lượng nước đến hồ là bao nhiêu và dự báo trong những ngày tới nước về như thế nào để từ đó chủ động điều hành và vận hành tối ưu nguồn nước.

Theo các chuyên gia, nếu không có hồ Hòa Bình chắc chắn gây ngập lụt cho đồng bằng sông Hồng. Trong ảnh là thủy điện Hòa Bình. Ảnh: VGP

PV: Trong thời gian qua, dư luận cũng cho rằng thủy điện là tác nhân gây ra hạn hán? Ông giải thích cụ thể hơn vấn đề này?

Ông Thái Phụng Nê: Không bao giờ có chuyện thủy điện gây ra hạn hán cả bởi hồ chứa ít nhiều đều tích nước. Tích nước cho thủy điện để phát điện cũng là để cấp nước cho hạ du. Vấn đề ở chỗ vào mùa kiệt, tức mùa nắng nóng, việc điều hành cấp nước cho hạ du không chỉ có chủ hồ mà việc điều này hành giao cho Lãnh đạo UBND tỉnh. Lãnh đạo tỉnh thấy cần bao nhiêu nước để bảo đảm tưới tiêu, cung cấp cho sinh hoạt thì địa phương chủ động chỉ đạo chủ hồ trên cơ sở các quy định của pháp luật. Tuy nhiên dung tích hồ chứa chỉ có giới hạn nên các địa phương cần tính toán thời điểm yêu cầu để cấp nước hạ du cho phù hợp, nếu thời điểm cấp nước nhiều mà nước không về hồ dẫn đến hết nước, thì sau đó hạ du có cần nước thì hồ thủy điện cũng không còn nước để cấp cho hạ du nữa.

PV: Có ý kiến cho rằng phát triển thủy điện nhỏ hại nhiều hơn lợi. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Ông Thái Phụng Nê: Tôi đã nói nhiều về vấn đề này, tất cả các thủy điện đều có mặt lợi và mặt hại. Lợi – hại là mỗi dự án làm ra phải tính toán lợi nhiều hơn hay hại nhiều hơn. Các dự án thủy điện nhỏ để đánh giá lợi và hại của nó, các chủ dự án, chủ đầu tư cần trình bày báo cáo khả thi với địa phương, các địa phương cân nhắc xem lợi nhiều hơn, hại khắc phục được thì nên làm, còn hại nhiều hơn thì không nên làm.

PV: Trong thời gian tới, theo ông các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ hồ chứa cần lưu ý điểm gì để đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả công trình thủy điện và đảm bảo hài hòa lợi ích phát điện, chống lũ, chống hạn?

Ông Thái Phụng Nê: Việc hài hòa giữa phát điện, chống lũ và chống hạn, đó là quy trình vận hành liên hồ chứa hay đơn hồ đã được nghiên cứu kỹ do các nhà quản lý, các nhà khoa học và các địa phương có liên quan góp ý xây dựng. Các bên liên quan cần căn cứ vào đó để làm và tuyệt đối cán bộ, chủ đầu tư các chủ hồ phải thực hiện nghiêm và không được làm trái và không được vì lợi ích của ngành mình.

Ngoài ra, các chủ hồ chứa phải phối hợp hết sức chặt chẽ với địa phương, do địa phương sát dân, gần dân hơn nên hiểu rõ hơn đặc điểm tình hình khi nào cần mở, khi nào cần đóng các cửa xả. Tôi lấy ví dụ, trong chống hạn, trước mùa cạn các chủ hồ bàn kỹ với địa phương để thực hiện sao tiết kiệm nước và các địa phương cần có chỉ đạo rõ ràng, có văn bản cụ thể. Đối với lượng nước tối thiểu xả xuống hạ lưu phải đảm bảo, không được gian dối.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xuân Tiến



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine