ISSN-2815-5823

Ba nhóm giải pháp thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi xanh

(KDPT) - Để thực hiện mục tiêu Net Zero và chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững, ngành Công Thương sẽ hỗ trợ, thúc đẩy triển khai áp dụng ba nhóm giải pháp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cần xây dựng các chính sách khí hậu và năng lượng tái tạo để thúc đẩy hướng tới tương lai phát thải ròng bằng không.
Cần xây dựng các chính sách khí hậu và năng lượng tái tạo để thúc đẩy hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0.

Theo đó, ngành Công Thương tập trung áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính do giảm nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch - nguyên nhân chính gây phát thải khí nhà kính hiện nay.

Khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch - được xem là có mức phát thải khí nhà kính bằng “0” như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối, Hydrogen... và để hỗ trợ thực hiện các giải pháp này, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển cho các loại hình năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng từ chất thải....

Áp dụng tổng thể các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, nguyên nhiên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường và tận dụng tối đa các cơ hội áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... hướng đến mô hình sản xuất bền vững của doanh nghiệp (giải pháp này đã được thể hiện tại Chiến lược sản xuất sạch hơn).

Bên cạnh đó, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho rằng, để đạt được mục tiêu Net Zero, bên cạnh 3 nhóm giải pháp kỹ thuật nêu trên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định rõ vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình.

Theo đó, các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023. Xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tự thực hiện đến năm 2025 và bắt buộc thực hiện theo hạn ngạch được phân bổ từ năm 2026 trở đi. Các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon... sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước đang phát triển kể cả tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó, thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Pa-ri, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.


Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024