Bài 1: Cơ sở pháp lý về khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam
Khu công nghiệp Deep C Hải Phòng. |
Từ những bất cập cần sửa đổi
Ba năm triển khai thực hiện Nghị định 82 và thực tiễn phát triển KCNST ở Việt Nam đã ghi nhận nhiều quy định chưa thực sự sát với thực tế, gây khó khăn hoặc chưa tạo điều kiện cho việc phát triển KCNST ở Việt Nam. Có thể đưa ra một số điểm bất cập, vướng mắc cơ bản cần tháo gỡ sau.
Thứ nhất, cần bổ sung quy định về xây dựng mới KCNST với những đề xuất như sau: Chính phủ khuyến khích đầu tư mới khu công nghiệp sinh thái thông qua quy hoạch xây dựng, thiết kế hợp lý các phân khu chức năng và định hướng thu hút các dự án đầu tư có ngành, nghề tương đồng để hỗ trợ thực hiện cộng sinh công nghiệp; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái phải đáp ứng các điều kiện sau: Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái đăng ký ngành, nghề thu hút đầu tư; dự kiến mức phát thải cho từng ngành, nghề; dự kiến phương án cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp, phương án xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát đầu vào, đầu ra của khu công nghiệp về sử dụng nguyên liệu, vật liệu, năng lượng, nước, hoá chất và phương án thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh tại hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp...
Thứ hai, bổ sung một số chính sách đối với KCNST, cụ thể: Không áp dụng tỷ lệ lấp đầy 60% đối với địa phương phát triển khu công nghiệp sinh thái mới; Bổ sung một số ưu đãi đối với khu công nghiệp sinh thái như khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp công nghệ cao: Được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Được cho thuê đất trong thời hạn không quá 70 năm; Được ưu tiên vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, thực hiện các hình thức huy động vốn hợp pháp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, tín dụng và pháp luật có liên quan; Được đưa vào danh mục dự án thu hút đầu tư.
Thứ ba, cụ thể hóa các tiêu chí về KCN sinh thái theo nhóm đối tượng. Chi tiết cụ thể như sau: Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chí sau: Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và lao động trong vòng 03 năm trước thời điểm đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái; Cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản trong khu công nghiệp theo quy định của pháp luật bao gồm: dịch vụ hạ tầng thiết yếu (điện, nước, thông tin, phòng cháy, chữa cháy, các dịch vụ hạ tầng thiết yếu khác) và các dịch vụ có liên quan, hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp; Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giám sát đầu vào và đầu ra về sử dụng năng lượng, nước, hóa chất, nguyên liệu, vật liệu trong khu công nghiệp; lập báo cáo định kỳ hằng năm về các kết quả đạt được trong sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và giám sát phát thải của khu công nghiệp, báo cáo Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Hằng năm, công bố báo cáo thực hiện bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh gửi Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và đăng trên website của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chí sau: Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và lao động trong vòng 03 năm trước thời điểm đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái; Thực hiện ít nhất 01 cộng sinh công nghiệp và các doanh nghiệp tham gia cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý sản xuất và môi trường theo các tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) phù hợp; Tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn đạt kết quả tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, nước, hóa chất và giảm phát thải ra môi trường. Khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chí sau: Tỷ lệ tối thiểu tổng diện tích đất cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung trong khu công nghiệp đạt 25% trong quy hoạch xây dựng khu công nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; Có giải pháp đảm bảo nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.
Thứ tư, bổ sung khái niệm Doanh nghiệp sinh thái, chứng nhận doanh nghiệp sinh thái, ưu đãi doanh nghiệp sinh thái. Cụ thể như sau: Doanh nghiệp sinh thái Doanh nghiệp thực hiện đồng thời các giải pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái, được Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp sinh thái; Doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái tham gia các hoạt động và đáp ứng các tiêu chí theo quy định.
Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng). |
Đến Nghị định 35
Trước những bất cập, hạn chế của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (Nghị định 82) quy định về quản lý KCN, KKT, ngày 28/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP (Nghị định 35). So với Nghị định 82, Nghị định 35 được cho là hoàn thiện, ưu việt hơn khi các quy định trong các Điều của Nghị định được xác định phù hợp với thực tế, giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (đầu tư hạ tầng, thành lập KCN...).
Cụ thể, Nghị định gồm 08 Chương, 76 Điều, quy định những vấn đề chung; đầu tư hạ tầng, thành lập khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; một số loại hình khu công nghiệp và khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị; hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghiệp, khu kinh tế; quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; và điều khoản thi hành.
Trong đó, Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định chi tiết UBND cấp tỉnh ban hành chính sách phát triển KCN sinh thái, trong đó: Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào KCN hiện hữu để kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong KCN thực hiện cộng sinh công nghiệp và chuyển đổi thành KCN sinh thái; Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới và thu hút đầu tư vào KCN sinh thái; Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp trong KCN cải tiến quy trình quản lý và vận hành, đổi mới công nghệ sản xuất để giảm các nguồn gây ô nhiễm, tái sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu, sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Về hợp tác xây dựng KCN sinh thái, Nghị định nêu rõ: Các doanh nghiệp trong KCN thực hiện hợp tác với nhau để sử dụng chung các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ, nguyên liệu, vật liệu và các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất; tái sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng dư thừa, chất thải, phế liệu của mình và của các doanh nghiệp khác trong KCN để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh.
Các doanh nghiệp trong KCN được hợp tác với bên thứ ba để thực hiện cộng sinh công nghiệp. Bên thứ ba gồm nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN và doanh nghiệp khác thông qua cung cấp các công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung ứng dịch vụ hỗ trợ xây dựng và triển khai cộng sinh công nghiệp; Các bên tham gia tự thoả thuận hình thức hợp tác và chia sẻ lợi ích, chi phí theo quy định của pháp luật về dân sự.
Ban Quản lý KCN, KKT giao một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Quản lý hoặc một đơn vị phù hợp thực hiện chức năng xây dựng, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; đề xuất giải pháp và kết nối doanh nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp; cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi hoặc đầu tư mới khu công nghiệp sinh thái.
Các cơ quan, tổ chức và nhà đầu tư được khuyến khích xây dựng, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong KCN để hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp.
Ban Quản lý các KCN, KKT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trên địa bàn nhằm chứng nhận, theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái; cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin có liên quan vào hệ thống thông tin về KCN, KKT trên địa bàn và hệ thống thông tin quốc gia về KCN, KKT.
Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN đáp ứng các tiêu chí: Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về lao động trong vòng 03 năm trước thời điểm đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái;
Bảo đảm đầy đủ các dịch vụ cơ bản trong khu công nghiệp theo quy định của pháp luật bao gồm: dịch vụ hạ tầng thiết yếu và các dịch vụ có liên quan, hỗ trợ các doanh nghiệp trong KCN thực hiện cộng sinh công nghiệp.
Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giám sát đầu vào và đầu ra về sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu trong KCN; lập báo cáo định kỳ hằng năm về các kết quả đạt được trong sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và giám sát phát thải của KCN, báo cáo Ban Quản lý KCN, KKT.
Hằng năm, công bố báo cáo thực hiện bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh gửi Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và đăng trên website của doanh nghiệp.
Có giải pháp đảm bảo nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN là một trong các tiêu chí thực hiện dự án đầu tư KCN. |
Các doanh nghiệp trong KCN đáp ứng các tiêu chí sau: Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về lao động trong vòng 03 năm trước thời điểm đăng ký chứng nhận KCN sinh thái; Thực hiện ít nhất 01 cộng sinh công nghiệp và các doanh nghiệp tham gia cộng sinh công nghiệp trong KCN áp dụng hệ thống quản lý sản xuất và môi trường theo các tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) phù hợp. Tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn đạt kết quả tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu và giảm phát thải ra môi trường.
Các KCN đáp ứng các tiêu chí sau: Tỷ lệ tối thiểu tổng diện tích đất cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung trong khu công nghiệp đạt 25% trong quy hoạch xây dựng KCN được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.
Có giải pháp đảm bảo nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN.
Xây dựng mới KCN sinh thái: Chính phủ khuyến khích đầu tư mới KCN sinh thái thông qua quy hoạch xây dựng, thiết kế hợp lý các phân khu chức năng và định hướng thu hút các dự án đầu tư có ngành, nghề tương đồng để hỗ trợ thực hiện cộng sinh công nghiệp.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN sinh thái phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN sinh thái đăng ký ngành, nghề thu hút đầu tư vào KCN; dự kiến mức phát thải cho từng ngành, nghề; dự kiến phương án cộng sinh công nghiệp trong KCN, phương án xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát đầu vào, đầu ra của KCN về sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hoá chất, chất thải, phế liệu và phương án thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh tại hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN; cam kết đáp ứng các tiêu chí xác định KCN sinh thái quy định tại Điều 37 của Nghị định này trong vòng 08 năm kể từ thời điểm KCN được thành lập và xác định rõ lộ trình thực hiện;
Được cấp có thẩm quyền quy định loại hình KCN sinh thái trong Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để làm căn cứ kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Ưu đãi đối với KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN sinh thái được hưởng chính sách ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều 32 của Nghị định này. Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên vay vốn ưu đãi từ các quỹ, nhà tài trợ trong nước và quốc tế; được cấp tín dụng xanh tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài Việt Nam theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan; phát hành trái phiếu xanh theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu, pháp luật về bảo vệ môi trường để xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN sinh thái, thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và cộng sinh công nghiệp.
Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, chương trình xúc tiến đầu tư do các cơ quan nhà nước tổ chức, quản lý.
Doanh nghiệp trong KCN sinh thái được ưu tiên cung cấp thông tin có liên quan về thị trường công nghệ, khả năng hợp tác để thực hiện cộng sinh công nghiệp trong lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái được hưởng các ưu đãi theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan kể từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận là khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái. Chứng nhận KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái: KCN đáp ứng các tiêu chí xác định KCN sinh thái (quy định tại Điều 37 của Nghị định này) được UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận KCN sinh thái. Doanh nghiệp trong KCN sinh thái tham gia các hoạt động và đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 2 Điều 37 của Nghị định này được Ban Quản lý KCN, KKT cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp sinh thái.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết các mẫu văn bản đăng ký chứng nhận, Giấy chứng nhận KCN sinh thái và Giấy chứng nhận doanh nghiệp sinh thái.
Đăng ký chứng nhận doanh nghiệp sinh thái: Doanh nghiệp trong KCN sinh thái lập 05 bộ hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp sinh thái gửi Ban Quản lý KCN, KKT. Hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp sinh thái bao gồm: Văn bản đăng ký chứng nhận doanh nghiệp sinh thái; Báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong KCN sinh thái; Đánh giá và giải trình khả năng đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp sinh thái theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Nghị định này (kèm theo các tài liệu có liên quan); Các tài liệu khác có liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm môi trường, xã hội của doanh nghiệp (nếu có). Trường hợp kết quả đánh giá đạt yêu cầu, Ban quản lý KCN, KKT cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp sinh thái cho doanh nghiệp.Trường hợp kết quả đánh giá không đạt yêu cầu, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả đánh giá, Ban Quản lý KCN, KKT có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết và nêu rõ lý do không đạt yêu cầu.
Nghị định 35/2022/NĐ-CP với tính ưu việt đã được hoàn thiện trên cơ sở của các Nghị định trước đó (về quản lý các KCN, KKT), chắc chắn sẽ giúp cho việc xây dựng và phát triển KCN, KKT; nhất là việc xây dựng các mô hình KCN sinh thái, như một xu hướng tất yếu để thực hiện phương thức kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.