ISSN-2815-5823

Bài 2: Quan điểm về phát triển kinh tế tư nhân trong các kỳ Đại hội Đảng

(KDPT) - Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”. Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển; vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới.

Kinh tế tư nhân đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Trong đó, thuế và các khoản thu khác là nguồn thu ngân sách chính của Nhà nước nhằm đảm bảo các chi tiêu cho Chính phủ và các dịch vụ công, đồng thời thuế là công cụ của Nhà nước điều tiết sản xuất và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng giữa các loại hình kinh tế, ngược lại trách nhiệm của các đơn vị kinh tế hoạt động sản xuất kinh doanh phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, nguồn thu này tăng nhanh qua các năm đã tạo điều kiện cho địa phương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao an sinh xã hội.

Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, với sự nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhờ tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, xử lý nợ đọng thuế, nên tổng thu cân đối ngân sách nhà nước các năm gần đây đều vượt dự toán (năm 2016 vượt 11,5%; năm 2017 vượt 6,2%; năm 2018 vượt 8,5%; sơ bộ năm 2019 vượt 9,9%). Năm 2020, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 kết hợp với việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh đã ảnh hưởng đến công tác thu, chi NSNN.

Ảnh minh họa

Trong bảng xếp hạng do Bộ Tài chính công bố về 1.000 doanh nghiệp theo mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước năm 2018, các doanh nghiệp tư nhân trong nước chiếm 45,8% về số doanh nghiệp và 34,1% về số thuế đã nộp. Xu hướng tăng về đóng góp cho ngân sách của KTTN về cả tỷ trọng và số tuyệt đối đang tiếp tục được duy trì, giúp bù đắp cho sự sụt giảm nguồn thu từ dầu mỏ và từ thuế xuất nhập khẩu.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày một trở nên chủ động hơn trong các nỗ lực tự do hóa thương mại quốc tế và gia nhập tích cực hơn các hiệp định thương mại quốc tế và khu vực, cả trên cơ sở đa phương và song phương, nguồn thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu sẽ giảm trong những năm tới về cả số tuyệt đối và tỷ trọng. Ngoài ra, các nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế cũng đang được đẩy mạnh, các khoản thu ngân sách từ dầu mỏ, tài nguyên thiên nhiên sẽ giảm dần.

Quá trình thay đổi nhận thức, quan điểm về khu vực kinh tế tư nhân được thể hiện rõ trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng trong các kỳ Đại hội. Năm 1986 là dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của kinh tế tư nhân. Với chính sách Đổi mới (ban hành tại Đại hội Đảng lần thứ VI) chính thức công nhận kinh tế tư nhân là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và của nền kinh tế nhiều thành phần.

Đại hội VII đưa ra quan điểm rõ hơn: “Kinh tế tư nhân được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước”, “Mọi người được tự do kinh doanh theo pháp luật, được bảo hộ quyền sở hữu và thu nhập hợp pháp”, “Kinh tế tư bản tư nhân được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.”

Đại hội VIII khẳng định: “khuyến khích mọi doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước khai thác các tiềm năng, ra sức đầu tư phát triển, yên tâm làm ăn lâu dài, hợp pháp, có lợi cho quốc kế dân sinh, đối xử bình đẳng với mọi loại hình kinh tế trước pháp luật, không phân biệt sở hữu và hình thức kinh doanh”.

Đại hội IX đánh dấu một bước ngoặt trong quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân khi khẳng định kinh tế tư nhân là loại hình kinh tế có vị trí quan trọng lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được “khuyến khích phát triển không hạn chế về quy mô trong những ngành, nghề, lĩnh vực và địa bàn mà pháp luật không cấm”. Đại hội cũng đề ra những quan điểm về giải pháp “Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để kinh tế tư bản tư nhân phát triển trên những hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài; chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, bán cổ phần cho người lao động; liên doanh, liên kết với nhau, với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước.”

Đại hội X tiếp tục xác định: “Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các loại hình kinh tế khác cùng phát triển. Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế.”

Đại hội XI tiếp tục xác định phải: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế.”

Đại hội XII, quan điểm về phát triển kinh tế tư nhân đã được khẳng định với việc nâng tầm vai trò của kinh tế tư nhân: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Kế thừa các đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục làm rõ và sâu sắc hơn nhiều vấn đề mới về phát triển kinh tế tư nhân. Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân…”. Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển, vừa phát huy vai trò của loại hình kinh tế này trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới. Khẳng định vai trò, động lực quan trọng của loại hình kinh tế tư nhân trong hội nhập quốc tế. Kinh tế tư nhân đã góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh du lịch, khu đô thị, sản xuất ô tô, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ.

“Các báo cáo phân tích và dự báo thống kê năm 2022” do TS Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê chỉ đạo biên soạn. Trong đó, Báo cáo Kinh tế tư nhân: Thực trạng và tiềm năng phát triển đã đưa ra nhiều số liệu thống kê về kinh tế tư nhân, nêu bật vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam của kinh tế tư nhân.


Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 15/01/2025