Chuyển đổi sang phương tiện giao thông bền vững để giảm ô nhiễm không khí ở Việt Nam
Số liệu quan trắc cho thấy, vào ngày 2/1/2025, Hà Nội đứng thứ hai thế giới về mức độ ô nhiễm không khí, và đến ngày 7/1/2025, thành phố ở vị trí nhất thế giới với chỉ số AQI lên đến 461, mức độ nguy hiểm trực tiếp đối với sức khỏe cộng đồng. TP.HCM không ô nhiễm nghiêm trọng như Hà Nội, nhưng cũng ghi nhận chỉ số AQI trên 200 tại một số trạm quan trắc.
Nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm không khí tại hai thành phố là sự gia tăng không kiểm soát của phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, là nguồn phát thải chủ yếu của bụi mịn PM2.5 và khí nhà kính. Ô nhiễm không khí gây tác hại đến sức khỏe cộng đồng, gia tăng chi phí y tế và làm giảm chất lượng sống.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy mức ô nhiễm tại các đô thị lớn đã tăng nhanh trong 10 năm qua, đặc biệt là bụi mịn PM2.5, vượt xa giới hạn cho phép. Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội và TP.HCM đòi hỏi sự can thiệp khẩn cấp từ chính quyền và các biện pháp chính sách mạnh mẽ để kiểm soát nguồn phát thải và cải thiện chất lượng không khí. Việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông bền vững, như xe điện, cùng với các biện pháp quản lý môi trường nghiêm ngặt, là giải pháp cần thiết và cấp bách để giảm thiểu tác động tiêu cực từ ô nhiễm không khí.
1. Chính sách chuyển đổi sang phương tiện giao thông bền vững để giảm ô nhiễm không khí trên thế giới
Chính sách tín chỉ xe điện (Zero-Emission Vehicle - ZEV Credit System) đã và đang trở thành một công cụ quan trọng trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sự chuyển đổi sang các phương tiện giao thông bền vững, có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các quốc gia và khu vực trên thế giới đang hướng tới những mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Chính sách chuyển đổi sang phương tiện giao thông bền vững đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, bao gồm Liên minh Châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, nhằm khuyến khích các nhà sản xuất ô tô phát triển và sản xuất các phương tiện không phát thải, đồng thời giảm thiểu tác động của giao thông đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Liên minh Châu Âu (EU) bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về khí thải CO2 đối với xe chở khách từ năm 2009, đặt ra các mục tiêu giảm phát thải cụ thể qua các năm. EU đã đặt mục tiêu giảm lượng khí thải từ 130 gCO2/km năm 2015 xuống còn 95 gCO2/km năm 2020, và mục tiêu tiếp theo là đạt mức 68-78 gCO2/km năm 2025. EU cũng đặt ra các mục tiêu tiết kiệm nhiên liệu, với mục tiêu giảm tiêu thụ nhiên liệu từ 5.6l/100km năm 2015 xuống còn 4.1l/100km năm 2020 và đạt mức 2.9-3.3l/100km năm 2025. Trong giai đoạn 2000-2009, tỷ lệ giảm phát thải hàng năm của EU là 1,8%, trong khi giai đoạn 2009-2013 chứng kiến tỷ lệ giảm mạnh hơn, đạt 3,4%. Nhờ vào các chính sách nghiêm ngặt và triển khai mạnh mẽ, EU đã đạt được mục tiêu giảm phát thải năm 2013 và dự báo sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ giảm ổn định trong những năm tiếp theo.
Hoa Kỳ đã bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về tiết kiệm nhiên liệu và phát thải khí nhà kính (GHG) từ năm 1975. Mục tiêu của Hoa Kỳ là giảm lượng CO2 phát thải xuống còn 121gCO2/km năm 2020 và tiếp tục giảm xuống còn 93gCO2/km năm 2025. Mức tiết kiệm nhiên liệu tương ứng là 5.2l/100km năm 2020, giảm xuống còn 4.0l/100km năm 2025. Tỷ lệ giảm hàng năm của Hoa Kỳ trong giai đoạn từ 2000 đến 2013 là 1,9%. Nhờ sự phát triển của công nghệ mới và các chính sách bảo vệ môi trường, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì mục tiêu giảm phát thải CO2 trong những năm tới. Chính sách ZEV (Zero-Emission Vehicle) của Ủy ban Tài nguyên Không khí California (CARB) yêu cầu các nhà sản xuất ô tô bán ít nhất 22% xe không phát thải năm 2025, với mục tiêu đạt 100% năm 2035. Các khoản trợ cấp và ưu đãi thuế cho người tiêu dùng khi mua xe điện cũng được triển khai để thúc đẩy nhu cầu đối với các phương tiện xanh. Nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới Tesla đã tận dụng hệ thống tín chỉ ZEV để tạo ra doanh thu lớn, giúp công ty duy trì sự phát triển và gia nhập chỉ số S&P 500. Năm 2023, doanh thu từ tín chỉ xe điện của Tesla đã đạt đỉnh ở mức 1,79 tỷ USD, nâng tổng doanh thu từ tín chỉ xe điện của công ty từ năm 2009 lên 9 tỷ USD. Các công ty khác, như Chrysler, đã mua tín chỉ trị giá 2,4 tỷ USD, và một công ty tại châu Âu đã chi khoảng 2 tỷ euro trong giai đoạn 2019-2021.
Nhật Bản bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu từ năm 1985 và đã đạt được mục tiêu giảm phát thải CO2 năm 2011. Mục tiêu của Nhật Bản là đạt 125gCO2/km năm 2015 và giảm xuống còn 105gCO2/km năm 2020. Tương ứng, mức tiêu thụ nhiên liệu phải giảm từ 5.3l/100km xuống còn 4.5l/100km.
Tỷ lệ giảm hàng năm của Nhật Bản từ 2000 đến 2011 là 3.2%, một con số ấn tượng phản ánh sự nỗ lực trong việc áp dụng các công nghệ tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải.
Hàn Quốc đã bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu và khí nhà kính từ năm 2006, với mục tiêu giảm lượng phát thải CO2 xuống còn 153gCO2/km năm 2015 và tiết kiệm nhiên liệu ở mức 6.5l/100km. Tỷ lệ giảm hàng năm của Hàn Quốc từ 2003 đến 2011 đạt 4,0%, cho thấy một cam kết mạnh mẽ trong việc giảm thiểu tác động môi trường của phương tiện giao thông.
Trung Quốc bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu từ năm 2004, nhằm giảm phát thải từ 161gCO2/km năm 2015 xuống 117g CO2/km năm 2020. Mức tiết kiệm nhiên liệu giảm từ 6.9 l/100km xuống còn 5.0l/100km. Tỷ lệ giảm hàng năm của Trung Quốc từ 2002 đến 2012 là 2,1%.
Ấn Độ bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về lượng khí thải CO2 từ năm 2016, với mục tiêu đạt 130gCO2/km năm 2016 và giảm xuống 113gCO2/km năm 2021. Mức tiết kiệm nhiên liệu tương đương là 5.6l/100km năm 2016, giảm xuống 4.8l/100km năm 2021. Tỷ lệ giảm hàng năm từ 2006 đến 2012 là 1,9%.
Canada đã áp dụng các tiêu chuẩn khí nhà kính từ năm 2011, nhằm giảm phát thải từ 147gCO2/km năm 2016 xuống 93gCO2/km năm 2025. Mức tiết kiệm nhiên liệu phải giảm từ 6.3l/100km xuống còn 4.0l/100km. Tỷ lệ giảm hàng năm từ 2000 đến 2013 là 1,3%.
Mexico đã bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về tiết kiệm nhiên liệu và khí nhà kính từ năm 2012, với mục tiêu đạt 153gCO2/km năm 2016 và mức tiết kiệm nhiên liệu là 6.5l/100km. Tỷ lệ giảm hàng năm của Mexico từ 2008 đến 2011 là 2,6%.
2. Chính sách phạt đối với hãng sản xuất xe hơi không tuân thủ chuyển đổi sang phương tiện giao thông bền vững
Chính sách ZEV được áp dụng nghiêm ngặt đối với các nhà sản xuất ô tô, đồng thời triển khai mạnh mẽ các khoản trợ cấp cho người tiêu dùng khi mua xe điện. Trung Quốc hiện là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, với mục tiêu chiếm 20% doanh số xe mới từ các phương tiện năng lượng mới (NEV) năm 2025, nhằm giảm phát thải khí nhà kính và tạo cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp xe điện. Vương quốc Anh, Úc và Nhật Bản cũng đã áp dụng các chính sách tương tự, với mục tiêu đạt được trung hòa khí hậu vào giữa thế kỷ XXI. Vương quốc Anh, trong Chiến lược Net Zero 2021, cam kết cấm bán xe chạy xăng và diesel mới từ năm 2035, đồng thời khuyến khích phát triển các phương tiện không phát thải. Tại Úc, tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng cho xe mới, áp dụng từ năm 2025, là 210 gCO₂/km, giảm xuống còn 110 gCO₂/km năm 2029 đối với xe thương mại hạng nhẹ. Các mức phạt được áp dụng là 100 AUD cho mỗi gCO₂/km vượt quá mức quy định, nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang xe điện và các phương tiện giao thông bền vững.
Tại Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, các hình phạt tài chính được áp dụng đối với các nhà sản xuất ô tô không đạt được mục tiêu khí thải CO2, với mức phạt dựa trên mỗi đơn vị vượt quá mục tiêu (gCO2 trên mỗi km hoặc dặm), nhân với số lượng xe không tuân thủ do nhà sản xuất bán ra. Mức phạt được áp dụng cho mỗi xe mới bán ra vượt qua mục tiêu tiết kiệm nhiên liệu và khí nhà kính tại Hoa Kỳ là 5,50 đô la Mỹ cho mỗi 1/10mpg của mỗi xe. Các nhà sản xuất sử dụng tín chỉ carbon, chuyển tiếp hoặc chuyển ngược lại trong vòng 5 năm để bù trừ cho khoản thâm hụt. Mức phạt của Tại Liên minh châu Âu là 95 € cho mỗi gam CO2/km vượt quá tiêu chuẩn, tính theo tổng số xe bán ra. Các nhà sản xuất cũng có thể hợp tác để đạt được mục tiêu chung và được phép sử dụng các sáng kiến sinh thái như đèn LED hoặc hệ thống pin cải tiến để giảm lượng khí thải CO2.
Hình phạt tài chính tại Nhật Bản là 1 triệu Yên (khoảng 10.800 đô la), không phụ thuộc vào mức độ không tuân thủ. Các nhà cung cấp cũng buộc phải công khai rằng họ đã không đạt được mục tiêu. Tại Trung Quốc, không có hình phạt tài chính trực tiếp. Các nhà sản xuất bị phạt bằng cách mất đi sự linh hoạt trong việc tuân thủ trong tương lai. Nếu một nhà sản xuất không đạt được mục tiêu trung bình của công ty, các mẫu xe không đạt tiêu chuẩn sẽ không được bán năm tiếp theo. Giống như ở Nhật Bản, các nhà cung cấp ở Trung Quốc cũng được yêu cầu phải công khai thông báo về việc không tuân thủ.
Các quốc gia đều có những cơ chế linh hoạt như ngân hàng tín chỉ, chuyển tín chỉ từ năm này sang năm khác để giúp các nhà sản xuất có thêm thời gian điều chỉnh, nhưng cũng có các hình thức xử lý nghiêm khắc đối với việc không tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường. Những biện pháp giảm phát thải khí nhà kính thúc đẩy sự phát triển của công nghệ xe tiết kiệm năng lượng và không phát thải. Các quốc gia trên thế giới đều có những bước tiến đáng kể trong việc giảm lượng khí thải CO2 và tiết kiệm nhiên liệu đối với xe chở khách. Mức độ thành công và tỷ lệ giảm hàng năm lại khác nhau tùy theo các điều kiện kinh tế, công nghệ và chính sách của từng quốc gia.
Trong khi EU và Nhật Bản đã đạt được các mục tiêu quan trọng từ sớm, các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các tiêu chuẩn và thực hiện các mục tiêu dài hạn. Các tiêu chuẩn góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành ô tô toàn cầu.
Chính sách tín chỉ xe điện là một công cụ quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ xe không phát thải và hỗ trợ chuyển đổi ngành giao thông sang bền vững. Các quốc gia và khu vực trên thế giới đang tích cực triển khai các chính sách giảm phát thải để đạt được mục tiêu khí hậu và xây dựng một tương lai giao thông sạch và bền vững.
Việc áp dụng cơ chế tín chỉ xe điện tại Việt Nam sẽ khuyến khích việc sử dụng xe điện, từ đó giảm ô nhiễm không khí, đặc biệt là giảm lượng khí thải CO₂ và PM2.5, đóng góp vào việc cải thiện chất lượng không khí ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Cơ chế tín chỉ tạo động lực cho ngành công nghiệp ô tô xanh phát triển, và thu hút đầu tư, tạo ra việc làm và nâng cao năng lực công nghệ trong nước. Các doanh nghiệp có thể giảm gánh nặng tài chính thông qua việc mua tín chỉ để đạt tiêu chuẩn phát thải, đồng thời tận dụng tín chỉ để tăng doanh thu. Việt Nam cần cải thiện hạ tầng trạm sạc xe điện, giảm giá thành xe điện và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng thông qua các chiến dịch tuyên truyền và hỗ trợ tài chính. Chính sách tín chỉ xe điện giúp bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành ô tô xanh tại Việt Nam./.
- Giao thông xanh là giải pháp giúp giải bài toán ô nhiễm không khí trầm trọng hiện nay
- Xanh SM công bố hợp tác với 9 đối tác lớn tại Indonesia về giao thông xanh bền vững
- Phát triển giao thông xanh gắn liền với xây dựng kinh tế xanh