Đổi mới sáng tạo Thủ đô tạo dựng hệ sinh thái kinh doanh bền vững
Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy để bắt kịp xu thế công nghệ
Tại hội nghị "Đổi mới sáng tạo Thủ đô tạo dựng hệ sinh thái kinh doanh bền vững" ngày 9/1 tại Hà Nội, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, sau khi tham gia chương trình đào tạo tại Thâm Quyến (Trung Quốc) trong khuôn khổ chương trình VIET Startup INTERchange do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội tổ chức, doanh nghiệp nhận thấy sự khác biệt rõ rệt trong cách doanh nghiệp lớn tại Thâm Quyến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.
"Ở Việt Nam, các gói thầu nhỏ chỉ vài trăm triệu đồng cũng rơi vào tay doanh nghiệp lớn, khiến doanh nghiệp nhỏ không có 'cửa' tham gia. Trong khi đó, tại Thâm Quyến, các doanh nghiệp lớn không chỉ tạo các hub hỗ trợ mà còn xây dựng hệ sinh thái để cùng phát triển, thậm chí cùng nhau vươn ra thị trường quốc tế".
Việc doanh nghiệp lớn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là yếu tố cốt lõi để tạo ra nền kinh tế phát triển bền vững.
"Các doanh nghiệp lớn cần thay đổi tư duy, cùng với đó, cơ quan làm chính sách cần bảo đảm môi trường cạnh tranh sòng phẳng để doanh nghiệp nhỏ có đất thể hiện và tận dụng cơ hội mới".
Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận, dù chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đã được xây dựng khá toàn diện, việc thực thi còn gặp nhiều vướng mắc.
"Chúng tôi nhận thấy các nghị quyết rất hay, nhưng trên thực tế, nhiều nội dung vẫn còn trên giấy. Doanh nghiệp nhỏ vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là những vấn đề như thuế, mặt bằng sản xuất, và chuyển đổi số", bà Thủy đánh giá.
"Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ còn gặp nhiều hạn chế như chậm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đối tượng vay vốn từ Quỹ Phát triển DNNVV còn hẹp. Tiêu chí xác định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn phức tạp, khó áp dụng. Cơ chế đấu thầu sử dụng ngân sách nhà nước chưa thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận hỗ trợ", bà Thủy cho biết thêm.
Đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo
Để tháo gỡ các vướng mắc, bà Thủy kiến nghị triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo qua Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và các trung tâm hỗ trợ địa phương. Bổ sung chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp từ các khoản góp vốn, chuyển nhượng vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Trong khi đó, ông Lê Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nhấn mạnh, để đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển, cần xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh bền vững, nơi các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ sở đào tạo và chính quyền phối hợp chặt chẽ.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đề xuất xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ cao để hỗ trợ doanh nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.
"Hà Nội cần mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài, học hỏi kinh nghiệm thu hút nguồn nhân lực, đầu tư quốc tế nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững. Luật Thủ đô sửa đổi mới được thông qua sẽ tạo bước đột phá, tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế quản lý khoa học, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong các môi trường như viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp", ông Hiếu cho biết thêm.
"Đổi mới sáng tạo không chỉ cần sự nỗ lực của doanh nghiệp mà còn đòi hỏi sự đồng hành từ chính quyền và cộng đồng để tạo nên một hệ sinh thái kinh doanh bền vững, nơi doanh nghiệp lớn và nhỏ cùng phát triển", đại diện Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội nhấn mạnh.
Đại diện Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội cam kết, trong năm 2025 sẽ tiếp tụ đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và tham mưu cho UBND TP Hà Nội ban hành các chính sách thiết thực hơn./.
- Doanh nghiệp dệt may Việt Nam nỗ lực xanh hóa: Trong nguy có cơ
- Doanh nghiệp đau đầu khi nhân sự chưa thực sự "hiểu" được trí tuệ nhân tạo (AI)