Bài toán nhân lực công nghệ cao và hướng giải quyết của doanh nghiệp
Cần nhân tài trong lĩnh vực công nghệ cao hiện nay
Tại Hội nghị Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tổ chức mới đây, ông Vũ Mạnh Cường - Giám đốc NVIDIA Việt Nam cho biết, Việt Nam đang khan hiếm nhân lực AI ở mọi cấp độ, trong nhiều công đoạn, như khoa học dữ liệu, kỹ sư vận hành AI…
Bên cạnh đó, khi AI đi vào các chuyên ngành, như sinh học, y học, ngân hàng, viễn thông…, Việt Nam lại cần nhiều hơn các nhà khoa học dữ liệu, khoa học chuyên ngành để có thể ứng dụng AI. Do đó, Việt Nam sẽ cần tới số lượng hàng trăm ngàn kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực AI trong vòng 3 năm tới.
Theo ông Huỳnh Quang Liêm - Tổng giám đốc VNPT, VNPT đang có khoảng 200 kỹ sư, chuyên gia AI. Tập đoàn này đã có sản phẩm lọt vào Top 10 của thế giới. Tới đây, VNPT sẽ công bố nền tảng AI mở 100% của Việt Nam, đủ tầm cạnh tranh về trí tuệ nhân tạo với các doanh nghiệp trên thế giới.

VNPT hướng đến trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu của Việt Nam và đạt trình độ khu vực, quốc tế, có khả năng xuất khẩu được công nghệ và sản phẩm AI. Để đạt được mục tiêu đột phá đó, cần cơ chế và nguồn nhân lực. VNPT cần hàng ngàn nhân tài, nhân lực trong 1-2 năm. Đây cũng là thách thức cho cơ chế, cho đầu tư về nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của một doanh nghiệp nhà nước. Ông Liêm nói.
“Việt Nam được chọn trở thành trung tâm bán dẫn và AI là tương lai của thế giới. Nếu đào tạo được một triệu kỹ sư AI, Việt Nam sẽ thuộc nhóm quốc gia tiên tiến”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT chia sẻ.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nguồn cung nhân lực chuyên môn cao của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu các ngành công nghiệp công nghệ, thiếu kỹ sư ngành bán dẫn. Ngành công nghiệp công nghệ cao đòi hỏi tỷ lệ cao hơn lao động có trình độ đại học và được đào tạo trong các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), có thể cao gấp hai lần so với các ngành nghề khác.
Cần cái bắt tay giữa các trường đại học và doanh nghiệp
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, muốn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thì phải có nhân lực chất lượng cao. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao của các trường đại học, thì cần thu hút nghiên cứu, cần nhà nước, doanh nghiệp đặt hàng trường đại học và trường đại học phải trở thành trung tâm nghiên cứu. Để làm được việc này, trường đại học cần có “thỏi nam châm” để hút nghiên cứu. “Thỏi nam châm” đó là các phòng thí nghiệm mà các doanh nghiệp không đủ sức đầu tư, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các trường đại học hợp tác các doanh nghiệp để xây dựng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp là rất cần thiết. Đồng thời, cũng cần cập nhật chương trình giảng dạy ngành công nghiệp mới nổi, những ngành công nghiệp lõi, mũi nhọn cho các lĩnh vực công nghệ cao.
Là một trong những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp và kiểm định các sản phẩm chip máy tính để xuất khẩu và nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực thông tin kỹ thuật cao, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam nhận thấy có rất nhiều thuận lợi khi đầu tư vào Việt Nam, kể từ năm 2006.

Để phát triển nhiều hơn nữa trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp bán dẫn, đại diện của công ty cho rằng nguồn nhân lực luôn là ưu tiên của Intel. Intel nhận thấy rằng, sự hợp tác giữa nhà trường, Nhà nước và doanh nghiệp là một ưu tiên mà các trường cần tập trung, cũng như phát triển giáo trình đào tạo phù hợp với sự phát triển rất nhanh của ngành công nghệ.
Thời gian qua, các trường đại học đã tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong đào tạo nguồn nhân lực ở các lĩnh vực công nghệ cao. Mới đây, các trường đại học như: Bách khoa, Công nghệ thông tin, Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; Lạc Hồng (Đồng Nai); Việt Đức (Bình Dương) đã cử các giảng viên đến Công ty Synopsys Việt Nam tìm hiểu, học tập về phát triển đào tạo vi mạch chuyên nghiệp. Synopsys Việt Nam là một trong các chi nhánh của Tập đoàn Synopsys, trụ sở đặt tại Thung lũng Silicon, Mỹ; có hơn 37 năm kinh nghiệm trong ngành vi mạch bán dẫn, doanh thu đạt hơn 6 tỷ USD năm 2023.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, đơn vị đã xác định ba mũi nhọn về đào tạo và nghiên cứu cho các ngành công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo.
Về đào tạo, chiến lược xác định sẽ đào tạo được 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ thiết kế vi mạch, đào tạo và cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư; đồng thời, đào tạo 10 nghìn kỹ sư, cử nhân, 3.200 thạc sĩ và 600 tiến sĩ ngành công nghệ sinh học và một số nhóm ngành liên quan; đào tạo 20 nghìn cử nhân, kỹ sư; 2.000 thạc sĩ, 300 tiến sĩ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
Về nghiên cứu, xác định sẽ làm chủ một số công nghệ lõi, công nghệ nền trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, và hình thành một số doanh nghiệp khởi nguồn, khởi nghiệp trong các lĩnh vực này./.
- Google mong muốn phát triển và khai thác tiềm năng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam
- Doanh nghiệp công nghệ và cơ hội đầu tư trí tuệ nhân tạo (AI) vào Việt Nam