ISSN-2815-5823

Bản tin kinh tế - tài chính ngày 2/12: Vị khách sộp chiếm 67% doanh thu phốt pho vàng của Đức Giang đang làm thương vụ "khủng" với Vingroup, Masan...

(KDPT) - Vị khách sộp chiếm 67% doanh thu phốt pho vàng của Đức Giang: Đang làm thương vụ "khủng" với Vingroup, Masan, "tay chơi" nhiệt điện và ô tô sừng sỏ; Một "đại" siêu thị ở Hà Nội đổi tên sau 20 năm; Được Quốc hội chấp thuận chủ trương, Vietcombank chuẩn bị trả cổ tức gần 50%... là những thông tin quan trọng trong bản tin kinh tế - tài chính ngày hôm nay (2/12).

Vị khách sộp chiếm 67% doanh thu phốt pho vàng của Đức Giang: Đang làm thương vụ "khủng" với Vingroup, Masan...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) tiết lộ, trong 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng bán phốt pho vàng mà CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) bán cho Mitsubishi (Nhật Bản) đã tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Mitsubishi hiện chiếm đến 67% doanh thu xuất khẩu phốt pho vàng của Hóa chất Đức Giang.

Là một trong những tập đoàn lớn nhất tại Nhật Bản, Mitsubishi Corporation đã triển khai các hoạt động kinh doanh thông qua mạng lưới toàn cầu bao gồm khoảng 1.300 công ty.

Tại Việt Nam, Tập đoàn này đã thực hiện nhiều thương vụ lớn.

Đơn cử, ngày 14/5/2024, Masan High-Tech Materials (MHT - mã CK: MSR) công bố đạt Thỏa thuận khung với Mitsubishi Materials Corporation Group (MMC). MMC Group dự kiến sẽ mua 100% H.C. Starck Holding (HCS) từ MHT. HCS là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Masan High Tech Materials, là nhà sản xuất bột vonfram chất lượng cao.

Sau khi công bố Thỏa thuận khung, MMC đã bán ra hơn 109,9 triệu cổ phiếu MSR (tỷ lệ 10%) đang nắm giữ vào ngày 30/5.

Mitsubishi được thành lập bởi ông Yataro Iwasaki như một công ty vận tải biển vào năm 1870 với tên gọi Tsukumo Shokai. Tên công ty mới được đổi thành Mitsukawa Shokai vào năm 1872 và Mitsubishi Shokai vào năm 1874.

Mitsubishi Corporation hiện có 8 nhóm kinh doanh hoạt động trong hầu hết mọi ngành: Năng lượng môi trường, giải pháp vật liệu, tài nguyên khoáng sản, phát triển đô thị & cơ sở hạ tầng, di động, công nghiệp thực phẩm, sáng tạo cuộc sống thông minh và giải pháp năng lượng.

Mitsubishi từng đầu tư vào 2 dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 (công suất 1.330 MW) và Vĩnh Tân 3 (công suất 1.980 MW) tại Việt Nam. Năm 2021, theo Nikkei Asia, Mitsubishi đã quyết định rút khỏi dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3. Mitsubishi cũng đã bán 15% cổ phần nhà máy Nhiệt điện than Vũng Áng II cho Công ty TNHH Điện lực Shikoku của Nhật Bản.

Theo báo cáo thường niên năm 2024 của Mitsubishi, Công ty nắm giữ 51% quyền biểu quyết trong Công ty TNHH DRI-GP2 (một công ty Nhật Bản), đầu tư vào dự án phát triển đô thị Grand Park Giai đoạn 3 ở ngoại ô TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam. Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Nomura nắm giữ 49% quyền sở hữu còn lại.

Trước đó, Mitsubishi và Nomura Real Estate đã mua lại 80% trong Giai đoạn 2 của Dự án Vinhomes Grand Park, ​​bao gồm 26 ha và hơn 10.000 căn hộ chung cư. 

Con trai thứ 2 của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đón tiếp Tổng thống Bulgaria thăm nhà máy VinFast

Chiều 26/11, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev cùng phái đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Tổ hợp Nhà máy VinFast Hải Phòng. Đây là sự kiện quan trọng, tiếp tục khẳng định tầm vóc của VinFast trong lĩnh vực công nghiệp xanh và vai trò của Việt Nam trên bản đồ sản xuất ô tô điện toàn cầu.

Tại Nhà máy VinFast, Tổng thống Radev bày tỏ sự ấn tượng với những thành tựu mà hãng xe Việt Nam đạt được trong thời gian ngắn. Ông đánh giá cao chất lượng và tiềm năng phát triển của xe điện VinFast tại thị trường châu Âu, xem đây là minh chứng rõ ràng cho sự phát triển vượt bậc của kinh tế và công nghệ Việt Nam. Tổng thống cũng dành thời gian tham quan các xưởng sản xuất, tìm hiểu quy trình hiện đại tại tổ hợp nhà máy.

Nhấn mạnh thế mạnh của Bulgaria trong sản xuất linh kiện, cảm biến và hệ điều hành thông minh cho xe điện, Tổng thống Radev đã mời VinFast nghiên cứu khả năng hợp tác đầu tư tại Bulgaria. Ông gợi ý các hướng hợp tác bao gồm bán xe tại thị trường này, đặt cơ sở sản xuất linh kiện, phát triển phần mềm cho ô tô điện hoặc thậm chí sản xuất xe tại Bulgaria theo tiêu chuẩn châu Âu. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, ông Nguyễn Việt Quang, khẳng định VinFast sẽ nghiêm túc nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Bulgaria.

Đón tiếp Tổng thống Bulgaria tại nhà máy VinFast Hải Phòng có sự tham gia của ông Phạm Nhật Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty FGF. Doanh nhân trẻ này là con trai thứ 2 của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ông từng giữ vai trò Giám đốc Marketing toàn cầu của VinFast và chủ trì nhiều chiến dịch ra mắt tại các thị trường trọng điểm.

Một "đại" siêu thị ở Hà Nội đổi tên sau 20 năm

Big C Thăng Long, một thành viên của Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã chính thức chuyển đổi thành GO! Thăng Long từ ngày 30/11

Việc chuyển đổi nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm gắn với những trải nghiệm của khách hàng, đồng thời đảm bảo tiêu chí giá luôn luôn rẻ hơn.

Trung tâm thương mại Big C Thăng Long là siêu thị bán lẻ được xây dựng với diện tích 12.000 m2 và tổng vốn đầu tư 12 triệu USD, chính thức ra mắt vào tháng 1/2005.

Cũng trong tối ngày 30/11, Lễ hội "Đặc sản Việt cho Tết Việt" đã chính thức được khai mạc tại siêu thị GO! Thăng Long, Hà Nội.

Lễ hội "Đặc sản Việt cho Tết Việt" sẽ diễn ra liên tục đến hết ngày 11/12/2024 tại tất cả các siêu thị GO!, Big C, Tops Market trên toàn quốc; đem đến cho người tiêu dùng cơ hội trải nghiệm mua sắm đậm chất Tết cổ truyền, thông qua Lễ hội kẹo, Lễ hội đồ khô, cho tới Lễ hội Nông sản Việt...

Cụ thể, Chương trình áp dụng khuyến mãi hấp dẫn đến 49% đối với gần 100 sản phẩm đặc sản đến từ khắp các vùng miền trên cả nước như: Thịt trâu sấy gác bếp, thịt heo sấy gác bếp, khô bò, khô trâu, măng khô (Tây Bắc); phở khô, miến dong đặc biệt, bún gạo ngũ sắc, các loại gạo đặc sản, đậu xanh tách vỏ (Hà Nội); Mực rim me, ghẹ sữa rim, cá chỉ vàng sốt chua ngọt (miền Trung); kẹo dừa 9 vị (Bến Tre), bánh phồng tôm (Cà Mau)...

Được Quốc hội chấp thuận chủ trương, Vietcombank chuẩn bị trả cổ tức gần 50%

Chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tại nghị quyết, Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của ngân hàng.

Với việc được Quốc hội thông qua chủ trương, Vietcombank có thể sớm phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng (gồm cả vốn của Nhà nước và cổ đông khác), tương ứng với tỷ lệ chi trả 49,5%. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ đạt 83.557 tỷ đồng -  dự kiến đứng đầu hệ thống ngân hàng.

Với vai trò là trụ cột của hệ thống, góp phần hỗ trợ thực hiện các chính sách của Nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế, Vietcombank hiện rất cần tăng vốn để giữ vững vai trò dẫn dắt hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, vì đặc thù hoạt động, quá trình tăng vốn của ngân hàng này cần phải được NHNN, Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội phê duyệt. Thêm nữa, việc này phải đi xin từng năm, theo trình tự khiến cho thời gian phê duyệt bị kéo dài./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/12/2024