Bản tin kinh tế 17/10: NHNN ngỏ ý mời nhà đầu tư nước ngoài xử lý ngân hàng yếu kém
Thị trường bất động sản liệu có “vượt dốc”? |
Ngân hàng Nhà nước ngỏ ý mời nhà đầu tư nước ngoài xử lý ngân hàng yếu kém
Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mới đây, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bày tỏ hoan nghênh nếu các nhà đầu tư nước ngoài tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém. Tại hội nghị, ông Minh Đỗ, Giám đốc Quốc gia Quỹ đầu tư Warburg Pincus, kiến nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ vấn đề huy động vốn cho các ngân hàng Việt Nam để duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cần thiết bằng cách tăng giới hạn sở hữu nước ngoài.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Về vấn đề này, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhắc lại quy định hiện hành cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 30% một tổ chức tín dụng trong nước.
“Ngân hàng Nhà nước cũng đang cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong nước, ưu tiên nâng sở hữu cho nhà đầu tư có thể giúp đỡ ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, xử lý theo hướng làm mới. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào việc xử lý các ngân hàng yếu kém”, ông Hà nói.
Ngân sách còn hơn 70.000 tỷ đồng chưa phân bổ
Sáng 17/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, địa phương. Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tồn đọng hơn 70.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước năm 2023 chưa phân bổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nguyên nhân là do các bộ, ngành chậm trình cấp có thẩm quyền; chậm ban hành định mức kỹ thuật và chậm hoàn thành các thủ tục giải ngân.
Lý giải nguyên nhân chậm phân bổ dự toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Do các bộ ngành chậm trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách bổ sung. Chẳng hạn như kinh phí thực hiện hỗ trợ cho sinh viên sư phạm, theo Nghị định 116 năm 2020, vì chưa tổng hợp được nên giờ mới phân bổ.
Dự báo khan hiếm nguồn cung nhà xưởng
Các chuyên gia dự báo, trong 2 năm tới, giá thuê đất công nghiệp vẫn còn dư địa tăng trên địa bàn toàn quốc. Dự kiến, giá thuê sẽ tăng ở ngưỡng 6-10%/năm tại khu vực phía Bắc và 4-8%/năm tại khu vực phía Nam. Theo khảo sát cho thấy, nhu cầu khả quan tới từ nhiều nhóm ngành và nhiều quốc tịch thuê giúp thúc đẩy giá thuê tăng trưởng tại nhiều địa phương. Cùng đó, giá thuê kho xưởng xây sẵn dự báo tăng nhẹ từ 2-4%/năm trong hai năm tới. Các dự án mới với thông số kỹ thuật tốt và vị trí thuận tiện sẽ có mức giá thuê cao hơn trung bình thị trường. Trong 3 quý của năm 2023, khách thuê tới từ Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu là những nhà đầu tư tích cực tìm kiếm đất công nghiệp và kho xưởng tại thị trường Việt Nam; chiếm khoảng 70-80% số lượng hỏi thuê tới CBRE tại cả khu vực phía Nam và phía Bắc.
Đề xuất tăng giá vé xe buýt
Sau 10 năm ổn định giá, mới đây Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho tăng giá vé xe buýt từ ngày 1/1/2024 với mức tăng 1.000-11.000 đồng/vé lượt, tùy theo cự ly từng tuyến.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện Hà Nội có 154 tuyến xe buýt đang khai thác, trong đó có 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến city tour. Số xe buýt được trợ giá là 2.034 xe với 277 xe sử dụng năng lượng sạch. Trong đó ngân sách TP. Hà Nội hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể; miễn tiền vé với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.
Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến 30/6/2024
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo Bộ Tài chính, cần thiết tiếp tục ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng vì sau thời gian dài chống chịu với đại dịch COVID-19, doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn (số doanh nghiệp ra khỏi thị trường hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 19,9% so với 9 tháng đầu năm 2022); tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu giảm 13,8%, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán năm.
Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.
HƯƠNG GIANG