Bản tin kinh tế 24/10: Bitcoin tăng lên mức cao nhất hơn một năm qua
Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trong nước |
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất tiếp tục giao Chính phủ triển khai hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, tiếp tục giao Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Đồng thời cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đến hết năm 2024. Tuy nhiên, một số chính sách đã hết thời gian thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực nhưng cần tiếp tục triển khai, một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình còn chậm, có khả năng không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra của chính sách.
Báo cáo kết quả thực hiện các chính sách theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đạt 44.458 tỉ đồng, đạt 90% kế hoạch.
Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trong nước
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư 12/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 06/2013/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước.
Cụ thể, Thông tư 12/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 14 quy định về thông báo kết quả giao dịch mua, bán vàng miếng nêu rõ, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thông báo bằng văn bản cho Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Tài chính - Kế toán, Sở Giao dịch và Cục Phát hành và Kho quỹ về kết quả giao dịch mua, bán vàng miếng với từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp sau khi ký xác nhận giao dịch. Bên cạnh đó, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước làm đầu mối, phối hợp với Sở Giao dịch thực hiện nghiệp vụ thanh toán mua, bán vàng miếng; Thông báo bằng văn bản cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp về việc không hoàn trả tiền đặt cọc; Thông báo và cập nhật cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Quản lý ngoại hối về danh sách tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước.
Hải quan phát hiện hơn 200 lô hàng lợi dụng thông quan để buôn lậu
Trong 9 tháng của năm 2023, cơ quan hải quan phát hiện 229 lô hàng luồng xanh, vàng vi phạm, đã xử phạt, truy thu thuế hơn 100 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Hải quan, trung bình mỗi năm số lượng tờ khai luồng xanh đạt khoảng 7-8 triệu tờ và được phân luồng trên hệ thống thông quan điện tử, chiếm tỷ trọng lớn trên 66%. Nhờ đó, thời gian thông quan cho tờ khai luồng xanh rất nhanh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Trước thực trạng này, Tổng cục Hải quan triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát việc lợi dụng tờ khai luồng xanh hòng gian lận đối với các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Phân tích về cải cách chính sách tiền lương
Ngày 24/10, thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ - Phạm Thị Thanh Trà , đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã phân tích cải cách tiền lương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết để thực hiện chính sách cải cách tiền lương là sự nỗ lực vượt bậc của tất cả các cấp, các ngành. Nếu không, sẽ không thể có nguồn lực cho cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, sẽ có 36 đơn vị của một số ngành không còn được hưởng chính sách lương đặc thù. Nếu xây dựng bảng lương chạy ngang, một số cơ quan có thể bị giảm 50% lương. Theo tinh thần Nghị quyết 27, những cơ quan có bảng lương đặc thù sẽ được bảo lưu (không tăng thêm). Như vậy để hướng đến sự công bằng với người hưởng lương. Bộ trưởng cho hay, nguồn lực chuẩn bị cải cách tiền lương mới thực hiện từ 1/7/2024, sau năm 2024 tiếp tục tăng 7% để bù trượt giá và tăng GDP và đảm bảo đến năm 2026. Sau năm 2026, nếu không nỗ lực, khó thực hiện tiếp.
Bitcoin tăng lên mức cao nhất hơn một năm qua
Bitcoin tăng 10% lên mức cao nhất một năm rưỡi qua sau tin tức về khả năng quỹ ETF về tiền số sẽ sớm được chấp thuận. Tiền số lớn nhất thế giới gần như tăng dựng đứng trong phiên giao dịch ngày 23/10. Từ thị giá trên 33.200 USD, đồng tiền này đã vọt lên hơn 33.600 USD một đơn vị, tính đến khoảng 8h sáng nay (24/10). Có thời điểm, Bitcoin chạm mốc 35.000 USD.
Chỉ sau một đêm, tiền số này tăng 10% và đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2022. Đây là vùng giá phổ biến của Bitcoin trước khi xuất hiện chuỗi khủng hoảng của Terra-Luna, Three Arrows Capital, Genesis và FTX. Các loại tiền số có vốn hóa nhỏ hơn cũng ghi nhận diễn biến tích cực. Ether tăng 6%, đạt mức cao nhất trong hai tháng và vượt qua mức trung bình động 200 ngày. Binance Coin và XRP cùng tăng quanh 5%.
HƯƠNG GIANG