Bản tin kinh tế 28/9: Giá vàng thế giới xuống đáy 6 tháng khi đồng USD tăng không nghỉ
Đánh giá đúng mức cả điểm sáng và hạn chế của nền kinh tế |
Giá vàng thế giới xuống đáy 6 tháng khi đồng USD tăng không nghỉ
Tỷ giá đồng USD tăng mạnh đang gây áp lực giảm lớn lên giá vàng, khiến giá kim loại quý này không giữ được mốc chủ chốt 1.900 USD/oz và rớt xuống mức thấp nhất hơn 6 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ tư. Sáng nay (28/9), giá vàng miếng trong nước hầu như không giảm, khiến chênh lệch với giá thế giới vượt 13 triệu đồng/lượng.
Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, cùng với đà tăng liên tục của tỷ giá USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, đã gây áp lực giảm mạnh lên vàng trong suốt tháng 9 này. Tính từ đầu tháng, giá kim loại quý này đã giảm 3,8%. Những mối lo về triển vọng có phần xấu đi về kinh tế Mỹ và xu hướng bán tháo trên thị trường chứng khoán Phố Wall vẫn không đủ để giá vàng phát huy vai trò kênh đầu tư an toàn.
Đề xuất áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024
Sáng 28/9, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã khởi xướng và được G20 thông qua sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận. Theo đó, có hai trụ cột được thực hiện, trong đó trụ cột 2 đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Việt Nam ủng hộ và chủ động áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp nộp bổ sung thuế tại Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam vững vàng khi nhu cầu toàn cầu suy yếu
Ngày 27/9, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 9/2023. Theo Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, môi trường bên ngoài yếu đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam, làm thu hẹp sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại.
Hà Nội lập quy hoạch chi tiết cải tạo lại khu tập thể Trung Tự
TP. Hà Nội vừa duyệt dự toán chi phí hơn 800 triệu đồng để lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể Trung Tự và phụ cận. Theo UBND TP, tại Quyết định 2614/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở Hà Nội năm 2023 ban hành mới đây, Hà Nội chủ trương sẽ thúc đẩy công tác phát triển nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn năm 2023.
Phạm vi lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính phường Trung Tự và vùng lân cận, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, với quy mô 11 ha; được giới hạn bởi phía Đông Bắc giáp khu dân cư hiện hữu, phía Đông Nam giáp phố Phạm Ngọc Thạch, phía Tây Bắc và Tây Nam giáp phố Đặng Văn Ngữ.
Sát thực tế hơn khi trao địa phương quyền bố trí quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội
Trước những băn khoăn của cả người dân và doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, Luật Nhà ở sửa đổi sẽ có những điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Đối với quy định dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, dự luật sẽ thay đổi theo hướng do UBND cấp tỉnh quyết định.
Việc giao quyền quyết định và chủ động cho địa phương được kỳ vọng sẽ hóa giải những khó khăn trong việc bố trí, sử dụng nguồn đất 20% dành cho nhà ở xã hội. Hơn nữa, quỹ đất này sẽ sát nhu cầu thực tế hơn.
Theo UBND TP.HCM, tổng nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp, công nhân trên địa bàn từ nay đến 2030 khoảng 37 triệu m2, tương đương với nhu cầu quỹ đất khoảng 451 ha. Tuy nhiên, dự báo của Thành phố, đến năm 2030 chỉ phát triển được hơn 6,6 triệu m2, tức là chỉ đáp ứng khoảng 18% nhu cầu nhà ở của người dân.
HƯƠNG GIANG