ISSN-2815-5823
Việt Anh - Thúy Khang
Thứ ba, 15h48 11/03/2025

Hội thảo khoa học công bố kết quả nghiên cứu quốc gia về bình đẳng giới

(KDPT) - Ngày 11/3, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học công bố kết quả nghiên cứu quốc gia về bình đẳng giới.

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong thúc đẩy bình đẳng giới

Hội thảo nhằm chia sẻ kết quả đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới phục vụ phát triển bền vững” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện.

Nghiên cứu dựa trên khảo sát 9.094 người tại 6 vùng kinh tế-xã hội trên cả nước trong năm 2024; từ đó, cung cấp luận cứ khoa học đánh giá việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bình đẳng giới, đồng thời đưa ra khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, TS. Phan Chí Hiếu nhấn mạnh bình đẳng giới theo hướng thúc đẩy tiến bộ của phụ nữ luôn là một trọng tâm ưu tiên trong chính sách phát triển đất nước nhằm phát huy mọi tiềm năng của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

TS. Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Việt Anh)
TS. Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Việt Anh)

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng từ cấp vi mô đến vĩ mô nhằm tăng cường bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

TS. Phan Chí Hiếu cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ thu hẹp khoảng cách giới nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2023, Việt Nam xếp thứ 72, tăng 11 hạng so với năm 2022. Đến năm 2024, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí này với điểm bình đẳng giới đạt 71,5%, cao hơn mức trung bình toàn cầu và khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.

Còn nhiều thách thức cần vượt qua

TS. Phan Chí Hiếu cho rằng, mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong thúc đẩy bình đẳng giới nhưng vẫn còn thách thức lớn cần được quan tâm.

Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ tham gia hệ thống chính trị chưa đạt mục tiêu đề ra, chất lượng tham gia còn hạn chế. Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ yếu thế, vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực kinh tế, sở hữu tài sản, quyền thừa kế, cũng như các dịch vụ tài chính và công nghệ.

Trong lao động, bất bình đẳng về vị thế việc làm, tiền lương và thu nhập vẫn tồn tại, đặc biệt là trong khu vực phi chính thức. Ở lĩnh vực giáo dục, vẫn còn khoảng cách trong tiếp cận giáo dục và cơ hội học tập suốt đời giữa nam và nữ, đặc biệt ở các khu vực khó khăn.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Trong lĩnh vực y tế, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn gặp hạn chế trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Trong gia đình, định kiến giới vẫn ảnh hưởng đến quyền quyết định và phân công lao động, khiến phụ nữ chịu áp lực kép giữa công việc và gia đình.

Trong khoa học và công nghệ, vai trò của phụ nữ chưa được quan tâm đầy đủ, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chia sẻ những phát hiện quan trọng từ nghiên cứu đề tại hội thảo, PGS. TS Trần Thị Minh Thi - Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu đánh giá bình đẳng giới không chỉ là vấn đề công bằng mà còn là động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Kết quả nghiên cứu lần này giúp nhận diện rõ hơn những rào cản và cơ hội cho phụ nữ, qua đó đưa ra các giải pháp chính sách phù hợp.

PGS. Trần Thị Minh Thi cũng chỉ rõ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với bình đẳng giới tại Việt Nam.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin có thể tạo ra nhiều cơ hội mới cho phụ nữ trong việc tiếp cận tri thức, việc làm và kinh doanh. Tuy nhiên, điều này cũng có thể làm gia tăng bất bình đẳng giới nếu phụ nữ không được trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức để thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động.

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ phụ nữ tiếp cận công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng số. Điều này không chỉ giúp thu hẹp khoảng cách giới mà còn tận dụng tối đa tiềm năng của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, việc thay đổi nhận thức xã hội về bình đẳng giới đóng vai trò quan trọng; cần đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, qua đó góp phần xóa bỏ những định kiến giới truyền thống đang kìm hãm sự phát triển của phụ nữ.

Nghiên cứu được thực hiện trong 5 năm, với 3 năm chuẩn bị, 2 năm triển khai, trong đó có 1 năm thực hiện khảo sát. Nghiên cứu sử dụng phương pháp khảo sát định lượng với 3 nhóm đối tượng chính: Người dân, công nhân và sinh viên. Tổng cộng có 9.094 người tham gia khảo sát, trong đó có 44,5% nam giới. Cơ cấu đối tượng tham gia khảo sát bao gồm 7.124 người dân, được chọn ngẫu nhiên từ 12 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền của Việt Nam, 1.250 công nhân ở 6 khu công nghiệp và 720 sinh viên của 5 trường đại học, với người cao tuổi nhất sinh năm 1936, trẻ nhất sinh năm 2009, cố gắng đảm bảo đủ đặc điểm dân số của Việt Nam để có thể bao quát và đo lường được những chiều cạnh khác nhau về bình đẳng giới ở Việt Nam.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/03/2025