ISSN-2815-5823

Bất động sản nhà phố TP.HCM ngày càng ít giao dịch

(KDPT) - Theo báo cáo của Savills Việt Nam, bất động sản nhà phố, biệt thự tại TP.HCM có mức giao dịch thấp kỷ lục trong nửa thập kỷ qua, với tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 29%.

Theo báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản của Savills, dòng sản phẩm bất động sản nhà phố, biệt thự tại TP.HCM đang chứng kiến tần suất hoạt động kém nhất kể từ năm 2019 khi lượng giao dịch và tỷ lệ lấp đầy liên tiếp sụt giảm.

Cụ thể, nguồn cung sơ cấp trong năm 2023 giảm 40% theo năm, còn 993 căn, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây và phần lớn đến từ hàng tồn kho giá cao. Lượng bán và tỷ lệ hấp thụ lần lượt giảm 73% và 29% theo năm.

Trong bối cảnh nguồn cung giá cả phải chăng còn hạn chế, số căn giá cao vẫn tiếp tục thống trị thị trường khi các căn trên 30 tỷ đồng vẫn chiếm tới 67% tổng lượng bán. Đó rõ ràng là mức giá vượt xa khả năng tài chính của nhiều người dân. Thế nhưng, theo dự báo, nguồn cung sẽ được cải thiện từ nay đến năm 2026.

Nhà phố và biệt thự tại TP HCM ngày càng ít giao dịch. (Ảnh minh họa)
 

Theo bà Giang Huỳnh - Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và S22M, quá trình huy động nguồn vốn hiện nay chịu ảnh hưởng từ công cuộc thanh tra phát hành trái phiếu bất động sản và kinh tế còn khó khăn nên thu nhập và dòng tiền của người dân, doanh nghiệp bị ách tắc. Trong khi, quỹ đất tại khu vực nội thành của TP.HCM khan hiếm đã thúc đẩy giá nhà tăng cao, khiến khả năng chi trả sụt giảm. Do nguồn cung có giới hạn và chủ đầu tư dần hướng tới phân khúc nhà cao cấp, đối tượng người mua bị thu hẹp, khiến tốc độ hấp thụ chậm đi đáng kể.

Bà Giang cho biết, thực tế chỉ ra rằng, mức hoạt động sụt giảm này cho thấy sự phát triển đúng chu kỳ của phân khúc nhà thấp tầng, dần sẽ ngày càng khan hiếm nguồn cung này ở khu vực nội thành. Vì khan hiếm nên các sản phẩm sẽ tập trung vào phân khúc cao cấp và người mua có tài chính tốt. Định hướng phát triển đô thị đến năm 2030 cho thấy TP.HCM sẽ hướng đến phát triển phân khúc nhà cao tầng nhằm tối ưu quỹ đất và đáp ứng nhu cầu nhà ở lớn trong thành phố.

Theo Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam, dự kiến, nguồn cung mới năm 2024 sẽ có 1.400 căn gia nhập thị trường, trong đó sản phẩm từ 20-30 tỷ đồng chiếm 65%. Tình hình hoạt động sụt giảm và giá bán vẫn tiếp tục đắt đỏ ở TP.HCM là những thách thức lớn. Dự báo, nguồn cung nhà liền thổ tại TP.HCM vào năm 2026 sẽ đạt 5.500 căn, bằng 78% so với Bình Dương và 40% so với Đồng Nai. Trong đó, 25% tập trung ở TP. Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Nhà Bè và 75% ở khu vực ngoại thành.

Thế nhưng, nguồn cầu có xu hướng chuyển dịch về các địa phương lân cận. Đồng Nai sẽ có 2.900 căn mới với 29% có giá 10-20 tỷ đồng và 41% có giá 5-10 tỷ đồng. Còn Bình Dương có hơn 3.400 căn mới, với hơn 90% là có giá dưới 10 tỷ đồng.

Bà Giang Huỳnh cho biết thêm, các tỉnh vùng ven Bình Dương và Đồng Nai sẽ có lợi thế phát triển nhà thấp tầng khi cơ sở hạ tầng được cải tiến và phát triển đồng bộ giúp rút ngắn thời gian di chuyển. Theo đó, giá cả hợp lý, sản phẩm đa dạng sẽ giúp nguồn cầu chuyển dịch tốt hơn./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/12/2024