Bất động sản sẽ là thị trường top đầu thu hút hoạt động M&A
Ghi nhận nhiều thương vụ thành công
Bất chấp sự suy giảm kinh tế toàn cầu, hiệu suất của Việt Nam vẫn duy trì ổn định với sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư sản xuất nước ngoài.
Giá trị xuất khẩu đã tăng ổn định từ tháng 4/2023, với tốc độ đáng kể lên đến 7,7% so với tháng trước vào tháng 8. Tồn kho tại Mỹ giảm xuống 10% vào tháng 8, điều này tạo thuận lợi cho nhu cầu sản xuất do Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Bất động sản công nghiệp tiếp tục là lĩnh vực thúc đẩy đầu tư bất động sản.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/10, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 25,76 tỷ USD trong 10 tháng qua, tăng 14,7% so với cùng kỳ; giải ngân ước đạt khoảng 18 tỷ USD. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 2,14 tỷ USD, chiếm hơn 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 44,8% so với cùng kỳ.
Chỉ số này tăng phải kể đến sự góp mặt của nhiều thương vụ M&A trên cả nước với một loạt các hoạt động M&A đình đám đã diễn ra trong năm 2023. Đơn cử như vào tháng 7, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Thanh Hóa để phát triển một khu công nghiệp có diện tích 650 ha, với vốn đầu tư 400 triệu USD. Họ cũng đang xem xét việc phát triển một khu công nghiệp có diện tích 300 ha tại tỉnh Nam Định.
Hay vào cuối tháng 8, ba dự án mới của Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đã bắt đầu triển khai, hai dự án đã nhận được sự chấp thuận đầu tư và có 12 thỏa thuận hợp tác phát triển được ký kết. Vào ngày 11/8/2023, một liên doanh giữa Lineage Logistics và SK Logistics đã được công bố để cải thiện và mở rộng hệ thống kho lạnh của Việt Nam. Vào tháng 7, Suntory Pepsico đã nhận được sự chấp thuận để xây dựng một nhà máy mới tại Long An, với tổng vốn đầu tư 185 triệu USD, trong khi Tập đoàn Hyosung có kế hoạch đầu tư gần 1 tỷ USD vào một nhà máy sản xuất sợi carbon tại Vũng Tàu.
Cũng trong năm 2023, Gamuda Land tiếp tục đầu tư vào một dự án ở quận II (TP. HCM), quy mô 2.000 căn hộ, đây là vị trí rất gần trung tâm, giá trị hơn 7.000 tỷ đồng, doanh thu của dự án khi hoàn thành sẽ vào khoảng 1 tỷ USD. Điều này cũng khẳng định cam kết của Gamuda Land tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Ngược về giai đoạn đầu năm 2023, Công ty Cổ phần Địa ốc No Va (Novaland) đã hoán đổi số cổ phần trị giá 1.000 tỷ đồng tại 2 công ty thành viên của Novaland cho đối tác là Dallas Vietnam Gamma Ltd. Thương vụ này cũng là điển hình nhất của việc doanh nghiệp phải nhượng dự án bất động sản để "bán" nợ.
Trong bối cảnh thị trường đang thiếu hụt nguồn cung căn hộ, các nhà đầu tư có khả năng phát triển thành công dự án mới cho thị trường có lẽ sẽ tận dụng được sức cầu mạnh mẽ. Ông Neil MacGregor - Giám đốc quản lý của Savills Việt Nam chia sẻ, tại TP. Hồ Chí Minh, hiệu suất hoạt động của phân khúc văn phòng vẫn mạnh mẽ, mặc dù nguồn cung hạng A mới khá dồi dào song vẫn còn cơ hội cho các nhà đầu tư và nhà phát triển về lĩnh vực này. Những nhà đầu tư có thể phát triển hoặc nâng cấp tòa nhà văn phòng với tiêu chuẩn xanh có thể thu hút giá thuê cao hơn.
Hoạt động M&A sẽ bùng nổ hơn trong 2 năm tới
Chia sẻ tại một talkshow gần đây nhất, bà Bình Lê Vandekerckove, Tổng giám đốc, Trưởng Bộ phận M&A Công ty Tư vấn thương vụ Asart cho biết, thời gian tới, thị trường M&A Việt Nam vẫn sẽ chịu áp lực và ảnh hưởng từ tình hình vĩ mô trong và ngoài nước
Nhìn về giai đoạn trước, khi đỉnh của hoạt động M&A Việt Nam là những năm 2015 – 2017, tổng giá trị giao dịch lên đến hàng tỷ USD. Song kể từ năm 2019, do dịch Covid-19 nên tình hình giảm, đến năm 2021, 2022 và 2023 hoạt động M&A lại bắt đầu giảm sâu.
Theo bà Bình Lê, nhìn năm 2023 nếu chỉ so với năm 2022 thì tình hình M&A đang có sự tăng trưởng, nhưng so với quy trình dài hơn năm nay đang có sự giảm sút. Có những năm Việt Nam thu hút hoạt động M&A lên tới hơn 15 tỷ USD, còn đến nay con số này chỉ khoảng 6 tỷ USD.
Ảnh minh họa. |
Đánh giá về thị trường, ông Neil MacGregor - Giám đốc Điều hành của Savills Việt Nam cho biết, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thị trường bất động sản đã giữ được sự bền bỉ cũng như sẵn sàng tận dụng các chính sách và chuyển biến kinh tế tích cực. Hai năm tới được dự kiến sẽ là giai đoạn sôi động của lĩnh vực M&A tại Việt Nam. Trong khu vực, lượng giao dịch bất động sản đã giảm mạnh, để lại nguồn vốn đầu tư sẵn có đáng kể. Mặc dù lãi suất cao, triển vọng tăng trưởng và lợi suất tương đối cao của Việt Nam vẫn thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia Savills tại Việt Nam cho biết, các nhà chủ đầu tư bất động sản nhà ở nổi bật đã ra mắt nhiều sản phẩm mới vào giai đoạn cuối năm. Cùng với đó Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm 2023, sẽ loại bỏ quy định yêu cầu các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% diện tích đất cho nhà ở xã hội. Sự thay đổi này dự kiến sẽ giúp tăng tốc tiến độ cho các nhà phát triển.
ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam nhận xét: “Các lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trong khi hoạt động M&A bất động sản ngày càng sôi động. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo đuổi việc giảm lãi suất xuống mức ở năm 2020 là tín hiệu tốt cho bất động sản nhà ở”.