ISSN-2815-5823
Huyền Ngọc
Thứ năm, 14h24 22/02/2024

Bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cần trả về cho thị trường tự vận hành

Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục xem xét, cân nhắc việc có tiếp tục độc quyền vàng miếng SJC nữa hay không. Theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước nên để thị trường tự vận hành, cơ quan quản lý chỉ làm nhiệm vụ giám sát về khối lượng, giá cả khi cần.

Trước và sau Tết giá vàng biến động rất mạnh, nhất là trong những ngày gần đây. Giai đoạn này, thị trường đang chờ những tín hiệu mới. Một nguyên nhân trong đó là do Ngân hàng Nhà nước đang tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường để trình Chính phủ trong quý I/2024.

Nên để doanh nghiệp nhập khẩu vàng

Vàng từng có thời điểm được coi là một phương tiện thanh toán phổ biến và được ưa chuộng, nhiều giao dịch lớn được quy thành vàng. Điều này khiến cơ quan quản lý lo ngại về tình trạng “vàng hóa nền kinh tế”.

Việc ra đời Nghị định 24/2012/NĐ-CP gần như đã chấn chỉnh kịp thời tình trạng bất ổn trên thị trường vàng vào thời điểm đó. Từ đây, NHNN thành cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

NHNN đang là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu

Sau 12 năm, thị trường cho thấy những bất cập từ quy định cũ. Việc giá vàng không liên thông với thế giới gây ra tình trạng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, có thời điểm lệch gần 20 triệu đồng/lượng. Sự chênh lệch này dẫn tới việc nhập lậu vàng, gây thất thoát ngoại tệ, ảnh hưởng tới quản lý tỷ giá…

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói về việc sửa cơ chế, theo đó mục tiêu quan trọng lớn nhất trong quá trình xây dựng và quá trình triển khai Nghị định 24 là chống vàng hóa nền kinh tế, không làm ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô như tỷ giá, lãi suất, lạm phát.

Theo ông Tú, Nghị định 24 quy định NHNN độc quyền kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên nghị định này đã thực thi suốt 11 năm qua, hiện các điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi nên việc sửa đổi là cần thiết và phải sửa sớm.

"Chúng tôi đang xem xét việc độc quyền vàng miếng SJC có còn cần thiết không. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng không cần thiết phải độc quyền SJC hay cần thiết phải có nhiều thương hiệu vàng khác. Tuy nhiên, dù chỉ có độc quyền nhãn hiệu vàng miếng SJC hay nhiều loại vàng khác thì mục tiêu cuối cùng là phải đạt được là vấn đề quản lý nhằm ổn định thị trường vàng miếng, không ảnh hưởng tới nền kinh tế vĩ mô và đảm bảo quyền lợi của 100 triệu dân" - Phó Thống đốc cho biết.

Trao đổi với PGS.TS Ngô Trí Long, ông cho biết việc chọn quản lý thị trường vàng bằng công cụ hành chính như Nghị định 24 hay để vận hành theo cơ chế thị trường, phù hợp thông lệ quốc tế không phải một vấn đề đơn giản đối với cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo đó, NHNN chỉ nên thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng kim loại quý này theo pháp lệnh ngoại hối, Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng, thay vì tham gia sản xuất kinh doanh hay điều tiết thị trường bằng những biện pháp hành chính, không nên trực tiếp can dự vào việc kinh doanh của doanh nghiệp.

PGS.TS Ngô Trí Long

NHNN là cơ quan quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ, cũng gánh thêm trách nhiệm cân bằng cung - cầu vàng thông qua xuất - nhập khẩu và điều tiết thị trường vàng. Song, chính NHNN sẽ lại gánh rủi ro của thị trường. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp có thể tự xuất và nhập khẩu vàng thì nguồn vàng Việt Nam sẽ nhanh hơn, cân bằng được giá vàng trong nước - thế giới.

Do đó, việc NHNN trả vàng về cho thị trường cũng là để thị trường - các công ty kinh doanh vàng tự xuất và nhập khẩu kim loại quý này. NHNN theo đó chỉ cần giám sát về khối lượng, giá bán khi cần thiết.

Ông Long giải thích thêm: "Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện sản xuất - kinh doanh thì để họ tự hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ quản lý chất lượng (tuổi vàng), trọng lượng, nhãn hiệu như các doanh nghiệp khi đã đăng ký, cho phép nhiều thương hiệu cùng tồn tại thay vì độc quyền".

Các Ngân hàng Trung ương trên thế giới không trực tiếp kinh doanh vàng

Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - Ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, dựa trên các khảo sát cá nhân và khảo sát tại nhiều hội thảo, những buổi làm việc với Hội đồng Vàng Thế giới, đều khẳng định rõ ràng là các nước trên thế giới, bao gồm những nền kinh tế lớn, thì Ngân hàng Trung ương của họ không trực tiếp quản lý và kinh doanh vàng. Họ giao dịch vàng như một hàng hóa thông thường.

"Tại các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Bộ Thương mại hoặc Bộ Công Thương, Bộ Kinh tế đóng vai trò quản lý. NHNN chỉ quản lý về ngoại hối, điều tiết các dòng tiền ngoại tệ. Các ngân hàng trung ương ở các nước chỉ có vai trò dự trữ quốc gia, điều phối vàng như là một tài sản để dự trữ quốc gia. Đây là một công cụ để bảo đảm an ninh tiền tệ.

Đến bây giờ, chúng ta vẫn duy trì việc độc quyền SJC sẽ dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng. Giá trị đồng tiền Việt Nam hiện rất ổn định, tỷ giá cũng thế. Người dân không dùng vàng để làm phương tiện thanh toán và không có khái niệm "vàng hóa"" - Ông Hùng dẫn chứng.

Nên xem vàng như một loại hàng hóa thông thường.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xem xét lại cách thức quản lý thị trường vàng hiện nay. Nếu đi theo quan niệm trên thế giới, vàng cũng là một loại hàng hóa thì NHNN không cần trực tiếp quản lý thị trường vàng nữa.

Theo ông Nguyễn Việt Anh - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong, hiện cơ quan Nhà nước vẫn đang cân nhắc và xem xét liệu việc có tiếp tục độc quyền vàng miếng SJC nữa hay không. Tuy nhiên, dù lựa chọn nào thì mục tiêu cuối cùng là phải ổn định được thị trường vàng, ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân mua bán vàng.

Hiện tại, việc sử dụng vàng để định giá, huy động thanh toán hay cho vay đã không còn, người dân chủ yếu có nhu cầu mua vàng tích lũy tài sản hoặc làm trang sức./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine