Lý do dừng xây dựng dự thảo được đưa ra một cách ngắn gọn, là do “căn cứ sự cần thiết và thực tiễn quản lý hiện nay”.

Mua sắm hàng tại siêu thị Co.op mart Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Trước đó, Vụ thị trường trong nước lấy ý kiến xây dựng dự thảo nghị định về quản lý ngành phân phối, ngay lập tức đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của cộng đồng doanh nghiệp, giới chuyên gia.

Trong dự thảo, nhiều nội dung bị phản ứng mạnh. Trong quy định về khuyến mại và quảng bá, dự thảo nghị định quy định mỗi năm các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá. Trong đợt giảm giá phải có ít nhất 70% hàng hóa được bày bán tại siêu thị, trung tâm thương mại nằm trong chương trình giảm giá.

Trong quy định về quản lý và điều hành siêu thị, trung tâm thương mại, nghị định yêu cầu phải có ít nhất 1 giám đốc hoặc thành viên HĐQT là người Việt. Ngoài ra, nhân viên ở tất cả các cấp, bao gồm cấp quản lý phải có thành phần là người Việt không dưới 50%.

Ngoài ra, siêu thị, trung tâm thương mại phải sử dụng các công ty địa phương tại Việt Nam đối với các dịch vụ liên quan đến pháp lý hoặc chuyên môn khác. Phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Nghị định cũng yêu cầu siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10h đến 22h.

Trong quy định về tiêu chuẩn trung tâm thương mại, nghị định yêu cầu phải có diện tích kinh doanh từ 10.000 m2 trở lên. Tiêu chuẩn siêu thị cũng phải có diện tích kinh doanh từ 250 m2 đến dưới 10.000 m2…