Cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Đức sẽ tăng nhờ EVFTA?
Số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế cho biết, nhập khẩu cà phê vào thị trường Đức trong 10 tháng năm 2021 đạt 1,020 triệu tấn, trị giá 3,34 tỷ USD, tăng 0,8% về lượng và tăng 13,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
10 tháng năm 2021, Đức tăng nhập khẩu chủng loại cà phê HS 090111 (trừ cà phê rang xay và loại bỏ caffein), tốc độ tăng trưởng 0,3% về lượng và tăng 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 940,16 nghìn tấn, trị giá 2,61 tỷ USD. Thị phần nhập khẩu cà phê có mã HS 090111 chiếm 91,68% trong 10 tháng năm 2021, thấp hơn so với thị phần 92,13% trong 10 tháng năm 2020.
Tương tự, Đức tăng nhập khẩu chủng loại cà phê rang HS 090121 (không bao gồm cà phê đã khử caffein), mức tăng 7,4% về lượng và tăng 12,1% về trị giá. Thị phần chủng loại cà phê có mã HS 090121 chiếm 8,03% trong 10 tháng năm 2021, cao hơn so với thị phần 7,54% trong 10 tháng năm 2020.
Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Đức 10 tháng đầu năm 2021 đạt mức 3.256 USD/tấn, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Đức từ hầu hết các nguồn cung đều tăng, ngoại trừ giá nhập khẩu từ Uganda giảm 5,0%.
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, nhập khẩu cà phê của Đức từ Brazil trong 10 tháng năm 2021 đạt 379,5 nghìn tấn, trị giá 998,28 triệu USD, tăng 15,7% về lượng và tăng 31,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Đức tăng từ 32,26% trong 10 tháng năm 2020 lên 37,01% trong 10 tháng năm 2021.
Ngược lại, Đức giảm nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong 10 tháng năm 2021, giảm 15,8% về lượng và giảm 6,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 175 nghìn tấn, trị giá 312,75 triệu USD. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Đức giảm từ 20,42% trong 10 tháng năm 2020 xuống 17,05% trong 10 tháng năm 2021. Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam sang Đức gặp khó khăn.
Đức là thị trường tiêu thụ cà phê lớn tại châu Âu, với nhu cầu tăng cao. Cà phê Arabica được coi là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất và được dự báo sẽ cải thiện trong giai đoạn 2020-2025 do thị hiếu tiêu dùng của người dân ngày càng ưa chuộng cà phê đặc sản. Trong đó, cà phê xay chiếm thị phần lớn do tiện lợi trong tiêu thụ và phù hợp với sở thích của người tiêu dùng Đức.
Đức cũng là một trong những nước nhập khẩu cà phê nhân lớn trên thế giới. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa, Đức còn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 3 của châu Âu. Do đó, Đức được coi là thị trường tiềm năng lớn đối với các nước sản xuất cà phê.
Sang năm 2022, thương mại cà phê Việt Nam – Đức được dự báo sẽ diễn ra sôi động trở lại. EVFTA sẽ giúp ngành hàng cà phê Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Đức. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam cần nắm bắt thị hiếu tiêu dùng cà phê của Đức để nâng cao được giá trị và gia tăng thị phần.
NGUYỄN HẠNH
Theo link gốc: https://congthuong.vn/ca-phe-viet-nam-xuat-khau-sang-duc-se-tang-nho-evfta-170788.html