Mới đây, Chính phủ đã thành lập tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Không chỉ có doanh nghiệp bất động sản và nhà đầu tư bất động sản mong ngóng mà còn là điều kiện thuận lợi để nhóm ngành phụ trợ có thể dễ thở hơn.

Bất động sản đóng vai trò quan trọng

Bất động sản là lĩnh vực phức tạp, có quan hệ mật thiết với rất nhiều ngành nghề khác. Bởi vậy, nếu thị trường này đình trệ, sẽ kéo theo sự khó khăn của hàng loạt thị trường liên quan… Thị trường bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển (thị trường tài chính, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động…), đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân, phát triển đô thị, du lịch…

Tư lệnh ngành Xây dựng cho biết: “Đóng góp trung bình của ngành Xây dựng và bất động sản vào GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách. Trong đó, ngành bất động sản trực tiếp chiếm khoảng 4,5%, đóng góp trung bình khoảng 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Đến tháng 9/2022, giá trị vốn hóa ngành bất động sản ước tính khoảng 1,7 – 1,8 triệu tỷ đồng".

Bất động sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế
Bất động sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Với lịch sử khoảng 30 năm, ngành bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều biến đổi và trở thành yếu tố liên quan mật thiết đến sự phát triển của nền kinh tế, tác động đến hàng chục ngành nghề khác nhau.

Đầu năm 2021, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã công bố kết quả nghiên cứu khoa học về “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam – vai trò và khuyến nghị chính sách”, cho biết bất động sản đóng góp 7,62% GDP quốc gia. Đây là ngành có vai trò đầu kéo, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành như xây dựng, du lịch, lưu trú – ăn uống, công nghiệp chế biến chế tạo, tài chính – ngân hàng…

Báo cáo này được thực hiện bởi các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bất động sản, tài chính – ngân hàng, quy hoạch và pháp lý. Các chuyên gia cho rằng, khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành bất động sản tăng 1 tỉ đồng thì giá trị sản xuất của các ngành còn lại sẽ tăng 0,772 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch VNREA, 10 năm qua, bình quân mỗi năm Việt Nam xây mới 60 triệu m2 nhà ở, cung cấp chỗ ở, đặc biệt cho khu vực đô thị. Theo tính toán, mỗi năm thị trường bất động sản góp 0,4 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế, tương đương 10% thu nhập quốc dân và 3% tăng trưởng GDP.

Mảng bất động sản đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động và góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho người dân.

Trước những diễn biến xấu của thị trường bất động sản trong năm qua, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo và quyết định thành lập Tổ công tác (liên ngành) của Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp để khơi thông lại thị trường, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Tổ công tác gồm lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Văn phòng Chính phủ.

Tổ công tác có nhiệm vụ hướng dẫn và đề xuất các giải pháp trước mắt, lâu dài và toàn diện về quy định pháp luật, hướng dẫn thực thi pháp luật, quy trình thủ tục để các bộ, ngành, địa phương cùng xử lý các khó khăn, vướng mắc của các dự án, tháo gỡ khó khăn đảm bảo thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh như chỉ đạo của thủ tướng Chính phủ. Về phía các doanh nghiệp bất động sản cũng cần phải chủ động, tích cực tham gia thực hiện thực hiện các giải pháp xử lý những khó khăn nội tại như cơ cấu lại doanh nghiệp, sắp xếp các dự án, sản phẩm, giá bán… để đáp ứng nhu cầu và phù hợp với thực tế thị trường.

Nhiều ngành nghề chờ tín hiệu tích cực từ bất động sản

Tại diễn đàn “Dự báo thị trường bất động sản 2023” vừa qua, nhiều chuyên gia đã nhận định, từ quí 2 năm nay, thị trường bất động sản sẽ dần hồi phục và phát triển lành mạnh, minh bạch hơn khi những vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ, tăng trưởng kinh tế khả quan, tín dụng được khơi thông.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, một trong những tín hiệu tích cực nhất hiện nay là sự vào cuộc quyết liệt của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để gỡ khó cho bất động sản, tạo nên tâm lý yên tâm cho giới kinh doanh.

“Chúng tôi đánh giá động thái của Thủ tướng và các bộ ngành là hết sức quan trọng, chắc chắn sẽ giúp cho thị trường khởi sắc trở lại. Thị trường sẽ không bùng nổ như trước nhưng sẽ có tính ổn định cho sự phát triển chung”, ông Đính nói.

Trong giai đoạn bất động sản phục hồi vào năm 2016, Bộ Tài chính đã thu 171.000 tỉ đồng thuế, phí liên quan đến tài sản. Trong đó, có khoảng 148.000 tỉ đồng liên quan đến nhà, đất, cao nhất trong vòng 5 năm tính về trước. Doanh số khả quan trên thị trường bất động sản thời điểm ấy đã giúp ngành thép, xi măng, gạch xây dựng, nội thất, xây dựng… được hưởng lợi.

Ngành xi măng chịu tác động của bất động sản
Ngành xi măng chịu tác động của bất động sản.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, hoạt động sản xuất các loại thép xây dựng, ống thép, tôn mạ, thép cán nguội… tăng trưởng mạnh nhờ bất động sản. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016, tiêu thụ thép đạt 8,4 triệu tấn, tăng 27,8% so với cùng kỳ, giúp nhiều doanh nghiệp ngành thép có lãi lớn. Ngành xi măng cũng đạt mức tăng trưởng hai con số, theo sau sự sôi động của địa ốc.

Với thị trường địa ốc trầm lắng như hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước và tác động lan tỏa đến nhiều ngành nghề. Trong đó, với ngành thép, các doanh nghiệp lớn trong ngành đã trải qua một năm kinh doanh ảm đạm bởi hoạt động xây dựng ngưng trệ, làm cho hàng tồn kho nhiều, giá giảm.

Không chỉ ảnh hưởng với ngành thép mà ngành xi măng cũng tương tự, Tổng công ty xi măng Việt Nam (Vicem), doanh nghiệp có chiếm 33% thị phần của ngành xi măng cũng phải chật vật thúc đẩy bán hàng. Tổng Giám đốc Vicem cho biết, cung – cầu mất cân đối do tình trạng dư cung lớn nên việc kinh doanh rất khó khăn.

Trong lĩnh vực xây dựng, các công trình ngưng trệ không chỉ gây khó khăn cho việc duy trì nhân sự để hoạt động liên tục mà còn khiến doanh nghiệp đối diện với tình trạng nợ đọng lớn. Theo khảo sát của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), phần lớn doanh nghiệp xây dựng có khoản phải thu từ khách hàng tăng kể từ đầu năm. Tình trạng này dẫn đến dòng tiền kinh doanh bị thâm hụt, một số đơn vị buộc phải tăng cường vay nợ để có tiền duy trì hoạt động.

Vì vậy, cũng như các lĩnh vực khác, mảng xây dựng đang trông chờ vào sự hồi phục của ngành bất động sản. Chỉ khi ngành này phát triển thì mới thúc đẩy sự tăng trưởng của nhiều ngành nghề phụ trợ, tạo nên động lực phát triển chung cho nền kinh tế.