Chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024): “Một công tác đặc biệt” góp phần cho chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử
Để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Điện Biên Phủ là điểm hẹn mà lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay”. Để làm nên những kỳ tích lịch sử này chiến cục Đông Xuân 1953-1954, với đỉnh cao chiến dịch Điện Biên Phủ tiêu diệt hai phần ba lực lượng cơ động tinh nhuệ của địch, là hệ quả của những thành tựu nhân dân ta đã giành được trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Những bài học rút ra được từ công tác lãnh đạo kháng chiến, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, chỉ huy chiến dịch, chỉ huy chiến đấu, công tác hậu cần... đều được vận dụng trong thời điểm lịch sử này. Nhân dân ta đã tìm ra cách giành chiến thắng quyết định trong lúc kẻ địch đông quân nhất, làm nên những điều tưởng chừng như không thể làm được trong chiến tranh. (Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Điện Biên Phủ điểm đến lịch sử NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội 2000). Để làm nên những điều "không tưởng" đó trong chiến thắng Điện Biên Phủ, có một “công tác đặc biệt” đã góp phần để Trung ương và Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra những quyết định góp phần cho thắng lợi của chiến dịch Đông Xuân và chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là khai thác hông tin từ các tù binh Pháp để điều chỉnh chiến lược của ta với địch.
Trong cuốn “Kỷ niệm sâu sắc về công tác tham mưu chiến lược, tập 2" (NXB Quân đội Nhân dân, 2004) Đại tá Phan Phác, nguyên Quyền Phó tổng Tham mưu trưởng, Phó tham mưu trưởng chiến dịch đã kể lại về một cuộc hỏi cung tù binh Pháp như sau:
"Sau chiến thắng Đông Khê, trưa mồng 9 tháng 10, anh Hưng (bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) cho gọi tôi đến cùng nghe báo cáo của đồng chí Cao Pha, Cục phó Cục 2 Bộ Tổng tham mưu phụ trách Ban quân báo chiến dịch. Anh Cao Pha cho biết ngoài Lơ- pa-giơ và Sác-tông ta còn bắt được 2 tên quan tư nữa là Ác-nu và Đuya-rít. Họp xong, anh Hưng nói với tôi:
- Anh ra gặp Sác-tông và Lơ-pa-giơ để tìm hiểu thêm về mặt quân sự, chú ý đối đãi tử tế. Lấy cung xong, anh tổ chức cho họ đến Nà Lạng, gần Sở chỉ huy chiến dịch có việc cần.
Trưa ngày 9 tháng 10, tôi gặp Sác-tông trong một nhà sàn ở bản Ri. Bữa cơm tiếp đãi Sác-tông rất đàng hoàng, có thịt gà, có măng nhồi thịt và thuốc lá thơm. Sau ba ngày sống cuộc đời tù binh, đây là một bữa ăn thịnh soạn đầu tiên đối với y. Sác-tông ăn uống ngon lành, rất thích món măng nhồi thịt và khen món này không khác gì món át-xi-giơ (măng Tây). Qua trò chuyện, tôi được biết thêm đầu năm 1935, Sác-tông đã được điều sang Đông Dương chỉ huy một đại đội Lê dương thuộc Trung đoàn bộ binh thứ 5 đóng ở Tông (Sơn Tây). Cuối năm 1935, y trở lại châu Phi chỉ huy Tiểu đoàn Lê dương. Tếp đó, y được về chỉ huy Tiểu đoàn Lê dương cơ giới và tham gia chiến dịch giải phóng nước Pháp. Đến đầu năm 1946, y lại được điều sang Đông Dương đổ bộ lên Sài Gòn, tháng 3 năm 1946, chỉ huy Tiểu đoàn 2 Trung đoàn bộ binh Lê dương thứ 2 và Phân khu Ninh Hoà (Trung Bộ) rồi về Trung đoàn Lê dương thứ 3 ở Cao Bằng, làm chỉ huy phó Phân khu Bắc, trực tiếp chỉ huy chiến dịch ngăn chặn Giải phóng quân Trung Quốc truy kích quân Tưởng qua biên giới. Đầu tháng 7 năm 1950, sau khi quân Pháp rút khỏi Bắc Cạn và đường bộ Thất Khê - Đông Khê - Cao Bằng bị cắt đứt, quân Pháp tổ chức thị xã Cao Bằng thành một Tiểu khu tự trị và giao cho y lúc này là trung tá chỉ huy.
Sác-tông khai:
- Ngày 16, Đông Khê đang chiến đấu, Đại tướng Các-păng-chi-ê đáp máy bay đến thăm chúng tôi. Ông xác nhận Tiểu đoàn 3 mà Đại tá Công-xtăng đã hứa tăng cường cho chúng tôi sẽ tới bằng đường không. Ông không hề nói gì về việc triệt thoái lực lượng Cao Bằng. Nhưng tôi cũng đoán được và rất tiếc, theo tôi, pháo đài Cao Bằng kiên cố bậc nhất Đông Dương, lại có dự trữ vũ khí, đạn và lương thực đủ trong 3 tháng, thú thực tôi thậm chí còn rất mong cho quân đội các ông đánh vào.
Ngày 28 tháng 9, tướng A-lếch-xăng-đri, Tư lệnh chiến trường Bắc Đông Dương nghỉ phép ở bên Pháp mới trở về cũng đáp máy bay đến Cao Bằng và nói riêng với tôi là quyết định triệt thoái Cao Bằng do cấp trên quyết định và tôi phải phục tùng. Tướng A- lếch-xăng-đri nói thêm: "Rút như thế này thì những con đường sang Trung Quốc sẽ được mở ra cho quân Việt Minh. Do đó sẽ là một cuộc chiến tranh thật sự. Tôi đã phản đối quyết định ấy, nhưng vô ích. Anh bạn đáng thương. Anh thấy khả năng thực hiện mệnh lệnh ấy thế nào?". Tôi trả lời: "Tôi biết rõ con đường thuộc địa số 4 vì đã đi lại hơn hai chục lần. Thực hiện thắng lợi cuộc hành binh này đối với tôi thật khó khăn nếu không có một đội quân cứu viện đợi tôi ở kilômét 22". Đến cuối tháng 9, tôi nhận được điện của Đại tá Công-xtăng, Tư lệnh Quân khu biên thuỳ Đông Bắc báo cho biết kế hoạch Tê-ra-dơ trong đó quy định việc rút khỏi Cao Bằng kể từ ngày 3 tháng 10 và có thể rút sớm hơn. Sau đó, Tham mưu trưởng Quân khu biên thuỳ Đông Bắc bay lên Cao Bằng xác nhận lệnh triệt thoái. Ông ta không đả động gì đến tình hình khó khăn mà binh đoàn Lơ-pa-gơ sẽ gặp phải. Việc giữ bí mật cuộc rút lui được bảo đảm tới giờ phút cuối cùng. Chỉ có tôi và trung uý công binh Cờ-léc-giơ được biết vì Cờ-léc-giơ được tôi giao nhiệm vụ kín đáo chuẩn bị đặt mìn hẹn giờ để phá pháo đài khi các đơn vị đã rút hết ra ngoài. Việc triệt thoái không có một cơ may nào thoát khỏi sự giám sát của các đội trinh sát của các ông có mặt khắp nơi xung quanh thị xã. Họ tung tin cuộc tiến công thị xã sắp đến nơi. Nhưng tất cả các nhân viên chỉ điểm của tôi đi ra ngoài thị xã về đều báo có những cuộc di chuyển lớn các đơn vị chính quy của các ngài ở phía bắc, trên con đường Quảng Uyên, Phục Hoà, Đông Khê. Chiếc Moran của Cao Bằng cũng xác nhận những tin tức ấy. Theo tôi, không có nguy cơ của một cuộc tiến công lớn vào Cao Bằng. Tôi không tán thành việc triệt thoái nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh. Là quân nhân, tôi phải phục tùng mặc dù tôi biết rằng các ngài có rất nhiều quân và đã bố trí đâu vào đó để đón đánh tiêu diệt chúng tôi trên đường rút lui. Cuộc hành quân phải thật nhanh chóng và bất thần mới có hy vọng thành công. Có lẽ Bộ tư lệnh Bắc Kỳ cũng rõ điều đó nên mới đặt tên cho cuộc hành binh này cái tên "Trận mưa giông" (orage)".
Theo lời khai của Sác-tông thì binh đoàn Cao Bằng rút lui có một tiểu đoàn quân ngụy, 200 dân vệ vốn là thợ nề, thợ làm bánh mỳ, giặt là, đồ tể, nghĩa là chưa bao giờ cầm súng. Tiểu đoàn Lê dương 6 mà toàn bộ sĩ quan đều từ Pháp hoặc Đức mới sang được một thời gian, tiểu đoàn Ta-bo tốt nhất thì thiếu chỉ huy là người Âu, một trung đội công binh dã chiến và một trung đội pháo binh với 1 đại bác 105 và một khẩu pháo 57mm. Ngoài ra, còn có khoảng 300 dân thường là người nhà của các nhân viên chính quyền và quân đội bản xứ.
Trả lời câu hỏi của tôi về diễn biến cuộc hành binh "Mưa giông" Sác-tông trả lời khá cụ thể:
- Lúc đầu việc tổ chức rút lui khá thuận lợi, suốt cả ngày 3 tháng 10, không có một máy bay nào bay lên không phận Cao Bằng. Quân đội các ông không thấy xuất hiện ngoài một vài loạt đạn trung liên bắn ở kilômét 10. Đêm mồng 3 tháng 10, tôi đặt Sở chỉ huy ở kilômét 10 và ra lệnh cho các đơn vị dừng lại nghỉ đêm. Sáng ngày 4 tháng 10, tôi nhận được điện của Quân khu biên thuỳ Đông Bắc báo tin binh đoàn của Lơ-pa-giơ chờ tôi ở các cao điểm 760 và 765 ở phía tây nam Đông Khê, cách Đông Khê hai hay ba kilômét và phải đưa quân đến đó càng nhanh càng tốt theo đường mòn Nậm Nàng - Quang Liệt.
Ngày 5 tháng 10, từ sáng sớm tôi đã nhận được lệnh của Lơ-pa-giơ phải tiến nhanh đến cao điểm 765 để hội quân, tiểu đoàn lính Ma-rốc đã giữ chắc cao điểm đó.
Rạng sáng 6 tháng 10, Tiểu đoàn Ta-bo đã vượt qua cao điểm 590. Với một bộ phận nhỏ của Sở chỉ huy binh đoàn, tôi lên đến đỉnh cao điểm 590 vào lúc 11 giờ, đốc thúc tiểu đoàn lính bản xứ và Tiểu đoàn Lê dương tiến thật nhanh lên phía trước, mặc dù địa hình rất phức tạp. Ngày hôm đó, có hai tai họa bất ngờ ập đến làm ảnh hưởng đến cuộc hành binh.
Tai họa thứ nhất là một đại đội lính bản xứ đi trước đến bản bị sa vào trận địa phục kích, tôi phải tung cả tiểu đoàn đến cứu. Kết quả, một đại đội bị loại khỏi vòng chiến đấu và làm mất một thời gian quý báu.
Tai họa thứ hai do đám đông dân thường dưới sự chỉ huy của tỉnh trưởng gây ra. Không hiểu vì lý do gì, đám này bỗng nhiên dừng lại cho nên vào khoảng 18 giờ, tiểu đoàn mới từ cao điểm 590 đổ xuống sau khi đã chạm trán với quân đội các ngài đánh tập hậu, tiểu đoàn bị thiệt hại nhiều.
Mặc dù vậy, tôi vẫn tiếp tục cho binh đoàn hành quân đến chiều tối mới tới chân cao điểm 765 thì phát hiện ở trên cao điểm không phải là lính Ma-rốc nữa mà là quân của Việt Minh. Ở phía sau, quân đội các ngài đuổi theo gần tới sát đội hậu vệ. Cũng may đêm hôm đó, Việt Minh ở trên 765 không đánh xuống, ở phía sau không đánh lên. Tôi liền ra lệnh tiến vòng theo chân cao điểm 765 về phía đông để tiến đến dãy núi đất 477 gần Cốc Xá.
Khoảng 6 giờ ngày 7 tháng 10, tôi lại nhận được lệnh của Lơ-pa-giơ báo "bị bao vây ở Cốc Xá, đưa ngay quân đến gặp để hợp lực giải vây". Ôi! Lạy chúa! Thật là trớ trêu! Kẻ đi cứu viện lại yêu cầu giải vây!".
Lúc ấy, tình thế của binh đoàn tôi càng trở nên nghiêm trọng. Tất cả các vị trí của binh đoàn đều bị bắn phá dữ dội bằng các súng cối nặng, nhẹ. Đại đội lính bản xứ đóng giữ quả núi bản Ca bị tiến công và nhanh chóng bị tiêu diệt. 7 giờ Tiểu đoàn Ta-bo bị đánh bật khỏi dãy núi 477. Quân của các ngài chuyển sang đánh chiếm dãy núi ở phía nam. Thiếu tá Phoóc-giê bị chết trong đợt phản kích không kết quả. Hại lần, tôi cố vượt qua về phía tây nhưng không thành công bởi vì các đơn vị đóng ở bản De được giao nhiệm vụ ấy đã mất hết tinh thần. Lúc ấy, đám tàn quân của Lơ-pa-giơ thoát chết tháo sang. Cả đoàn quân bị rối loạn. Ở đằng trước tàn binh của Lơ-pa-giơ chạy tán loạn xộc vào làm cho hàng ngũ cả tiểu đoàn bản xứ tan rã, tiểu đoàn Ta-bo mất tinh thần vừa chạy lung tung, vừa la hét như người điên. Hai đơn vị này, bị rối loạn không thể chỉ huy được nữa. Lơ-pa-giơ đến gặp tôi và đề nghị tôi cứ tiếp tục chỉ huy cuộc hành binh để ông ta đón lại binh đoàn Bay-a. 15 giờ binh sĩ đứng quanh tôi bỗng kêu lên "Việt Minh đã chiếm đồi 477". Tôi cố gắng dùng lực lượng cố giành lại vị trí then chốt này nhưng mấy đợt xung phong đều bị bẻ gãy. Tình thế lúc đó đã trở nên tuyệt vọng. Binh đoàn tôi và các đám tàn quân của Lơ-pa-giơ trộn lẫn vào nhau chen chúc trải dài gần 1km về phía nam. Trong tay tôi chỉ còn Tiểu đoàn Lê dương số 3 là đơn vị duy nhất có thể chiến đấu được. Trong tình thế tuyệt vọng ấy, chỉ còn có cách chia nhỏ lực lượng mà rút. Tôi cùng với một bộ phận của đại đội chỉ huy và Tiểu đoàn Lê dương chia thành từng toán nhỏ mở đường về Lũng Phầy. Đi được gần 1km thì tôi bị thương rồi bị bắt.
Chờ cho Sác-tông nói xong, tôi hỏi:
- Ông là một người chỉ huy già dặn, đã phán đoán được ý định của chúng tôi là không đánh Cao Bằng, đã chỉ huy được binh đoàn rút tương đối an toàn đến 477, thế thì tại sao ông lại không chỉ huy được đến cùng để đến nỗi binh đoàn bị tan vỡ, thất bại như thế này?
Sác-tông trả lời rất nghiêm chỉnh:
- Thưa ngài, đúng là tôi biết trước như thế, nhưng có một điều tôi không nghĩ ra được là việc các ông phá đường sá là để bắt chúng tôi đi vào con đường bắt buộc (passage obliges) nơi mà ở đó đã gài bẫy sẵn.
- Đúng thế! - Tôi nói, vùng Mường Xá - Quang Liệt chính là "cái đó" được đơm sẵn để đón bắt các ông.
Khoảng 19 giờ rưỡi ngày 9 tháng 10, tôi tiếp Trung tá Lơ-pa-giơ, chỉ huy trung đoàn Bay-a trong một nhà sàn nhỏ trên cái rẫy cách nơi gặp Sác-tông khoảng chừng 200 mét, bằng một tiệc trà theo kiểu Anh, có thuốc lá thơm cho y hiểu rằng: đối thủ của y là một dân tộc văn minh. Trái hẳn với tính chất lỗ mãng thô bạo của Sác tông, Lơ-pa-giơ là một trí thức có cử chỉ lịch thiệp, ăn nói kín đáo, cân nhắc từng lời, có lối nói úp úp mở mở nhưng vẫn để lộ rõ lòng tin Pháp sẽ thắng trong cuộc chiến tranh này. Lơ-pa-giơ thuộc dòng dõi binh nghiệp, mấy đời làm tướng tá, bản thân tốt nghiệp Xanh Xia, có học thêm một khoá chuyên khoa pháo binh, một lớp cao cấp về binh quân chủng hợp thành dành cho cấp tá trở lên.
Để hiểu rõ sự đối phó của địch từ khi ta tiến công Đông Khê ngày 16 tháng 9, tôi hỏi Lơ-pa-giơ:
- Tại sao các ông đã cho một tiểu đoàn nhảy dù xuống Thất Khê ngày 17 tháng 9 và cả binh đoàn Bay- a đã tập trung ở Thất Khê từ ngày 19 tháng 8 mà lại án binh bất động cho mãi đến ngày 30 tháng 9 binh đoàn này mới tiến lên Đông Khê, hành động đó trái ngược với các nguyên tắc chiến thuật của một quân đội hiện đại có sức cơ động lớn như quân đội Pháp.
Lơ-pa-giơ trả lời:
- Ngày 16 tháng 9, sau khi được tin Đông Khê bị công kích, tôi được lệnh đưa binh đoàn Bay-a ở Lạng Sơn lên ứng cứu. Sáng ngày 17 tháng 9, Hà Nội cho một tiểu đoàn dù nhảy xuống Thất Khê đồng thời từ Lạng Sơn, binh đoàn tôi hành quân bằng cơ giới đi đến Thất Khê trong ngày để hợp lực cùng với tiểu đoàn dù tiến lên ứng cứu Đông Khê. Khốn nỗi các phương tiện cơ giới chỉ chạy được đến cây số 44 vì từ đó trở đi đường số 4 bị phá hoại nặng. Chúng tôi đành phải bỏ xe cộ và các vũ khí hạng nặng lại, tiếp tục hành quân bằng đôi chân. Vì đã quen đi bằng cơ giới nay phải đi bộ, lại mang vác nặng nên hành quân rất chậm. Nhiều lúc chúng tôi còn bị phục kích, bắn tỉa, nên ba ngày sau mới tới được Thất Khê thì được tin Đông Khê đã bị thất thủ từ hôm trước. Tôi ra lệnh đóng quân tại đó chờ lệnh mới. Đến ngày 29 tháng 9, tôi mới được lệnh chuẩn bị sẵn sàng thực hiện kế hoạch Tê-re-dơ. Chiều 30 tháng 9, tôi mới được điện báo "quân đội Pháp đã chiếm thị xã Thái Nguyên và binh đoàn có thể xuất phát được".
Tôi hỏi tiếp:
- Kế hoạch Tê-re-dơ là kế hoạch gì? Mục tiêu và nội dung của nó thế nào?
Lo-pa-gid khai:
- Đây là kế hoạch bảo đảm cuộc rút quân an toàn từ Cao Bằng về Thất Khê do Bộ Tổng tham mưu quân viễn chinh thảo ra theo chỉ thị của Đại tướng Tổng Tư lệnh Các-păng-chi-ê. Kế hoạch Tê-re-dơ gồm 3 cuộc hành binh cùng phối hợp chặt chẽ:
1. Cuộc hành binh Ti-dơ-nít do binh đoàn mang tên hiệp sĩ Bay-a thực hiện dưới sự chỉ huy của tôi. Binh đoàn đó gồm 5 tiểu đoàn có nhiệm vụ đánh chiếm lại Đông Khê dự kiến vào ngày 2 tháng 10. Sau đó sẽ lên đón binh đoàn Cao Bằng ở kilômét 28, về sau Sác-tông đề nghị sửa lại là đón ở kilômét 22.
2. Cuộc hành binh "Mưa giông" do Trung tá Sác-tông chỉ huy nhằm triệt thoái toàn bộ lực lượng ở Cao Bằng sau khi phá huỷ pháo đài, nhà máy điện và tất cả những gì không mang đi được. Hai binh đoàn sẽ hội quân ở kilômét 22 và yểm trợ lẫn nhau cùng rút về Thất Khê.
3. Cuộc hành quân "Hải cẩu" ở hướng phối hợp sẽ từ Hà Nội theo đường số 3 đánh lên chiếm thị xã Thái Nguyên nhằm kéo lực lượng đối phương về. Cuộc hành binh này gồm 5 tiểu đoàn thuộc binh đoàn cơ động Bắc Thái (GMNA), lực lượng dự bị cuối cùng của quân Pháp ở Bắc Kỳ.
Cả ba cuộc hành binh trên sẽ được tiến hành song song, còn kết quả của cả kế hoạch Tê-re-dơ tuỳ thuộc vào việc giữ bí mật và tốc độ rút chạy của binh đoàn Sác-tông.
Tôi hỏi vặn:
- Tại sao cuộc hành binh "Hải cẩu" mới đánh chiếm thị xã Thái Nguyên ngày 29 mà chiều tối ngày đó ông đã cho xuất quân đi Đông Khê ngay, không chờ đối phương kéo quân ở biên giới về.
Lơ-pa-giơ trả lời ngay:
- Qua kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường Việt Nam, tôi biết quân đội chính quy của các ông không kéo về đâu, vì đã có bộ đội địa phương ở sẵn đó đối phó rồi. Còn ở mặt trận này, tôi cũng bị quân của các ông đang mai phục sẵn ở Lũng Phầy, tôi phải lợi dụng đêm tối 30 tháng 9 cho binh đoàn bí mật hành quân và sáng 1 tháng 10 bất ngờ đánh chiếm lại Đông Khê. Chỉ có hành động nhanh chóng và bất ngờ mới mong chiếm lại được Đông Khê vì tôi biết rõ lực lượng của các ông đã bố trí dọc theo đường số 4 từ Thất Khê lên Cao Bằng và xung quanh Đông Khê, Cao Bằng. Tôi không ngờ khi đội mở đường tới cách thị trấn Đông Khê 1km thì bị các ông phát hiện. Tôi liền lệnh cho Tiểu đoàn Lê dương đi đầu cấp tốc tiến lên đánh chiếm Đông Khê thì bị súng cối và các loại súng liên thanh từ bốn phía tới tấp nã xuống như mưa. Lúc ấy là 17 giờ. Cả binh đoàn phải dừng lại. Tôi thấy mất yếu tố bất ngờ rồi, nên quyết định đánh chiếm Đông Khê bằng sức mạnh. Tôi điện về Lạng Sơn xin hai khẩu pháo 75mm và yêu cầu yểm trợ bằng máy bay nhưng phải đợi mất một ngày máy bay mới tới thả hai khẩu pháo. Trinh sát đường không báo cho tôi biết quân đội các ngài hành quân rất đông trên đường Quảng Uyên - Phục Hoà - Đông Khê. Tôi quyết định không đánh Đông Khê nữa mà chuyển sang đánh chiếm cao điểm Khâu Luông theo chiến lược cầm chân đối phương (strategie de fixation) về phía bắc Đông Khê, còn tôi trực tiếp chỉ huy 3 tiểu đoàn tìm đường vòng về phía nam Đông Khê tiến đến kilômét 22 đón Sác-tông. Địa hình rất bất lợi cho chúng tôi do vậy chúng tôi tiến quân rất chậm, đến sáng 5 tháng 10 thì cả 3 tiểu đoàn bị lạc vào thung lũng Cốc Xá.
Tôi hỏi lại:
- Ông đã biết bị lạc vào thung lũng Cốc Xá, sao không cho quân quay trở lại?
Lơ-pa-giơ nhún vai và nói:
- Chúng tôi hành quân đã ba ngày đêm, binh sĩ đều mệt mỏi, lương thực lại hết, làm sao tiếp tục được nữa.
Tôi lại hỏi:
- Binh đoàn của ông gồm toàn đơn vị thiện chiến ở rừng núi, lại đủ vũ khí tối tân, phương tiện thông tin hiện đại, có pháo binh và máy bay yểm trợ, sao lại không đánh được?
Lơ-pa-giơ trả lời với vẻ thất vọng:
- Thưa ngài, với địa hình rừng núi hiểm trở như thế này và với cách đánh lợi hại của quân đội các ngài như thế này, những vũ khí hiện đại của chúng tôi kể cả máy bay cũng trở nên vô tác dụng.
Để thăm dò âm mưu tiếp theo của địch, tôi hỏi Lơ-pa-giơ có ý kiến gì về chiến sự đang tiếp diễn. Lơ-pa-giơ nói với vẻ chán nản thất vọng: "Tôi không biết các ngài bày binh bố trận thế nào mà quân đội chúng tôi tiến công đến đâu cũng bị đánh, cũng đều bị thiệt hại nặng. Thật đáng sợ! Tôi không biết sẽ ra sao nữa!".
Trên đường trở về Sở chỉ huy chiến dịch, tôi thầm nghĩ bọn chỉ huy quân đội Pháp từ tổng chỉ huy đến chỉ huy trưởng quân khu, binh đoàn, khu tự trị, giàu kinh nghiệm chiến đấu lại đủ phương tiện trinh sát thông tin hiện đại nắm được tình hình nhanh, đối phó linh hoạt, cố xoay xở để tìm lối thoát trong mọi tình huống. Khốn nỗi họ là những sĩ quan của quân đội đế quốc, ỷ lại vào vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, tự phụ, chủ quan, đánh giá thấp đối phương, coi thường địa hình, cưỡng ép binh lính, áp bức dân bản xứ lại gặp quân đội ta là một quân đội cách mạng lấy nhân dân làm chính, coi địa lợi làm trọng. Các cấp lãnh đạo, chỉ huy trong đó có vai trò tham mưu đắc lực của Bộ Tổng tham mưu đã chủ động thấy trước và chuẩn bị sẵn cả về mặt chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, nắm vững thời cơ, buộc chúng phải hành động theo kế hoạch của mình. Vì vậy trong quá trình chiến dịch, bộ đội ta tuy có gặp một số bất ngờ nhưng quân đội Pháp không thể đảo ngược được tình thế.
Sáng mồng 10 tháng 10 năm 1950, tôi về Sở chỉ huy thấy anh Hưng đang làm việc. Tôi báo cáo lại với anh những điều tôi đã thu thập được qua cuộc hỏi cung hai tên Sác-tông và Lơ-pa-giơ. Nghe xong, anh Hưng hỏi: "Chúng nó có nói gì về chiến sự tiếp theo không?".
Thưa anh, tôi có hỏi nhưng Sác-tông chỉ nói: "Tôi chỉ biết phục tùng mệnh lệnh" còn Lơ-pa-giơ thì trả lời: "Tôi không biết sẽ ra sao nữa". Nhưng qua lời khai của Lơ-pa-giơ về kế hoạch Tê-re-dơ, trong cuộc hành binh "Hải cẩu" lên Thái Nguyên, địch đã phải tung lực lượng dự bị chiến lược cuối cùng của quân đội Pháp ở Bắc Bộ và đã thất bại nặng nề. Cuộc hành binh Ti-dơ-nit cũng như cuộc hành binh "Mưa giông" thì đã bị thất bại hoàn toàn. Chúng đã phải cho quân chiếm đóng ở Thất Khê lên đỡ đòn nhưng cũng đã phải tháo chạy về vì đứng trước nguy cơ bị quân ta tiêu diệt. Như vậy tôi thiết nghĩ chúng không còn lực lượng cơ động nào nữa để đối phó với ta. Có lẽ vì thế mà Lơ-pa-giơ đã thốt lên: "Thật đáng sợ"
Để có những kỳ tích làm lên chiến thắng Điện Biên Phủ là một sức mạnh của toàn dân tộc khẳng định bản lĩnh Việt Nam, trí tuệ Việt Nam. Trong đó việc lấy những dữ liệu từ phía địch để tạo ra chiến lược tác chiến là một công tác đặc biệt nhưng rất quan trọng đã góp phần cho những chiến thắng lẫy lừng của ta với địch mang về những thắng lợi cho dân tộc Việt Nam anh hùng.
- Bản đồ chiến dịch Điện Biên Phủ bằng cây xanh tại KCN Nam Cầu Kiền: Kiến tạo giá trị lịch sử vượt thời gian
- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ