ISSN-2815-5823
Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Thứ tư, 11h31 10/04/2024

Chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024): "Nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta"

(KDPT) - Năm nay chúng ta long trọng tự hào tổ chức kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) Chiến thắng “ Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã để lại trong lịch sử Việt Nam những trang vàng chói lọi. Và, giá trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn sống mãi vang vọng cho đến hôm nay và ngày mai.

“ Nhiều Điện Biên Phủ  khác đang chờ đợi chúng ta”. Đó là câu kết thúc loạt bài viết "Mẩu chuyện về Điện Biên Phủ" của Bác Hồ trên báo Cứu quốc, đúng một tháng sau ngày toàn thắng (7-6-1954). Bảy mươi năm sau nhìn lại, tinh thần của bài báo ấy là một hiện thực lịch sử sống động. 

Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ: Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ: Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

1. "Đến Điện Biên Phủ thì làm cho cả thế giới xôn xao" 

Ngày 24-7-1953, Đại tướng Hăngri Nava báo cáo với Ủy ban Quốc phòng của nước Pháp về kế hoạch quân sự nhằm cứu vãn tình hình Đông Dương, nơi ông ta vừa nhậm chức Tổng Tư lệnh các đạo quân viễn chinh mới được hai tháng. 

Và không ai có thể ngờ rằng, chỉ không đầy tám tháng sau, kể từ ngày bộ đội Việt Nam bắt đầu nổ súng công kích tập đoàn cứ điểm này (13-3-1954) thì Điện Biên Phủ đã trở thành địa ngục của đạo quân đồn trú, nỗi kinh hoàng của nước Pháp và các thế lực đế quốc, từ ngữ được nhắc đến hằng ngày trên các bản tin thế giới... Và kể từ buổi chiều ngày 7-5-1954, Điện Biên Phủ đã trở thành một cái mốc lịch sử, một thuật ngữ sử học và một biểu tượng mang nhiều ý nghĩa thời đại. Trước hết, đây là "lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh", như đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Ba phần tư thế kỷ đã qua, Điện Biên Phủ vẫn là nguồn cảm hứng lịch sử mang tầm vóc quốc tế. Nhà sử học Pháp J. Sênô (Jean Chesnaux) đã từng đánh giá Điện Biên Phủ đã tác động mạnh mẽ đến thế giới chẳng khác gì chiến thắng của nước Nhật trước nước Nga ở eo biển Đối Mã (Tushima) năm 1905 đã thức tỉnh cả châu Á da vàng đang là thuộc địa của châu Âu da trắng đầu thế kỷ XX. Còn các bạn Angiêri, những người vốn cùng chung cảnh ngộ là thuộc địa, thì coi Điện Biên Phủ như nhát đanh đầu tiên đóng lên nắp ván thiên của chủ vinh dự đưa nó ra nơi an nghỉ cuối cùng. Một trong những nhân chứng lịch sử, Giăng Pugiê (Jean Pouget), vốn là Thư ký cho tướng Nava, 20 năm sau trận chiến đã viết rằng: "Điện Biên Phủ đánh dấu sự kết thúc thời đại chủ nghĩa thực dân và dấy lên thời đại độc lập của thế giới thứ ba. Ngày nay, ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ, không có một cuộc nổi dậy hoặc một cuộc khởi nghĩa nào không chịu tác động bởi chiến thắng của tướng Giáp. Nếu ngày 14-7 (ngày phá ngục Baxti) trở thành ngày Quốc khánh Pháp thì ngày 7-5 cũng trở thành ngày phi thực dân hóa trên toàn thế giới" (Le Figaro, 7-5-1974). 

… Trên phương diện quân sự, người ta đã xếp Điện Biên Phủ trở thành một trận đánh kinh điển trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, là một sự kiện không thể thiếu khi viết về lịch sử thế giới thế kỷ XX. Trong cuốn sách viết về trận đánh này, nhà sử học Pháp Giuyn Roa đánh giá: Sự thất thủ Điện Biên Phủ đã gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đây là một trong những thất bại lớn nhất của phương Tây, báo hiệu sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa và một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện còn rền vang...

Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 bàn kế hoạch tác chiến dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Triệu Đại – TTXVN
Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 bàn kế hoạch tác chiến dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Triệu Đại – TTXVN

2. "Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" 

Đó là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chỉ đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám giành độc lập cho dân tộc. Đó cũng là tư tưởng xuyên suốt toàn bộ cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Ý chí ấy đã được thể hiện một cách quyết liệt trong lời hịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12- 1946): "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên". 

Vào thời điểm đó, dân tộc Việt Nam hoàn toàn phải "chiến đấu giữa vòng vây" (như tên gọi tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về giai đoạn từ năm 1946 đến trước chiến thắng Biên giới 1950). Đó là một thời kỳ vô cùng gian khổ nhưng hào hùng như ông cha ta từ những thế kỷ xa xưa đã từng một mình chống chọi với mọi thế lực ngoại xâm. Nói chính xác hơn thì ngay từ đầu, cách mạng Việt Nam đã gắn bó với cách mạng Lào và Campuchia tạo nên một chiến trường chống kẻ thù chung là chế độ thuộc địa và âm mưu áp đặt lại chế độ thuộc địa của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương. Chiến thắng Biên giới vào mùa Thu 1950 đã mở ra một bước ngoặt quan trọng. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam nói riêng, của các dân tộc Đông Dương nói chung đã thoát khỏi thế bị bao vây. Cùng với thắng lợi của cách mạng Trung Quốc, chúng ta đã có một hậu phương vô cùng rộng lớn và quan trọng. Nhưng đó lại cũng là cái mốc đặt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam vào một cục diện quốc tế ngày một phức tạp và quyết liệt của một thế giới đã phân cực. Giờ đây bên cạnh chiến trường chống đạo quân viễn chinh Pháp, chúng ta bắt đầu phải nhận dạng một kẻ thù lâu dài hơn là đế quốc Mỹ; bên cạnh việc có được nguồn ủng hộ to lớn của bạn bè quốc tế đặc biệt là với nguồn viện trợ quan trọng của Trung Quốc và Liên Xô, chúng ta phải ứng phó ra sao để vẫn giữ được nguyên lý tự chủ. 

Vào bối cảnh lúc đó, Liên Xô còn bị ràng buộc bởi Hiệp ước Pháp-Xô ký kết từ trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phátxít, nên sự ủng hộ Việt Nam chỉ giới hạn vào việc cung cấp vũ khí qua tay Trung Quốc (phải sau khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp ước Pháp-Xô mới bãi bỏ). Còn với Trung Quốc, trên nền tảng của mối quan hệ truyền thống giữa cách mạng hai nước mà Bác Hồ dày công vun đắp, chúng ta đã nhận được những sự giúp đỡ rất quan trọng không chỉ giới hạn trong những khoản viện trợ vật chất mà còn cả sự cổ vũ tinh thần và những kinh nghiệm của Trung Quốc vừa tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên. Thời điểm này, một đoàn cố vấn Trung Quốc đã sang giúp ta trên lĩnh vực quân sự. Có thể nói, đây là thời kỳ mà tinh thần quốc tế được thể hiện cao cả trong chiến tranh cách mạng. Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng sát cánh tham gia tiêu diệt tàn quân Tưởng Giới Thạch trong Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn giúp cách mạng Trung Quốc. Trung Quốc giúp ta huấn luyện và trang bị cho một số đơn vị chủ lực của chúng ta. Vũ khí của Liên Xô và Trung Quốc trang bị cho ta cũng làm quân Pháp bất ngờ như hỏa lực pháo binh và đặc biệt là pháo phòng không đã cắt đứt hoàn toàn cầu hàng không tiếp tế của Pháp hay dàn hỏa tiễn sử dụng vào thời điểm cao trào của chiến dịch gây nỗi kinh hoàng cho đối phương... Nhưng cuối cùng, vấn đề vẫn là con người. 

Trước hết đó là một dân tộc quyết tâm gìn giữ nền độc lập của mình sẵn sàng "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" ngay từ những ngày đầu kháng chiến. Đó là một bộ máy lãnh đạo đã dạn dày kinh nghiệm và bản lĩnh biết "đã đánh là chắc thắng". Bác Hồ đã thay mặt Bộ Chính trị tin cậy giao phó quyền "tướng quân tại ngoại" cho người học trò của mình là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh, Bí thư Tổng Quân ủy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận, toàn quyền quyết định. Đó là những người lính "từ nhân dân mà ra" trong đó phần  lớn là những người nông dân mặc áo lính phấn khởi nghe tin ở quê nhà gia đình vừa được nhận ruộng đã chiến đấu dũng cảm dưới tài thao lược của các tướng lĩnh đã từng trải trận mạc. Đó là sự phối hợp của cuộc chiến tranh nhân dân trên toàn đất nước và sự phối hợp với chiến trường toàn Đông Dương căng địch ra mà đánh. Đó là sức người sức của từ mọi miền dồn lực cho mặt trận Điện Biên... Nếu biết rằng, năm đầu tiên hòa bình, nhân dân Thanh Hóa bị đói to vì có bao nhiêu thóc giống cũng dốc hết cho chiến trường Điện Biên Phủ thì mới thấy hết tầm vóc của sự hy sinh của cả nước để chiến thắng. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình chiến dịch Điện Biên Phủ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình chiến dịch Điện Biên Phủ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Cũng cần phải nói đến "một quyết định khó khăn nhất" mà vị Chỉ huy trưởng chiến trường đã quả quyết thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" kết thúc trong hai ngày ba đêm đã được nhất trí từ trên xuống dưới, đã dày công chuẩn bị chỉ còn chờ lệnh nổ súng, sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc" vào trưa ngày 26-1-1954, chấp nhận bài binh bố trận lại để bảo đảm thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ "đánh chắc thắng", mới thấy được yếu tố quyết định là con người, từ chiến sĩ đến thống soái. Bởi lẽ, chính nhờ có quyết sách đúng đắn và kịp thời này cũng như sự quán triệt từ các vị cố vấn tới các tướng lĩnh và chiến sĩ mà Điện Biên Phủ đã đại thắng. 

Đờ Cátxtơri, bại tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, sau này khi về Pháp điều trần đã rút ra một bài học thấm thía: Người ta có thể đánh thắng một đạo quân chứ không thể đánh thắng một dân tộc. 

Nhớ lại, những ngày đầu cách mạng còn trong trứng nước, năm 1946, Bác Hồ dặm trường sang Pháp nhằm cứu vãn hòa bình. Chiều 12-7-1946, có một nhà báo Pháp hỏi: "Chủ tịch tuyên bố nếu Pháp cố tình chiến tranh xâm lược thì quyết đánh lại chứ không sợ. Vậy, Chủ tịch đánh bằng gì?". Bác đáp lại đanh và gọn: ”Bằng trí tuệ của nhân dân Việt Nam". Điện Biên Phủ chính là câu trả lời bằng hành động.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu, ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ảnh tư liệu
Sau 55 ngày đêm chiến đấu, ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ảnh tư liệu

3. Từ Điện Biên Phủ đến "Điện Biên Phủ trên không" và những "Điện Biên Phủ khác" 

Trong lá thư đề ngày 8-5-1954, gửi "lời khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ", Bác Hồ đã viết: "Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu". Vị thống soái của cách mạng Việt Nam nhìn thấy tầm xa của chiến thắng cuối cùng và "nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta". 

Vào dịp kỷ niệm 50 năm Điện Biên Phủ, một hãng phim Mỹ (Wind River LLC) đã thực hiện một cuốn phim cho kênh Discovery nổi tiếng một bộ phim cũng có tựa đề là Điện Biên Phủ. Cuốn phim dài một giờ này chỉ xoay quanh cái chết của hai viên phi công Mỹ là J.Mc Govern và W.A.Buford. Hai viên phi công này đã tử nạn trên một trong những chiếc máy bay C119 của không quân Mỹ tiếp tế cho quân Pháp đang khốn đốn trên chiến trường Điện Biên. Trên cái nền ấy các nhà làm phim nói về thảm bại của Pháp và thu hẹp sự hiện diện của Mỹ chỉ là cái chết của hai quân nhân đầu tiên trên chiến trường Đông Dương và chưa có tên trên "bức tường của công viên Việt Nam ở Oasinhtơn". 

Nhưng thực tế lịch sử đã cho thấy Điện Biên Phủ đã là "một cuộc chiến tranh của Mỹ" kể từ sau khi biên giới Việt Nam đánh thông sang Trung Quốc. Một nước Mỹ thời Tổng thống Rudoven đã từng là lực lượng Đồng minh đứng bên cạnh những người cách mạng Việt Nam chống phátxít Nhật hồi năm 1945, thì từ năm 1946 đã quay ra ủng hộ các thế lực thực dân Pháp trở lại xâm chiếm thuộc địa cũ, và từ năm 1950 thì nước Mỹ ấy đã nhập cuộc, trước hết bằng nguồn lực tài chính và vũ khí viện trợ cho Pháp. 

Những con số dưới đây sẽ nói lên vị thế của Mỹ trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất: Nếu năm 1950 Mỹ đã viện trợ cho Pháp ở chiến trường Đông Dương 52 tỷ phrăng chiếm 19,5%, thì năm 1953 con số ấy đã lên tới 285 tỷ phrăng (43,8%) và đến năm diễn ra Điện Biên Phủ 1954 thì đã tăng lên tới 555 tỷ phrăng chiếm 73,9%. Người ta nói không sai là Điện Biên Phủ chính là cuộc chiến tranh của Mỹ đánh bằng danh dự của nước Pháp, binh lính của Pháp cũng như các thuộc địa và lính đánh thuê. Không chỉ có tiền bạc và súng đạn, sự có mặt của các tướng lĩnh cao cấp Mỹ, thị sát tận nơi cứ điểm quân sự này, cùng những chuyến đi con thoi của các chính khách cao cấp và tướng lĩnh Pháp sang Oasinhtơn cho thấy rõ điều đó. 

Vào thời điểm quân Pháp bắt đầu nguy kịch ở Điện Biên Phủ, Mỹ đã tính đến một sự can thiệp trực tiếp hơn với dự án về một cuộc hành binh đường không mang tên Chim kền kền (Operation Vulture). Mỹ dền dứ Pháp một sự hỗ trợ ồ ạt bằng không quân kể cả những đơn vị B29 từng ném bom nguyên tử xuống Nhật năm xưa, nếu Pháp chấp nhận nhường quyền chỉ huy chiến trường cũng như huấn luyện quân đội "quốc gia Việt Nam" (ngụy) cho Mỹ. Nước Pháp chần chừ vì sợ mất cả chì lẫn chài trong cuộc chiến này, cộng với sự không tán thành của Anh và sự bất đồng của một bộ phận chính khách và tướng lĩnh Mỹ sợ chiến tranh sẽ lan rộng ra khu vực, nên cuộc hành binh Chim kền kền đã không thực hiện được. Những câu đối thoại cuối cùng của Ngoại trưởng Mỹ G.F.Đalét: "Ngài nghĩ thế nào, nếu chúng tôi cho các ngài quả bom nguyên tử chiến thuật" và câu trả lời của Thủ tướng Pháp Biđôn là: "Nếu thế thì cả quân Pháp và Việt Minh sẽ cùng phải chết ở Điện Biên Phủ à?" cho thấy Mỹ sẵn sàng giành chiến thắng bằng xương máu của người khác như thế nào. 

Nhưng rồi nước Pháp sau trận thua ở Điện Biên Phủ phải ký kết Hiệp định Giơnevơ, rút khỏi miền Bắc rồi sau cuộc Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại (1955), thì trên thực tế nước Pháp đã trắng tay rút khỏi Đông Dương. Chỉ sau chiến thắng Điện Biên Phủ hơn bảy tháng, trong một bài viết ký tên là TL. đăng trên báo Nhân Dân (ngày 20-12-1954), Bác Hồ đã lấy đầu đề: Từ ngày nhân dân ta bắt đầu kháng chiến, đế quốc Mỹ đã nhúng tay vào chiến tranh xâm lược Đông Dương và kết thúc bài báo bằng câu: "Tuy đã bị thất bại nhục nhã ở Đông Dương, nhưng chứng nào vẫn giữ tật ấy, đế quốc Mỹ chưa chịu bỏ mộng xâm lược Đông Dương". 

Hai mươi năm tiếp theo kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân dân Việt Nam vẫn cùng hai dân tộc Lào và Campuchia anh em tiếp tục cuộc chiến đấu mới. Nhân dân ta một lần nữa buộc phải cầm vũ khí để chiến đấu theo đúng lời chỉ bảo của Bác Hồ: "còn nhiều Điện Biên Phủ đang chờ chúng ta". Cuộc chiến tranh giải phóng đầy hy sinh gian khổ ấy đã đạt tới nhiều chiến công lớn mà một trong những đỉnh cao là một trận thắng được mệnh danh là "Điện Biên Phủ trên không" vào mùa Đông năm 1972. 

Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã tiên đoán về một trận đánh có ý nghĩa quyết định sẽ diễn ra trên bầu trời Thủ đô Hà Nội. Người cũng lường trước rằng kẻ thù sẽ điên cuồng leo những nấc thang tận cùng của sự tàn bạo là sử dụng máy bay chiến lược B52. Nhờ vậy quân và dân ta đã chủ động nghênh chiến đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân được coi là có quy mô lớn nhất và cũng chịu nhiều thiệt hại nhất của Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Và như thế thất bại của cuộc tập kích chiến lược càng xứng đáng là một Điện Biên Phủ đối với Mỹ. Sau đó không lâu, Níchxơn cũng phải từ chức một phần vì thất bại ở Việt Nam, một phần vì vụ tai tiếng Oatơghết... Sau "Điện Biên Phủ trên không", Hiệp định Pari cũng được ký kết buộc Mỹ phải tìm cách rút bỏ khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Với "Điện Biên Phủ trên không", chúng ta đã thực hiện được mục tiêu "đánh cho Mỹ cút" để rồi thực hiện nốt mục tiêu "đánh cho ngụy nhào” vào mùa Xuân đại thắng của chiến dịch mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc vào đúng một tuần trước ngày kỷ niệm lần thứ 21 chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1975). 

Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1984), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã từng đánh giá: "Điện Biên Phủ, cái tên kỳ diệu ấy đã đi vào lịch sử dân tộc ta như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa... Đó là khúc nhạc mở màn cho bản trường ca chống Mỹ cứu nước".

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, vị Đại tướng của chiến trường xưa đã gửi gắm tin hãy "làm nên một Điện Biên Phủ mới trong sự nghiệp Đổi mới..., mỗi người, mỗi tổ chức có những nỗ lực vượt bậc lập nên những đỉnh cao thành tích mới, những Điện Biên Phủ lớn nhỏ trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa, xã hội"2 

Bởi vì như Bác Hồ đã căn dặn: "Còn nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta".

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024