Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 7 tháng tăng 4,12%
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024.
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lạm phát cơ bản tăng 2,73%.
Tổng cục Thống kê cho biết, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước. So với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Riêng nhóm bưu chính, viễn thông ổn định giá.
Bình quân 7 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Tính đến ngày 24/7, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.383,17 USD/ounce, tăng 1,49% so với tháng 6/2024.
Giá vàng thế giới tăng khi các nhà đầu tư dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9/2024, cùng với đó rủi ro xung đột địa chính trị trên thế giới cũng làm tăng nhu cầu tích trữ vàng.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 7/2024 giảm 0,12% so với tháng trước; tăng 18,11% so với tháng 12/2023; tăng 29,39% so với cùng kỳ năm trước; bình quân bảy tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 24,77%.
Tính đến ngày 24/7, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 104,61 điểm, giảm 0,24% so với tháng trước.
Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do dao động quanh mức 25.463 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7 tăng 0,05% so với tháng trước; tăng 4,22% so với tháng 12/2023; tăng 7,14% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 5,85%./.