ISSN-2815-5823
Bình Nguyên
Thứ sáu, 07h03 12/07/2024

Bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024

(KDPT) - Số liệu vĩ mô 6 tháng đầu năm cho thấy chế biến, chế tạo, xuất nhập khẩu là điểm sáng, khối FDI dẫn dắt tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công tích cực, lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt...

Chế biến, chế tạo, xuất nhập khẩu là điểm sáng

Số liệu vĩ mô Quý 2 và 6 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng hồi phục luân phiên. Tăng trưởng GDP Quý 2/2024 vượt xa kế hoạch của Chính phủ và tiếp tục cho thấy các xu hướng hồi phục luân phiên với động lực chính từ khối FDI trong khi tiêu dùng chưa bứt phá và thấp hơn tốc độ tăng trưởng tiềm năng trước Covid-19.

Dòng vốn FDI giải ngân và đăng ký mới bật tăng mạnh trong tháng 6, trong khi tỷ lệ giải ngân đầu tư công ghi nhận tăng trưởng giảm trên mức nền cao trong năm 2023.

Lạm phát chỉ tăng nhẹ trong tháng 6, nhưng áp lực lạm phát sẽ lớn hơn nhiều trong nửa cuối năm với việc điều chỉnh tăng lương cơ sở. Áp lực tỷ giá tiếp tục trong tháng 6 và NHNN duy trì sử dụng các biện pháp can thiệp nhằm ổn định thị trường. Mặt bằng lãi suất trên thị trường 2 hạ nhiệt nhưng lãi suất trên thị trường 1 tăng ở hầu hết các kỳ hạn, tập trung ở nhóm ngân hàng vừa và nhỏ.

Tăng trưởng GDP đã có sự cải thiện rõ rệt nhờ hồi phục từ nhóm sản xuất chế biến chế tạo và xuất nhập khẩu, trong khi tiêu dùng được kỳ vọng sẽ có sự bứt phá trong nửa cuối năm với sự giúp đỡ từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Do vậy, tăng trưởng GDP đạt và có thể vượt kế hoạch 2024 và khả năng tiếp tục phải nới lỏng chính sách tiền tệ là thấp và Chính phủ có thể sẽ phải tập trung hơn vào các yếu tố mang tính ổn định kinh tế vĩ mô, ví dụ như lạm phát (áp lực tăng lương từ 1/7) hay tỷ giá (nếu FED tiếp tục trì hoãn việc giảm lãi suất).

Khối FDI dẫn dắt tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm

Tăng trưởng GDP quý 2/2024 đạt 6,93% so với cùng kì, vượt xa mức kế hoạch 6,2% của Chính phủ. Động lực chính từ khối FDI và một phần từ đầu tư công, trong khi khối doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn cần nhiều thời gian hơn trong quá trình hồi phục. Nhờ vậy, GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42% và khả năng tăng trưởng GDP đạt và có thể vượt kế hoạch 2024.

Nguồn: Tổng cục Thống kê, SSI Research
Nguồn: Tổng cục Thống kê, SSI Research

Xét về phía cầu, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 5,78% trong khi tích lũy tài sản tăng 6,72%. Xuất siêu vẫn ở mức gần 12 tỷ USD - thể hiện Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ tỷ giá thương mại hàng hóa ( terms of trade). Tính chung 6 tháng, động lực tăng trưởng chính duy trì ở ngành chế biến chế tạo (+7,54%, đóng góp 2,44 điểm phần trăm). Khu vực dịch vụ ghi nhận mức tăng khiêm tốn (+6,64% so với 6,75% trong năm 2023) trong đó các nhóm ngành cấp 2 như bán lẻ, tài chính/ngân hàng hay bất động sản chưa thấy sự bứt phá. Tuy nhiên cũng lưu ý là mức tăng trưởng ấn tượng trong quý II có đóng góp lớn của số tháng 6 - vốn chỉ là ước tính, nên vẫn cần được xác nhận bởi các số liệu chính thức tiếp theo.

Sản xuất chế biến chế tạo hồi phục tốt

Xu hướng hồi phục trong nửa đầu năm đến từ nhóm sản xuất chế chiến chế tạo đã tương đối rõ hơn (số liệu GDP quý 1 hay số liệu SXCN trong tháng 5 được điều chỉnh tăng). Giá trị tăng thêm ngành chế biến chế tạo trong Quý 2 tăng mạnh (10,04% so với cùng kì, so với mức 7,21% trong Quý 1), tương đồng với mức tăng đến từ chỉ số IIP ngành chế biến chế tạo (tăng 10,8% so với cùng kì) .

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao trong Quý 2 như thép thanh, thép góc (+39,8% so với cùng kì); linh kiện điện thoại (+22,1%), thủy hải sản chế biến (+9,4%). Chỉ số sử dụng lao động ngành chế biến chế tạo cũng tăng trưởng tốt (+4,0% so với cùng kì), đặc biệt từ nhóm ngành điện tử (+18,3% so với cùng kì).

Hoạt động thương mại tiếp tục phục hồi tốt với mức tăng trưởng 2 con số trong Quý 2. Nhập khẩu (+19,6% so với cùng kì) tăng mạnh hơn xuất khẩu (+12,5% so với cùng kì) là tín hiệu tích cực khi thời điểm này là mùa cao điểm của nhập khẩu để chuẩn bị cho xuất khẩu vào cuối năm. Trong 6 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD. Tuy nhiên, khu vực dịch vụ ghi nhận mức nhập siêu lớn 4,9 tỷ USD, đặc biệt trong Quý 2 (nhập siêu 2,8 tỷ USD) đã phần nào tạo áp lực lên tỷ giá.

Bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024 - ảnh 2

Tiêu dùng trong nước tăng yếu hơn tốc độ tăng trưởng tiềm năng trước Covid-19

Tiêu dùng chưa bứt phá khi doanh thu bán lẻ Quý 2 chỉ tăng 7,6% so với cùng kì (Quý1: 8,1%). Nếu loại trừ lạm phát, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng chỉ tăng 5,7% so với cùng kì (so với mức 8,8% trong năm 2023). Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 5 tiếp tục bị điều chỉnh giảm (giảm 0,6%), cho thấy tiêu dùng trong dịp Lễ 30/4 không quá đột biến.

Đáng chú ý, số liệu lao động có một số điểm hạn chế và có thể đã ảnh hưởng tới thu nhập hộ gia đình, bao gồm tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động hay tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong Quý 2 đều nhích tăng.

Khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm đạt 8,8 triệu lượt người, tăng 58% so với cùng kì và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, giai đoạn tháng 4 - tháng 8 không phải là mùa du lịch cao điểm đối với khách quốc tế tới Việt Nam nên số lượng khách quốc tế trong tháng 6 tiếp tục giảm nhẹ so với tháng 5.

Giải ngân vốn FDI tích cực trong Quý 2

Giải ngân FDI trong 6 tháng đầu năm đạt 10,8 tỷ USD - tăng 7,8% so với cùng kì vàphần lớn giải ngân vào lĩnh vực chế biến chế tạo (79% tổng vốn giải ngân). Tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh 6 tháng đầu năm đạt 13,5 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kì trong đó cả vốn đăng ký cấp mới (+47% so với cùng kì) và điều chỉnh (+35%) đều bứt phá.

Một số dự án lớn đáng chú ý trong Quý 2 là Amkor (Bắc Ninh, tăng thêm 1,6 tỷ USD), Hyosung (Bà Rịa - Vũng Tàu, cấp mới 730 triệu USD).

Nguồn: Bộ Tài chính, SSI Research
Nguồn: Bộ Tài chính, SSI Research

Giải ngân đầu tư công chưa bứt phá. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm đạt 30% kế hoạch Thủ tướng. Mức giải ngân theo số tuyệt đối giảm khoảng 8% so với cùng kì do mức nền cao trong năm 2023. Bên cạnh các nguyên nhân như công tác giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên vật liệu xây dựng hay công tác phân bổ chi tiết kế hoạch vốn chậm, việc giải ngân trong năm 2024 gặp nhiều khó khăn hơn do tập trung thi công các dự án đã được tạm ứng trong năm 2023 hay nhiều dự án đã sang giai đoạn có giá trị giải ngân thấp.

Lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt

Lạm phát tháng 6 tăng nhẹ (+0,17% so với tháng trước và 4,34% so với cùng kì) - giảm nhẹ từ mức tăng 4,44% so với cùng kì trong tháng 5. Lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm vẫn trong vùng kiểm soát (4,03%), trong đó giá nhóm lương thực (tăng 15,76% so với cùng kì), giáo dục (+8,58%), y tế (+7,07%) và giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+5,51%) đóng góp nhiều nhất làm tăng CPI 6 tháng đầu năm 2024.

Áp lực lên lạm phát trong 6 tháng vẫn còn khá lớn và chúng tôi nâng dự báo lạm phát bình quân trong năm 2024 lên mức 4,2% trước áp lực tăng lương, tỷ giá và việc điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý.

NHNN tiếp tục can thiệp nhằm giảm áp lực lên tỷ giá. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 24/6, tín dụng tăng 4,45% so với cuối năm 2023 (cùng kì 3,83%) và huy động tăng 1,5% (cùng kỳ 3,68%). Mặc dù chênh lệch tín dụng - huy động vẫn âm và NHNN đã thực hiện các nghiệp vụ hút ròng nhằm ổn định tỷ giá, thanh khoản hệ thống không gặp nhiều vấn đề và NHTM vẫn tích cực tham gia trên thị trường 2 (KLGDTB tăng 42% so với cùng kì).

Lãi suất huy động trên thị trường 1 bật tăng 50-100 điểm cơ bản ở hầu hết các các NHTM. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất kỳ hạn 12 tháng cho KHTC vẫn đang ở mức khá thấp, ghi nhận ở 4,5% cho 4 NHTCPNN, 5,0% cho các NHTMCP lớn và 5,5% cho các NHTMCP khác.

Tỷ giá liên ngân hàng, niêm yết của VCB và tự do đều đang dao động trong vùng đỉnh lịch sử và tăng khoảng 5,0% so với cuối năm 2023. Mặc dù số liệu về FDI giải ngân và thặng dư cán cân thương mại đều mức cao, cán cân thanh toán trong Quý 1 âm cho thấy dòng tiền rút ròng ra khỏi Việt Nam.

NHNN đã kết hợp kênh phát hành tín phiếu và bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối để cân đối nguồn cung và giá ngoại tệ nhằm giảm áp lực đầu cơ tỷ giá./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/09/2024